Ảnh nude nghệ thuật: Con đường gian truân tôn vinh cái đẹp

Thứ Sáu, 27/07/2018, 07:34
Ai cũng biết cơ thể thanh xuân của thiếu nữ là tuyệt tác của tạo hóa, nhưng để được chiêm ngưỡng bằng những hình ảnh cụ thể, dưới con mắt “nhìn” của những nhà nhiếp ảnh, qua ngôn ngữ của nghệ thuật nhiếp ảnh, con đường thật đầy gian khó cho đến hôm nay.


Chiều 20-7, tại Nhà Triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội, Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã khai mạc triển lãm mang tên “Ảnh Nude nghệ thuật” gồm 52 tác phẩm của 10 nhà nhiếp ảnh Việt Nam: Thái Phiên, Dương Quốc Định, Lê Quang Châu, Nguyễn Á, Trần Nhân Quyền, Phó Bá Cường, DZung Nguyễn, Ngô Xuân Phú, Đỗ Thùy Mai, Đào Đức Hiếu. Theo các nhà tổ chức, đây là lần đầu tiên một triển lãm chuyên đề về ảnh nude được ra mắt chính thức tại Thủ đô Hà Nội.

Trước đấy, báo chí và dư luận cũng đã khá ồn ào bàn về vấn đề này; rồi ngay những người tổ chức cũng không được tự tin cho lắm khi định gắn thêm mác 18+ vào triển lãm, rồi thì những ai mới được phép vào chiêm ngưỡng khi triển lãm khai mạc… Mọi chuyện diễn ra suôn sẻ đến không ngờ trong ngày khai mạc, mặc dù trời Hà Nội chiều ấy mưa tầm tã. Khen. Khen. Và trầm trồ, rồi tiếc giá như sớm hơn…

Một vấn đề quá cũ, quá bình thường của thế giới sao ở ta gian truân và khó khăn đến thế, để đến tháng Bảy của năm 2018, vẻ đẹp với những đường cong tuyệt mỹ của người con gái Việt Nam mới được “lộ sáng”.

Tác phẩm “Tinh khiết” của Dương Quốc Định.

Thực chất vấn đề Nude trong kiến trúc, điêu khắc, hội họa Việt Nam đã có lịch sử hàng ngàn năm; Việt Nam ngay từ thời Pháp đô hộ, người Pháp đã có những hình ảnh nude về phụ nữ nước ta. Để thấu đáo nhiều chiều, có lẽ cần tham khảo định nghĩa về nude: “Khỏa thân (hay “nude” trong tiếng Anh) là từ để chỉ tình trạng cơ thể không có quần áo hay vải che đậy.

Nghệ thuật khỏa thân (nude art) là một loại hình nghệ thuật trong đó cơ thể trong tình trạng không có quần áo là đối tượng khai thác chính của toàn bộ tác phẩm, cũng giống như cách mà cảnh vật hay các đồ vật làm nội dung chủ đạo trong những tác phẩm nghệ thuật phong cảnh hay tĩnh vật”.

Dù là với văn hóa phương Tây vốn không còn xa lạ với những hình tượng khỏa thân từ thời cổ đại cho đến thời kỳ Phục Hưng, hay với văn hóa Á Đông vốn chịu ảnh hưởng sâu sắc từ những luật lệ tôn giáo nghiêm ngặt hay tư tưởng Nho giáo hà khắc, không thể phủ nhận rằng cho đến nay, hình tượng lõa thể trong các sáng tác nghệ thuật vẫn là chủ đề rất nhạy cảm và dễ dàng trở thành thỏi nam châm hút những tranh cãi hay công kích từ giới phê bình nghệ thuật cũng như công chúng.

Sử gia nghệ thuật tiêu biểu người Anh Kenneth Clark trong tác phẩm “The Nude: A Study in Ideal Form” (Mellon Lectures, 1953), một trong những cuốn sách đầu tiên nghiên cứu về nghệ thuật khỏa thân như một loại hình sáng tạo nghệ thuật riêng biệt, đã dành chương thứ hai mang tên “The naked and the nude” để phân biệt hai khái niệm về nude, như một tiền đề để khẳng định tính nghệ thuật vốn hay bị nhầm lẫn và phủ nhận của nghệ thuật nude.

Ông chỉ ra rằng: “Tiếng Anh, với sự quảng đại tinh tế của mình, đã luôn phân biệt rõ ràng giữa “the naked” và “the nude”. “The naked” – trần truồng/lõa lồ là cơ thể bị tước bỏ quần áo, mang hàm ý trong đó là nỗi hổ thẹn, sự yếu đuối, mất tự do với cơ thể của mình. Nhưng ngược lại, “the nude”, lại được ngầm hiểu là ngôn từ có văn hóa và thẩm mỹ, không hề mang một chút ám chỉ khó chịu nào.

Ấn tượng hiện lên trong tâm trí không phải là hình ảnh một cơ thể co ro và không có khả năng tự vệ, thay vào đó, “the nude” - khỏa thân là sự khơi gợi về một cơ thể cân đối, giàu sức sống và đặc biệt là được phơi bày với tràn đầy sự tự tin: một cơ thể được tái tạo dưới lăng kính nghệ thuật”.

Như vậy, Clark đã chỉ ra cái yếu tố then chốt làm nên giá trị nghệ thuật đích thực của các tác phẩm với đối tượng khỏa thân: dù là phô diễn một cách tượng trưng, được tỷ lệ hóa, hay phơi bày chân thật, trần trụi, dù là tôn vinh vẻ đẹp hoàn mỹ, lý tưởng, sức sống trong sáng hay là vẻ đẹp trần tục và khơi gợi những cảm xúc bản năng, nghệ thuật nude cuối cùng vẫn phải là sự tôn trọng con người, tôn trọng sự nhào nặn của tạo hóa.

Họa sĩ thiên tài người Ý, David Michelangelo (1504) cũng đã nói: "Con người thật trống rỗng và mù quáng khi không thể nhận ra sự thật rằng bàn chân nhiều phần cao quý hơn chiếc giày, và làn da trần trụi còn đẹp hơn rất nhiều những nhung lụa mà nó đang khoác lên”.

Phải dài dòng một chút để thấy rằng, rất nhiều năm, quan niệm của các nhà quản lý văn hóa nước ta thật phiến diện và cứng nhắc trong vấn đề ảnh nude nghệ thuật. Bao năm nay Việt Nam đã hòa nhập với thế giới, đã tiếp nhận và sử dụng những thành tựu công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực truyền thông; vậy nhưng mãi tới giai đoạn đất nước đang chuyển mình bắt kịp thời đại công nghệ 4.0 (bốn chấm không) theo định hướng của Chính phủ, một triển lãm ảnh nude nghệ thuật bình thường mới được công khai ra mắt.

Nhiều năm nay các nhà nhiếp ảnh, nghệ sĩ nhiếp ảnh của Việt Nam vẫn lặng lẽ sáng tác những tác phẩm ảnh nude; và trong sưu tập ảnh của giới ảnh, giới họa hay những người yêu thích cũng vẫn lặng lẽ có những ảnh nude nghệ thuật. Cuộc sống vẫn trôi, dòng đời vẫn chảy, cái gì thuộc về cái đẹp vẫn luôn là ước muốn được chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn của nhân loại chứ không riêng người Việt Nam.

Một số nghệ sĩ có tác phẩm trưng bày trong triển lãm, ảnh nude nghệ thuật của họ đã được giới trong nghề và ngoài nghề biết đến từ lâu với sự thán phục lòng dũng cảm và sự sáng tạo của họ như: Thái Phiên, Dương Quốc Định, Lê Quang Châu… Đại thi hào Nguyễn Du cách đây hơn hai trăm năm đã ca ngợi nàng Thúy Kiều khi khỏa thân:

Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên
.

Con người là công trình hoàn hảo của tạo hóa, trong đó người phụ nữ lại là tuyệt tác của tuyệt tác. Không có vẻ đẹp nào hoàn mỹ bằng cơ thể người con gái đang tuổi xuân phơi phới… Hội họa, điêu khắc, tạo hình thế giới như người Hy Lạp cổ đại từ thế kỷ thứ IV trước Công nguyên đã cho ra đời bức tượng Nữ thần sắc đẹp Aphrodite trong trạng thái hoàn toàn khỏa thân mang tên “Knidian”, mở đầu một truyền thống mới cho những tác phẩm phụ nữ khỏa thân với các tỷ lệ vàng.

Còn nhiếp ảnh: “Khỏa thân ngay từ đầu là một trong những đối tượng của nhiếp ảnh kể từ khi mới ra đời loại hình này vào cuối thế kỷ XIX và đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa nhiếp ảnh trở thành một bộ phận của nghệ thuật chính thống”. Vậy hà cớ gì trong khi ca ngợi con người, chúng ta lại cố né tránh tuyệt tác của tạo hóa ban tặng cho loài người, như cụ Nguyễn Du nói “tòa thiên nhiên”.

Vẻ đẹp đầy nữ tính trong trạng thái nude của người phụ nữ Việt Nam là điểm nhấn xuyên suốt trong các tác phẩm ảnh nude nghệ thuật được trưng bày. Ở đây không có chỗ cho những cảm xúc, liên tưởng dung tục, tầm thường. Mỗi nghệ sĩ sáng tạo theo ý tưởng, khuynh hướng của sự cảm nhận cá nhân.

Tác phẩm “Đường nét ánh sáng” của Nguyễn Á.

Thái Phiên tạo ấn tượng, sức gợi bằng so sánh sự hoàn mỹ cơ thể người phụ nữ cùng những đường cong hoàn hảo, với những gồ ghề, góc cạnh của đá, của thiên nhiên; trong bối cảnh vừa giàu chất lãng mạn vừa ẩn ý một triết lý về cuộc sống trường tồn… Dương Quốc Định gửi gắm những ý tưởng vừa độc đáo, bất ngờ vừa dung dị, sâu xa về lẽ sống cùng những triết lý nhân sinh dung chứa sự khoáng đạt, bay bổng, siêu thoát…

Nghệ sĩ nhiếp ảnh mới quá cố đầu năm 2018 Lê Quang Châu gửi lại đời tâm huyết của anh về vẻ đẹp người phụ nữ khỏa thân bên những bối cảnh giản dị hàng ngày nhưng đầy tìm tòi ánh sáng; cũng đồng thời anh ngợi ca cái hoàn mỹ không gì sánh nổi của dáng vẻ nude của người phụ nữ… Nguyễn Á, Phó Bá Cường, Ngô Xuân Phú,  Trần Nhân Quyền, Nguyễn Quốc Dũng (Dzung art), Đào Đức Hiếu mỗi người có cách “nói” riêng của mình với những sáng tạo bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh về nude.

Tác giả nữ duy nhất Đỗ Thùy Mai có cảm nhận đầy tinh tế, nữ tính về người phụ nữ khỏa thân. Tôi thích tác phẩm “Đường nét tạo hóa” chị chụp người con gái với những đường nét mềm mại, đầy đặn ngồi quay lưng lại trong một quầng ánh sáng lung linh và trong sáng…

Để có một tác phẩm ảnh nude nghệ thuật, đòi hỏi rất nhiều công phu, tâm huyết, tiền bạc; rồi tài năng cùng những bước xử lý hậu kỳ rất tỉ mỉ, chau chuốt của mỗi người sáng tạo… Trong thế giới ngập tràn thông tin ngày nay, tìm tòi và mở ra những hướng đi mang dấu ấn sáng tạo không trùng lặp… là điều không giản đơn của hành trình khám phá cái mới về một mảng đề tài không mới. Những tác phẩm ảnh nude nghệ thuật Việt Nam vẫn thấy đây đó phảng phất các sáng tạo của hội họa, những hình thức biểu đạt chịu ảnh hưởng các tác giả nước ngoài…

Đi từ sự ngưỡng mộ sâu sắc cơ thể con người, cho đến tôn vinh vẻ đẹp hoàn mỹ thần thánh người phụ nữ; nghệ thuật ảnh nude nhân loại đã có những bước tiến vượt bậc mang tư tưởng nhân văn sâu sắc. Với nhiếp ảnh Việt Nam, con đường đã mở.

23-7-2018

Cao Minh
.
.