Ai thương cậu Vàng?
- Về nơi một thời nức tiếng vì thịt chó
- Hà Nội sẽ cấm bán thịt chó, mèo tại các quận nội thành từ 2021?2
Có một chi tiết rất cần phải được mổ xẻ, là cái tít của những bài báo kiểu trên. Thực tế, đó là một cái tít tối nghĩa vì “TP Hồ Chí Minh” không thể nào lại có thể “khuyên dân” được. Cụ thể, Ban quản lý An toàn thực phẩm của TP Hồ Chí Minh đã ra một khuyến cáo người dân của thành phố nên từ bỏ việc ăn thịt chó vì vài lý do như chó là vật nuôi được thuần hóa và gắn bó với cuộc sống của con người từ rất lâu; chó không những giúp người chủ trông nhà mà còn được xem như là "thành viên trong gia đình”.
Tranh cãi sẽ không bao giờ có thể chấm dứt bởi thực sự cộng đồng hôm nay rất ít người có khả năng tranh luận và đối thoại đúng nghĩa. Ngoài ra, tư duy kỳ thị ẩm thực cũng đã ăn rất sâu trong rất nhiều người Việt từ bấy lâu nay.
Người miền Bắc chê bai đồ ăn Nam bộ quá ngọt là một ví dụ điển hình. Rất kỳ lạ, người Việt ưa nói về tính dân chủ, sự cởi mở của thời đại đa chiều thông tin thì chính họ lại vô cùng bảo thủ từ trong cách ăn ở của mình. Phở theo cách nấu của người Sài Gòn hay người Gia Lai không mấy khi được lọt vào mắt xanh của những tín đồ phở cuồng tín, những người cho rằng bát phở phải đúng như “truyền thống” mới là chuẩn, chỉnh. Họ bỏ qua một cách dễ dàng quyền lựa chọn của người khác và mặc định quyền chê bai của mình mới là tối thượng. Và vô tình, sự bảo thủ khiến họ mất cơ hội được nếm trải sự đa dạng của ẩm thực ở trong mỗi món ăn truyền thống.
Chuyện ăn thịt chó còn trở nên khắc nghiệt hơn nữa khi con chó luôn là thú cưng và là bạn của con người. Những người yêu quý chó, mèo chắc chắn là lực lượng mạnh nhất chống lại việc ăn thịt chó. Họ hoàn toàn có lý. Hơn nữa, nó là quyền tự do, thứ quyền không ai được phép xâm phạm.
Nhưng khi những người yêu mến chó, mèo lên tiếng rằng “Người văn minh không ăn thịt chó” thì lại là lúc họ đang vi phạm nguyên tắc về tự do và quyền cá nhân. Họ có thể không ưa thích, thậm chí tẩy chay những ai còn ăn thịt chó song họ không được quyền nhục mạ những người đó là không văn minh. Họ thường mang tiêu chuẩn phương Tây ra để áp đặt, trong khi họ quên mất rằng bản thân những người phương Tây cũng có những món ăn rất thiếu nhân bản. Đặc sản patê gan ngỗng, với cách nuôi ngỗng như cực hình cho con vật ấy của người Pháp vẫn bị kha khá quốc gia chỉ trích.
Ở Hàn Quốc cũng có một câu chuyện khá lý thú liên quan đến thịt chó. Số là những người thuộc một hiệp hội bảo vệ động vật đã tổ chức một buổi meeting để phản đối việc ăn thịt chó, với hình nộm bằng gỗ (hoặc vật liệu nào đó) một chú chó bị thui nhìn rất thương tâm. Và ngay trước mặt đám đông meeting phản đối ấy, một hội những người bảo vệ truyền thống ăn thịt chó của Hàn Quốc đã bày luôn một mâm thịt chó giữa quảng trường để thưởng thức. Cảnh đó nếu diễn ra ở Việt Nam, liệu rằng có thể tránh việc xảy ra xô xát giữa hai nhóm hay không? Có lẽ không ai dám trả lời chắc chắn.
Nếu bạn cảm thấy thịt chó ngon, đó là với riêng bạn, bạn không thể nào áp đặt người khác. Ở chiều ngược lại, cho rằng hành vi ăn thịt chó là dã man cũng là điều không nên nói. Chúng ta cần phải tôn trọng quyền cá nhân của người khác trong khi vẫn giữ vững lập trường và niềm tin của mình.
Có một vấn đề không một ai nêu ra, trong tất cả các cuộc “tranh luận chó”, đại đa số những người yêu mến động vật, chống lại văn hoá ăn thịt chó lại đang nuôi chó Tây để làm cảnh. Ít người trong số họ nuôi chó ta, hay gọi nôm na là “cậu Vàng”. Trong khi đó, những người có thói quen ăn thịt chó thì chỉ ăn thịt các cậu Vàng mà thôi. Với họ, chó Tây ăn không ngon. Đã có những người đầu tư nuôi chó ta để thịt. Thực tế này những người chống ăn thịt chó không để ý tới. Vấn đề nằm ở chính chỗ này. Nếu con chó bạn nuôi nó thân thiết, đặt cho nó một cái tên, nó là bạn của bạn. Còn nếu con chó được nuôi trong trang trại như cách nuôi lợn, bò, gà thì nó không có tên gọi nào khác ngoài cái danh từ chung là “Chó”, một vật nuôi lấy thịt.
Vậy thì thực sự có ai thương “cậu Vàng” hay không khi mà trọng tâm của tranh luận luôn bị đẩy đi quá xa, với cái nhìn chú chó bị làm thịt nó nhìn y chang như chú chó cảnh bạc triệu họ đang nuôi trong nhà? Trong khi đó, với những người chủ trương ăn thịt chó thì họ lại chỉ nhìn vào nó như một món ẩm thực truyền thống, phân biệt hoàn toàn với những con chó cảnh đang được cưng nựng. Sự lệch pha này chính là mấu chốt để tranh luận không có hồi kết và dư thừa mạt sát.
Nếu nói về phong trào, có lẽ chuyện vận động, khuyến khích không ăn thịt chó là rất nên, song nó sẽ không có nhiều tác dụng. Thịt chó sẽ không còn là một món ăn của người Việt nữa nếu như thế hệ sau này không thích ăn nó, không có thói quen ăn nó. Khi không còn là thói quen của cả một thế hệ, nó sẽ không hình thành một nhu cầu và từ đó không trở thành một văn hoá ẩm thực. Lúc ấy, chắc chắn chẳng cần phong trào nào, thịt chó cũng sẽ tự đi vào quên lãng. Mà trên thực tế, số lượng người trẻ không thích ăn thịt chó đang ngày càng trở nên đông đảo hơn.