Ai về Bình Định mà coi...

Thứ Năm, 20/08/2020, 17:06
Vừa tới TP Quy Nhơn tôi gặp đúng chuyến khảo sát thành Hoàng Đế cùng nhà thơ Trần Thị Huyền Trang (Hội VHNT Bình Định). Đây là kinh đô nhà Tây Sơn do Hoàng đế Thái Đức Nguyễn Nhạc xây dựng năm 1776, ở xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn (Bình Định). Nhưng dưới trầm tích mảnh đất này còn ẩn giấu di sản của một đế chế vương triều Chăm cuối cùng, kinh đô Đồ Bàn (Vijaya - 982/1471).


Mảnh đất huyền bí

Quả nhiên di sản thành Hoàng Đế hoang phế chỉ còn lại cổng "Tử cấm thành" và vài ba ngôi mộ do thời Nguyễn để lại. "Tử cấm thành" đầy nắng và gió cát. Hai con sư tử đá cô đơn trần trụi giữa không gian bao la hiu quạnh. 

Lúc này tôi chợt nhớ đến câu thơ của Inrasara (người Chăm) đã viết: "Không một bụi cây, không một làn mây/ Bao la nắng và mênh mông cát/ Âm thanh câm, thời gian vắng mặt/ Trắng không gian đậm đặc tứ bề" (Tháp nắng). Thành Hoàng Đế đã câm lặng với thời gian. Nhà thơ Trần Thị Huyền Trang dẫn chúng tôi tới khu vực các nhà khảo cổ đang đào được phần hồ bán nguyệt xây dựng cách đây 250 năm.

Lễ hội tưởng niệm anh hùng Nguyễn Huệ (5 tháng Giêng).

Kinh thành ở trên một khu đất cao có chu vi dài hơn 7km. Một kinh đô mới tiêu biểu cho triều đại Tây Sơn và là thủ phủ của tỉnh Bình Định từ năm 1778. Tường bao quanh "Tử cấm thành" có chu vi chừng 700 mét. Dấu vết của di sản gần như đã bị xóa sổ. 

Năm 1814, vua Gia Long đã chuyển thủ phủ Bình Định sang một khu đất mới cách chừng 6km. Đó chính là thành Bình Định sau này. Nhìn cảnh tượng Thành Hoàng Đế hoang tàn mà lòng người xao xuyến. Tôi cứ mộng mị với hồn thơ Chế Lan Viên vảng vất vọng lên từ đất: "Trống cầm canh đâu đây nghe nặng trĩu/ Trong tha ma dày đặc khí u buồn/ Và vô tình, lay động những linh hồn" (Tiếng trống)

Nhà thơ Trần Thị Huyền Trang cho biết đây là đất thành Đồ Bàn xưa khi người Chăm xây dựng trải qua đã ngàn năm. Nhưng con sư tử đá và con voi đá của người Chăm vẫn tồn tại như một vật chứng kỳ lạ. Phía xa kia còn những ngôi tháp Chăm cũng bị bỏ hoang với bãi cỏ quanh năm cằn cỗi. Đó là những di sản của thành Đồ Bàn quý hiếm. Nhà thơ kể, sau khi bị thất thủ sau cuộc chinh chiến với nhà vua Đại Việt Lê Hoàn, người Chăm đã rời bỏ Quảng Nam (Mỹ Sơn) chuyển kinh đô về Đồ Bàn (Vijaya - Bình Định -năm 982).

Cũng từ đó thành Đồ Bàn trở thành mục tiêu của những cuộc chiến tranh xâm lược mở rộng bờ cõi mà những nước láng giềng nhòm ngó. Suốt 500 năm thành Đồ Bàn không khi nào bình yên. Hết quân Xiêm đến quân Nguyên Mông. Một thời Đồ Bàn còn bị vua Khơ Me xâm lược và biến thành Đồ Bàn trở thành một tỉnh của Angkor (1203-1220). Cuối cùng sau hàng trăm năm tao loạn thành Đồ Bàn lại bùng những ngọn lửa chiến tranh với Đại Việt.

Câu chuyện nhà Trần gả công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân diễn ra trên mảnh đất này. Đế chế Chăm đầy bi kịch bởi họ bao lần tấn công Đại Việt. Thậm chí vua Chế Bồng Nga (1360-1390) đã từng đánh ra Bắc và tấn công thành Thăng Long vào các năm 1372 và 1378. Trận đánh thành Thăng Long lần thứ ba của quân đội Chăm vào năm 1389, Chế Bồng Nga đã bị tướng Trần Khát Chân giết chết. Nơi đây trở thành mục tiêu mở rộng bờ cõi của quân Đại Việt. Thành đã bị cầy xới và hòa trộn máu người. Cuối cùng thành Đồ Bàn do vua Trà Toàn trị vì đã bị thất thủ dưới thời vua Lê Thánh Tông. Năm 1471 thành Đồ Bàn bị phá hủy tan hoang.

Trống trận Tây Sơn tại Bảo tàng Quang Trung.

Đây là dấu mốc chấm dứt đế chế hùng mạnh Chăm ngàn năm trị vì bờ cõi phía Nam. Sau này những xứ sở Chăm khác được hình thành như các khu tự trị mà thôi. Cố thi sĩ Chế Lan Viên đã từng than vãn trong "Đời người Chiêm nữ" rằng: "Thành Đồ Bàn cũng thôi không nức nở/ Trong sương mờ huyền ảo lắng tai nghe/ Từ một làng xa xôi bao tiếng mõ/ Tan dần trong Im lặng của đồng quê". Và cố hương Chăm lưu lạc trong vô vọng: "Hồn ta bay trong một làn khói tỏa/ Chẳng biết rồi lưu lạc đàn nơi nao". Đó chính là hình ảnh Chăm một thời vang bóng.

Về quê "Tam Kiệt"

Chúng tôi rời thành Hoàng Đế về khu Bảo tàng Quang Trung tại chính quê hương của ba anh em nhà Tây Sơn. Bảo tàng được xây dựng trên khu đất rộng gần 10 ha tại Liên Mỹ, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Riêng điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt được xây trên nền nhà cũ của gia đình. Ít có khu bảo tàng danh nhân địa phương nào lại có tới 9 phòng lưu giữ trên 11.000 hiện vật như ở đây. 

Bảo tàng Quang Trung còn có điện thờ các tướng lĩnh và văn thần đã cùng đồng vai sát cánh với ba anh em nhà Tây Sơn. Ngoài những cái tên quen thuộc như Ngô Thì Nhậm, Trần Quang Diệu, Ngô Văn Sở, Trần Văn Kỳ… nổi bật có chân dung nữ võ tướng Bùi Thị Xuân. Bà là một người có công lớn với triều đình Tây Sơn ngay từ những ngày đầu khởi nghĩa. Trong bài thơ "Lịch sử nước nhà" của Bác Hồ cũng có những câu nhấn mạnh về thân thế người liệt nữ này trong sự nghiệp dựng nước của Nguyễn Huệ.

Điều rất thú vị trong khu vườn của Điện thờ Tam Kiệt còn lưu giữ được những di vật cổ của gia đình. Đó là giếng nước và cây me có tuổi hơn 200 năm từ thời ông Nguyễn Phi Phúc, thân phụ của ba anh em nhà Tây Sơn. Giếng nước cổ được xây bằng đá ong luôn luôn có nước ngọt trong quanh năm. Một thời dân làng thường đến lấy nước dùng vào mùa khô cạn. 

Cách đó không xa cây me cổ là nơi ba anh em nhà Tây Sơn cùng các chiến binh bàn bạc và vạch chiến thuật các trận đánh. Nơi đây chính cội nguồn của bài hịch mà Quang Trung đã viết để chuẩn bị ra bắc đánh quân Thanh. 

Dấu tích bài hịch được lưu giữ trong bảo tàng với những lời hiểu dụ hùng tráng: "Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng/ Đánh cho nó bánh xe không quay trở lại/ Đánh cho nó mảnh giáp không trở về/ Đánh cho sử biết nước Nam anh hùng có chủ". Đó là ý chí dẫn dắt đoàn quân Tây Sơn đánh tan giặc xâm lược và thống nhất nước nhà sau hàng trăm năm Trịnh-Nguyễn phân tranh.

Giếng cổ của gia đình Tam Kiệt trong khu Bảo tàng Quang Trung.

Bất ngờ tiếng trống vang lên từ phía võ đường trong khu bảo tàng. Đó là hiệu lệnh một thuở thúc giục đoàn quân ra trận. Ngay lập tức chúng tôi bị thu hút với đoàn người đang múa gậy trong bản nhạc võ công rộn ràng. Những cô gái Bình Định đang biểu diễn những bài võ mà chính do ba anh em nhà Tây Sơn đã sáng tạo trong những trận đánh. 

Bài võ Hùng Kê là của Nguyễn Lữ, hay đó là bài võ Yến Phi được coi là quyền pháp của Nguyễn Huệ. Nhất là màn đấu roi của các nữ võ sĩ. Họ tiêu biểu cho những chiến binh của nữ tướng Bùi Thị Xuân đầy dũng mãnh. 

Thú vị nhất là kỹ thuật biểu diễn màn quyền pháp Ngọc Trản đại diện cho võ cổ truyền Bình Định. Đây là một bí quyết võ công vô giá. Sự nhuần nhuyễn tinh khiết của bài võ được ví với vẻ đẹp huyền diệu của một viên ngọc. Chả thế trong dân gian có câu: "Ai về Bình Định mà coi/ Đàn bà cũng biết đánh roi, đi quyền".

Khắc khoải hồn "Ai Tư Vãn"

Hình ảnh Anh hùng, Hoàng đế Quang Trung luôn gắn liền với thân phận công chúa Lê Ngọc Hân. Ai cũng rõ câu chuyện Nguyễn Huệ trở thành con rể vua Lê Hiển Tông khi được gả công chúa Lê Ngọc Hân (1786). Sau khi lên ngôi Hoàng đế (đóng đô ở Huế) và chiến thắng giặc Thanh xâm lược, Nguyễn Huệ phong cho Ngọc Hân là Bắc cung Hoàng Hậu (1789). Nhưng rủi thay chỉ ba năm sau Hoàng đế Quang Trung đột ngột qua đời (1792). Từ đây cuộc sống của ba mẹ con Bắc cung Hoàng hậu đầy sóng gió.

Bà đã viết văn tế khóc chồng bằng những câu thơ thống thiết bi thương. Đó là bài thơ "Ai Tư Vãn" (164 câu) nổi tiếng để tiễn biệt người anh hùng áo vải của dân tộc. Bà mong muốn chết thay mạng để cho chồng sống lại. 

Nhưng than ôi: "Phút giây bãi bể nương dâu/ Cuộc đời là thế, biết hầu nài sao/ Chữ tình nghĩa trời cao đất rộng/ Nỗi đoạn trường còn sống còn đau". Và rồi cuộc đời của Bắc cung Hoàng hậu sống trong đau khổ ai oán chẳng được bao lâu. Bà yểu mệnh về với cõi vô thường ở tuổi 29 (năm 1799). 

Giọng nữ hướng dẫn viên nghẹn ngào trong tiếng trống dập dồn ngoài sân võ đường. Chúng tôi lặng người cúi đầu trước bức tượng Hoàng đế Quang Trung lồng lộng như đang bay lên trời xanh.

Vương Tâm
.
.