Âm vang từ chiến tranh

Thứ Sáu, 06/12/2019, 08:26
Chiến tranh ngỡ lùi xa, nhưng, thực ra vẫn vang vọng trong mỗi căn nhà, góc phố. Khi nhận được cuốn sách “Âm vang từ chiến tranh” (NXB Văn học, 2019) của nhà phê bình văn học Tôn Phương Lan, tôi dù bận chuẩn bị in một tác phẩm mới vẫn tranh thủ thời gian đọc...


Tôi từng là một người lính đi ra từ chiến tranh - cuộc chiến tranh vì độc lập và thống nhất đất nước. Để có được thành quả cuối cùng trong cuộc chiến tranh đó, nhân dân ta đã tốn biết bao sức người, sức của. Biết bao nhiêu nam thanh nữ tú đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ. 

Bây giờ mỗi lần về quê, nhìn tấm Bằng “Tổ quốc ghi công” treo trên tường nhà, tôi lại nhớ tới em tôi, liệt sỹ Dương Xuân Việt hy sinh ở chiến trường Quảng Trị năm 1972. Cậu em trai hiền lành của tôi ngày ấy đã ra sau vườn lấy gai mây chích vào đầu ngón tay, lấy máu viết đơn xin nhập ngũ. Năm ấy em tôi mới tròn 17 tuổi. Em được điều vào chiến trường, rồi hy sinh, cho đến nay vẫn chưa tìm thấy mộ. Sinh thời bố tôi cũng là thương binh. Ông cũng bị bom Mỹ cướp đi một cánh tay khi đang làm nhiệm vụ nơi quê nhà...

Chiến tranh ngỡ lùi xa, nhưng, thực ra vẫn vang vọng trong mỗi căn nhà, góc phố.

Khi nhận được cuốn sách “Âm vang từ chiến tranh” (NXB Văn học, 2019) của nhà phê bình văn học Tôn Phương Lan, tôi dù bận chuẩn bị in một tác phẩm mới vẫn tranh thủ thời gian đọc.

Có lẽ nhiều năm công tác ở Viện Văn học nên Tôn Phương Lan có nhiều thời gian tiếp cận sâu một số tác giả cũng như nhiều tác phẩm viết về chiến tranh cách mạng. Cuốn sách đề cập khá đầy đủ tên tuổi cũng như tác phẩm các nhà văn tiêu biểu trong chiến tranh chống Mỹ.

Tôi đồng tình với nhiều nhận xét của tác giả Tôn Phương Lan trong cuốn sách này: “Khi văn học được coi là một bộ phận quan trọng của sự nghiệp cách mạng thì điều dễ hiểu là tại sao cảm hứng ngợi ca, cảm hứng anh hùng trở thành cảm hứng chủ đạo trong sáng tác, vì sao người viết thường đi đến những điển hình tiên tiến để lấy cảm hứng cho sáng tác của mình, còn những tiêu cực của đời sống, những vấn đề của thế sự, đời tư lại ít được quan tâm...

Cho nên văn học thời chiến lâu nay thường gọi là nền văn học theo khuynh hướng sử thi và một thời gian dài công chúng nói chung vẫn quen thưởng thức món ăn tinh thần này theo cảm hứng đó ...” (trích "Một cách nhận diện về sự vận động của tiểu thuyết sử thi").

Tác phẩm mới của nhà phê bình văn học Tôn Phương Lan.

Bây giờ có thể có người coi đó là văn học “tuyên truyền”. Thực ra, một thời đó chính là một trong những động lực tinh thần to lớn cho cả một thế hệ lên đường ra trận. Bản thân tôi khi vào bộ đội đối mặt với bao nguy hiểm, tôi vẫn không hề nao núng không chỉ bởi vì lòng yêu nước như chúng ta thường nói. Thực sự những bài hát, bài thơ, những áng văn làm tôi say mê đã truyền cảm hứng, nghị lực không chỉ cho cá nhân tôi mà có lẽ là với cả thế hệ trẻ bấy giờ. Nó thực sự có “sức mạnh như mười vạn quân” - điều mà người ta vẫn thường nói về những áng hùng văn của Nguyễn Trãi.

Sau chiến tranh, đất nước thống nhất, văn học trở lại với đời thường, nhà văn cũng như độc giả đều có những cách nhìn nhận và cảm thụ đa chiều. “Sau chiến tranh, cảm hứng sáng tạo được đánh thức. Một số cây bút có bản lĩnh dè dặt đặt những bước chân đầu tiên lên mảnh đất mới  và nhận được sự kích lệ của bạn đọc. Và từng bước một đời sống văn chương đã sinh động hơn khi hòa vào không khí đổi mới của toàn xã hội nói chung và văn nghệ nói riêng. Biên độ hiện thực được nới rộng. Con người được nhìn nhận và dần được thể hiện hài hòa... Xu hướng nhận thức lại lịch sử một thời chưa xa được mở ra với một trong những tiểu thuyết xuất sắc là Thời xa vắng của Lê Lựu. Lần đầu tiên, văn học đề cập đến thân phận con người cá nhân trong đời sống cộng đồng.

Đỉnh cao của quy trình đổi mới này về tiểu thuyết là bộ ba tác phẩm được giải thưởng Hội Nhà văn năm 1991.  Thân phận tình yêu của Bảo Ninh, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường và Bến không chồng của Dương Hướng”... (trang 27 - 28). Tôi đồng tình với nhận định này của tác giả Tôn Phương Lan, nhưng cũng muốn nói thêm rằng không phải “lần đầu tiên văn học đề cập đến thân phận con người cá nhân”, mà chính xác hơn là,  sau một thời gian dài dòng văn học cách mạng nước ta lại đề cập đến thân phận con người cá nhân... Bởi thực ra, cốt lõi của văn chương từ cổ chí kim đều là những vấn đề về thân phận con người!

Về hiện tượng “nhận thức lại lịch sử” như tác giả Tôn Phương Lan đã viết, đã đề cập mà Nguyễn Trọng Oánh với bộ tiểu thuyết “Đất trắng” như là một sự mở đầu, theo tôi là đúng. Đương nhiên đó là thể loại tiểu thuyết. Còn mở rộng ra trong lĩnh vực văn xuôi thì còn phải nói đến truyện ngắn "Hai người trở lại trung đoàn" của Thái Bá Lợi và tập ký "Ký sự miến đất lửa" của Vũ Kỳ Lân và Nguyễn Sinh.

Sinh thời nhà văn Nguyễn Trọng Oánh là người rất trăn trở về những đề tài chiến tranh sau khi chiến tranh vừa kết thúc. Có lần, tôi đến Tạp chí Văn nghệ Quân đội để gửi bài, nhà văn Nguyễn Trọng Oánh bảo tôi ngồi nói chuyện. Ông đọc cho tôi nghe bài thơ của ông, trong đó có mấy câu tôi còn nhớ mãi đến bây giờ: "Tôi đi/ Mất hút/ Trong hàng/ Bóng tôi/ Bài thơ từ đấy không lời/ Tôi mang theo, suốt cuộc đời làm thơ..."

Trong hoàn cảnh cuộc chiến tranh cách mạng, cái tôi bản thể phải nhường cho cái ta, có thế chúng ta mới chiến thắng. Hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích sống còn của dân tộc đó cũng là điều tất yếu. Nhưng khi chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại thì cái tôi bản thể chính là động lực của sự phát triển. Văn học cũng như mọi lĩnh vực khác phải cổ vũ cái tôi bản thể này.

Chính mấy câu thơ của nhà thơ Nguyễn Trọng Oánh đã ám ảnh tôi, góp phần thúc đẩy tôi nghĩ tới việc tổ chúc cuộc thi Hoa hậu đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất năm 1988, nhằm góp phần tôn vinh cái đẹp của người phụ nữ Việt Nam, một sự kiện gây chấn động vào thời điểm bấy giờ.

Tôi thích bài “Hành trình tư tưởng trong sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu”. Ở phần này tác giả Tôn Phương Lan viết kỹ và có những nhận định theo tôi là chuẩn: “ ...Mười năm cuối đời của Nguyễn Minh Châu là thời kỳ văn học đang trăn trở, tìm đường thoát ra sự bao cấp trì trệ, cũng là mười năm Nguyễn Minh Châu trở thành một hiện tượng trên văn đàn mà ông là một trong những người có công khai sáng cho sự đổi mới văn học” (trang 127).

Tôi nhớ có lần gặp nhà văn Nguyễn Minh Châu ở hành lang Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tôi có nói về những tác phẩm đang gây dư luận trái chiều của ông, có ý ngợi khen. Ông bảo: “Mình...mình sắp đi rồi Dương Kỳ Anh ơi!”. Tôi sững cả người, không hiểu vì sao ông nói vậy! Hóa ra ông bị ung thư giai đoạn cuối và bài viết của ông đăng trên báo, hình như là bài “Hãy đọc lời ai điếu...” thì phải, có nhiều ý kiến phê phán nặng nề! Báo Tiền phong của tôi hồi bấy giờ đã đăng "Sợ nhất ở nhà văn là có chất máu cá" khi ông còn sống.

Di bút đó sau này Văn nghệ Quân đội in đầy đủ với tiêu đề "Ngồi buồn viết mà chơi".

Hai tác phẩm của ông “Phiên chợ Giát” và “Khách ở quê ra” gây chấn động trên văn đàn, thực sự là những tác phẩm văn học xuất sắc. Nguyễn Minh Châu thực sự tiểu biểu cho văn học nước ta lúc đó, đúng như Tôn Phương Lan nhận định: “ ...ông có công khai sáng cho sự đổi mới văn học...”.

Tôi tâm đắc với Tôn Phương Lan khi nói về sự đổi mới trong văn học, cụ thể là nhà văn Nguyễn Minh Châu: “Sự đổi mới đó nhất thiết phải được thể hiện trước tiên bằng tác phẩm và luôn luôn bằng tác phẩm”. Sứ mệnh của nhà văn là viết, là có tác phẩm hay chứ không phải điều gì khác. Điều này luôn nhắc nhở chúng ta, đã là nhà văn, nhà thơ thì không thể sống mà không viết văn, làm thơ. Sứ mệnh tối thượng của nhà văn là sáng tạo. Và tác phẩm chính là chân dung nhà văn ở tư cách người lao động sáng tạo.

Trong phần các tác giả tiêu biểu, thiển nghĩ nhà phê bình văn học Tôn Phương Lan đã có những cách nhìn nhận riêng. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, Tôn Phương Lan lựa chọn những tác giả, tác phẩm mà mình biết. Còn một số tác giả, tác phẩm tiểu biểu như Chính Hữu, Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng, Phạm Tiến Duật ...tác giả còn chưa đề cập đến một cách sâu sắc. Hy vọng nhà phê bình Tôn Phương Lan có dịp trở lại với những nhà văn này qua những đóng góp cho mảng văn học viết về chiến tranh và cách mạng của họ.

PGS. TS Tôn Phương Lan vốn là bạn học thời cấp ba (cũ) với tôi. Lúc đó huyện Kỳ Anh quê tôi chưa có trường cấp ba nên chúng tôi phải khăn gói ra Cẩm Xuyên trọ học. Tôi cùng khối lớp 8 với Tôn Phương Lan - một nữ sinh xinh đẹp. Đó là những năm giặc Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc. Khi vào đại học, chiến tranh lan rộng ra miền Bắc rất ác liệt, tôi phải đi bộ 13 ngày đêm theo đường giao liên từ quê ra để nhập học.

Ra đến nơi, tôi bị chậm mất 10 ngày so với giấy gọi tập trung. Bấy giờ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sơ tán tận Đại Từ (Thái Nguyên). Vì chậm nhiều ngày nên Phòng Tổ chức của Trường chuyển tôi sang học khoa Hóa chứ không xếp vào học khoa Ngữ văn mà tôi yêu thích.

Đang chán nản đứng ở cổng Hiệu bộ thì gặp Tôn Phương Lan có việc sang đấy. Nghe tôi kể, biết tôi học giỏi văn... Tôn Phương Lan bảo tôi đưa học bạ, xem có giúp gì được cho tôi không! Tôn Phương Lan đi và thuyết phục thế nào mà rồi may mắn sao, sau đó trường đã đồng ý chuyển tôi về học khoa Ngữ văn. Với tôi, đó thực sự là một ân tình.

Tất nhiên, tôi viết bài viết này chủ yếu từ cảm hứng mà cuốn sách mang lại cho tôi. Tôi đã đọc "Âm vang từ chiến tranh" của Tôn Phương Lan và cảm thấy tác phẩm đã góp thêm những nhận định nghiêm cẩn, xác đáng về đóng góp của một số nhà văn và về giai đoạn văn học cách mạng trong dòng chảy của nền văn học dân tộc: chiến tranh và thời hậu chiến.

Nhà vườn Sóc Sơn, 2019.

Dương Kỳ Anh
.
.