Ám ảnh bụi mịn – Mỗi chúng ta đều phải chịu trách nhiệm
- Hà Nội ô nhiễm, nhà chọc trời mất hút trong lớp bụi mịn khổng lồ
- Bụi mịn - nỗi ám ảnh ô nhiễm môi trường của người Hàn Quốc
Bụi mịn đã trở thành mối lo sợ rất lớn đối với cộng đồng và cũng bắt đầu từ đó, những luồng quan điểm phân tích, chỉ trích đã được đưa ra mà chung nhất là những “kết tội” dành cho các cơ quan quản lý hành chính nhà nước cũng như các nhà máy, khu công nghiệp vốn dĩ vẫn được xem là nguồn gốc của khói và bụi.
Chúng ta không thể bênh vực bằng cách phủ nhận trách nhiệm của ngành công nghiệp trong việc tạo ra một môi trường ô nhiễm như hiện nay. Bản thân tôi, với khá nhiều năm làm việc trong ngành công nghiệp xi măng, một ngành mũi nhọn của công nghiệp Việt Nam, đã chứng kiến ô nhiễm bụi là như thế nào.
Bụi mịn là nỗi ám ảnh của người dân toàn cầu. |
Trong ngay chính một nhà máy xi măng tiên tiến nhất Việt Nam, đạt tiêu chuẩn về môi trường công nghiệp chuẩn châu Âu, bụi vẫn là một mối đe doạ kinh hoàng. Sau những lần đi làm việc với đội ngũ kỹ sư của nhà máy ấy trở về, điều khiến tôi nhớ nhất là dù có sử dụng đến 2 lớp khẩu trang cẩn thận đi nữa, tình trạng mũi vẫn luôn là “đóng bê tông”. Đó là ở một nhà máy thuộc diện sạch. Còn ở những nhà máy xi măng khác thì thôi rồi. Ngay cả đến cái cây ngọn cỏ kiên cường nhất thì cũng phải mọc lên với một màu duy nhất: màu xi măng.
“Chính quyền Hà Nội/ TP Hồ Chí Minh phải làm gì đi chứ nhỉ?” là câu hỏi quen thuộc mà cộng đồng mạng đã đặt ra liên tục trong “những ngày bụi bặm” vừa rồi. Thực tế, đó là một câu hỏi tất nhiên sẽ được đặt ra, bởi khi có sự cố gì, có hiện tượng bất thường nào, người dân vẫn nhìn về phía chính quyền như một chỗ dựa cũng như nơi để quy trách nhiệm.
Song, nói thẳng và thật, suy cho cùng, chính quyền không thể làm gì để có thể hết bụi mịn nói riêng và tình trạng ô nhiễm nói chung. Rất dễ hiểu, nguồn khởi phát ô nhiễm đến từ quá nhiều nơi và để giải quyết triệt để trong ngày một ngày hai là bất khả.
Tôi muốn mở ra câu chuyện về ô nhiễm này bằng một ví dụ có thật, mới vừa xảy ra. Đầu tháng 10 vừa rồi, tôi đi họp phụ huynh cho cô con gái mới vào lớp 1 của mình. Và trong buổi họp phụ huynh đó, qua truyền đạt của Ban chấp hành Hội phụ huynh học sinh, nhà trường (một trường tiểu học uy tín ở trung tâm quận 3 - TP Hồ Chí Minh) đề xuất mỗi phụ huynh đóng khoảng 1 triệu đồng để lắp đặt máy lạnh cho toàn bộ các phòng học.
Khoản đóng này được coi là tự nguyện trên hình thức nhưng thực chất là bắt buộc khi Ban chấp hành hội phụ huynh học sinh vừa thông báo lấy ý kiến xong là lập tức đã nhắc nhở chuyện chuyển khoản đóng tiền. Và trong diễn đàn của phụ huynh lớp con tôi học đã nổ ra một tranh luận rất gay gắt về việc có nên lắp đặt máy lạnh hay không.
Phần đông phụ huynh không đồng ý, không phải vì họ tiếc tiền mà bởi lẽ họ cùng chung quan điểm rằng “các cháu còn nhỏ, sức đề kháng còn yếu, việc sau giờ ra chơi các cháu chơi đùa ngoài sân trường nóng nực lại lập tức vào phòng học lạnh ngắt sẽ có thể khiến các cháu bị bệnh, đặc biệt là hô hấp và phế quản”.
Cuộc tranh cãi có thể chẳng dẫn đến việc nhà trường thay đổi ý chí của họ nhưng tôi vô cùng lưu ý tới ý kiến của một phụ huynh, vốn là bác sỹ. Ông nói rằng “Nếu đóng tiền để trồng cây xanh trong sân trường, tạo môi trường sinh hoạt thoáng mát, tự nhiên, bao nhiêu tiền phụ huynh cũng đóng. Còn nếu đóng tiền để lắp đặt máy lạnh thì không. Hãy thử tưởng tượng ngần ấy cục nóng chĩa ra sân chơi thì cái sân ấy có khác gì một cái lò?”.
Tôi chợt suy nghĩ rất lâu về ý tưởng trồng cây xanh ở sân trường của phụ huynh nọ. Và tôi cũng nghĩ sâu hơn về tác hại đến môi trường của khí thải từ máy lạnh. Tôi bảo vệ quan điểm của vị phụ huynh này, dù biết nó có thể sẽ chỉ là đá ném ao bèo khi nhà trường đã quyết tâm đến thế. Và tôi hình dung đến tình trạng chung của nhiều trường học khác hiện nay.
Chuyện vận động phụ huynh đóng góp để lắp đặt máy lạnh đã trở nên quá phổ biến, và bình thường. Như vậy là ngay ở môi trường giáo dục, môi trường tốt nhất để dạy dỗ con người ý thức bảo vệ thiên nhiên, người ta đã hành động theo lối gây ô nhiễm không khí chỉ để thỏa mãn chủ nghĩa tiện nghi của mình.
Và từ chuyện của trường tiểu học nơi con mình theo học, tôi suy ngẫm thêm về các ý kiến xoay quanh việc ô nhiễm không khí gần đây. Như đã nói, chúng ta không thể phủ nhận chuyện ngành công nghiệp, ngành xây dựng và nhiều ngành khác nữa đang tàn phá môi trường một cách nghiêm trọng và vô ý thức. Song, liệu chúng ta, mỗi con người đang nói về môi trường, đang âu lo về bụi mịn mỗi ngày có thực sự vô can.
Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là 2 khu vực bị cảnh báo về sự xâm nhập nghiêm trọng của bụi mịn. |
Hãy hình dung một sớm mai tỉnh dậy, chúng ta nhận ra rằng xe gắn máy đã hoàn toàn biết mất khỏi đô thị và thay vào đó là xe đạp và các phương tiện giao thông công cộng. Chắc chắn, nếu điều đó xảy ra, sẽ chỉ ngắn thôi, chừng 1 tháng sau đó, không khí chúng ta thở sẽ trong lành hơn rất nhiều.
Cũng tương tự, thay vì những căn nhà đóng kín và bật máy lạnh suốt ngày là những ô cửa sổ mở rộng để tận dụng gió tự nhiên và dùng quạt máy, nhiệt độ ở đô thị cũng sẽ hạ thấp xuống hẳn so với thường lệ. Chính mỗi chúng ta, mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi giây, vẫn vô thức xả thải ra môi trường, khiến không khí ngày một ngột ngạt hơn. Đi chợ cách nhà chừng trăm mét thôi ư? Cũng lôi xe gắn máy ra sử dụng. Thời tiết không quá nóng nực, chỉ ở ngưỡng 32 độ C thôi ư? Cũng phải với tay lấy cái điều khiển từ xa để bật máy lạnh lên.
Nhu cầu sinh hoạt thực sự chỉ cần đi xe bus, hoặc đi taxi, đi bộ thôi ư? Cũng vẫn phải sắm cái xe hơi để ôm vô lăng lấy oai. Tất cả những thứ nhỏ nhặt ấy chúng ta đều không kiềm chế nổi và chúng ta mang suy nghĩ “đáng là gì so với mấy cái nhà máy xả khói đen sì lên trời kia kìa”.
Vâng, đúng là lượng khí thải, rác thải cá nhân chúng ta xả ra môi trường quá nhỏ bé, chẳng thấm vào đâu so với 1% của một nhà máy nho nhỏ. Nhưng chúng ta là ai? Là cả chục triệu dân chen chúc trong một đô thị nhỏ hẹp và cái không đáng kể kia khi được nhân lên chục triệu lần, nó sẽ rất đáng kể.
Chúng ta sống trong môi trường ô nhiễm, chúng ta có quyền đòi hỏi quyền được hưởng một môi trường cần phải được cải thiện hơn nữa, nhất là khi các đơn vị xả thải đang làm giàu cho những nhà đầu tư và nộp các khoản thuế vào ngân sách nhà nước. Nhưng song song cái quyền chính đáng ấy phải là trách nhiệm tương xứng.
Trách nhiệm đó gọi tên mỗi con người, gọi tên từng ngành nghề: từ ngành giáo dục (như trường hợp ví dụ trên) cho tới y tế; từ công nghiệp cho tới nông nghiệp; từ giải trí cho tới dịch vụ… chứ không thể quy riêng về cho bất kỳ ai cả.
Và khi những cơ quan hữu quan chưa có động thái cụ thể và mạnh mẽ nào để cứu lấy môi trường thì tự chúng ta phải cứu lấy mình trước. Cái cứu lấy mình ấy không chỉ là khắc phục những lỗi thường ngày với tự nhiên mà ta vô ý mắc phải theo thói quen mà còn là cứu lấy chính ý thức của mình để thói quen xấu không lưu lại và hằn sâu trở thành một tập quán chung nhất và thông thường nhất.
Hãy thử ngày mai cất xe gắn máy ở nhà nếu nó không quá cần thiết. Đừng vội lý do rằng “cái xe là phương tiện để đi kiếm ăn”.