Âm nhạc không cần "chất kích thích"

Thứ Năm, 27/09/2018, 09:08
Sau vụ 7 nạn nhân chết do sốc ma túy ở Lễ hội âm nhạc "Trip to the Moon", bắt đầu có những ý kiến ngụy biện của những người trẻ cho rằng chất kích thích không phải nguyên nhân chủ yếu gây ra cái chết của 7 thanh niên tham dự lễ hội.


Những người được gọi là "raver" (danh từ chỉ những khán giả tham gia các lễ hội âm nhạc điện tử) này đổ lỗi cho địa điểm diễn quá đông người, ngộp thở và thiếu nước. Điển hình là NHL, một facebooker trẻ, đã từng sống ở nước ngoài và cũng là một "raver" ở "Trip to the Moon".

Trên trang của mình, NHL viết bênh vực nạn nhân (cũng là bạn của NHL) đại ý rằng "thiếu oxy và không được uống nước để… lọc máu". Nguy hiểm hơn nữa, có những "raver" còn khẳng định, chất kích thích dạng cấm như ma túy, cần sa là luôn gắn liền với đời sống âm nhạc, với dẫn chứng kiểu "những người chơi nhạc jazz say sưa với cần sa" hay "những nghệ sỹ nhạc rock thăng hoa với cocaine".

Thực sự, đây là một luồng quan điểm nguy hại đặc biệt với cộng đồng, nhất là với những người trẻ tuổi xốc nổi, bồng bột và ưa chứng tỏ mình. Họ cần được hiểu rõ hơn nữa tác hại của ma túy nói chung và cần được phân tích thật cặn kẽ để nắm được rằng "âm nhạc không phải bạn đồng hành với ma túy".

Đúng là không thiếu những rocker hay rapper đang hút cần sa thay thuốc lá mỗi ngày, nhưng họ chỉ là thiểu số, tạo nên ấn tượng không tốt cho nghề. Hơn nữa, suy nghĩ cho rằng dùng chất kích thích chơi nhạc sẽ hay hơn là một quan niệm hoàn toàn sai trái. Một câu chuyện có thật nên được kể ra đây để mọi người cùng tránh khỏi lầm lẫn là các nghệ sỹ âm nhạc thường thích chơi chất kích thích dạng cấm. Đó là chuyện của nhạc sỹ D.Th. Anh kể lại chuyện này, với lời khuyên chân thành rằng đừng bao giờ đụng đến ma túy khi chơi nhạc.

Ngày còn trẻ, D.Th có nghe nhiều người nói hút cần sa chơi nhạc sẽ hay hơn. Vậy là anh thử, bằng cách hút bồ đà và sau đó chơi nhạc, thu âm lại. Sáng hôm sau tỉnh dậy, khi mở cuộn băng cassette ghi âm những gì mình chơi đêm hôm trước, D.Th tự nhận xét rằng "xấu hổ và nhục nhã vô cùng vì chưa bao giờ trong đời chơi nhạc chuyên nghiệp mình lại có thể chơi nhạc thiếu sạch sẽ đến thế, vụng về đến thế và nghiệp dư đến thế". Sau này, D.Th có gia đình, con anh cũng theo nghệ thuật, và anh vẫn giữ cuốn băng ghi âm kia để nhắc con mình rằng "ma túy không làm cho âm nhạc tốt lên".

Một nhạc sỹ khác cũng chia sẻ là kể cả rượu bia cũng không làm cho họ chơi nhạc "máu lửa" hơn như mọi người nghĩ. Anh nói "khi say, cầm cây đàn, bấm vào các phím toàn trật lung tung cả, tiếng đàn nghe rất tệ". Và thực tế, giới chơi nhạc chuyên nghiệp lại càng tránh xa chất kích thích. Họ có thể uống rất khoẻ nhưng không bao giờ họ uống trong ngày họ làm việc biểu diễn hay thu âm. Và thường chỉ khi nào xong việc, họ mới ngồi lại với nhau la cà dăm ba chai bia, vài ba ly rượu mà thôi.

Quay lại với cái gọi là sự đông đúc của các lễ hội âm nhạc khiến ngộp thở, thiếu oxy và dẫn đến tử vong như ngụy biện của giới "raver" trẻ đang phổ biến trên mạng. Thực tế, từ trước khi có các lễ hội âm nhạc điện tử, trên thế giới đã có các nhạc hội đông hàng chục ngàn khán giả ở các sân vận động rồi. Và gần như không có ai tử vong vì lý do ngớ ngẩn kể trên ở các nhạc hội ấy cả. Nên nhớ, các sự kiện tổ chức ở ngoài trời luôn có không khí thoáng đãng hơn trong khán phòng rất nhiều. Và các "raver" trẻ cũng cần phải hiểu, thế hệ cha mẹ họ, những người sinh ra ở thập niên 60 hay 70 cũng không ít người từng đi thưởng thức các sự kiện âm nhạc lớn ở nước ngoài rồi. Họ nên tự trả lời câu hỏi rằng "tại sao cha mẹ mình có thể thưởng thức vui thú trong không gian âm nhạc như thế mà không cần dùng chất kích thích bị cấm?". Phải chăng, với giới "raver" trẻ trung, âm nhạc chỉ là cái cớ của họ để chơi ma túy mà thôi.

Hãy nhớ, âm nhạc đã có từ trước ma túy và ma túy các dạng cũng có cả mấy chục năm nay rồi. Vậy thì tại sao hôm nay giới trẻ lại có thể biện minh một cách xuẩn ngốc rằng âm nhạc phải đồng hành với ma túy, trong khi ở quá khứ, điều đó không tồn tại. Tất cả là do lối sống, là do sự đua đòi, là máu sĩ diện ngu dốt mà thôi.

Để kết lại, mong các "raver" trẻ hãy nghe tâm sự của DJ Slim V, một DJ hàng đầu ở làng nhạc EĐM Việt Nam, một raver chính hiệu. Anh nói rằng: "Tôi nghĩ âm nhạc là thứ có thể gắn kết mọi người mà không cần tới bất kỳ một chất kích thích nào khác".


Văn Đoàn
.
.