3 tỷ và 136

Thứ Hai, 02/02/2015, 08:00
Chắc sẽ nhiều người băn khoăn, tại sao lại là hai con số 3 tỷ và 136 được lựa chọn giữa hằng hà sa số các con số khác. Ừ, con số vô hồn mà, nhưng nếu gắn với một câu chuyện nào đó, mỗi con số lại mang trong nó một thông điệp. Có những thông điệp vui, có những thông điệp buồn và 3 tỷ cùng 136 kia, hỡi ôi, lại mang những thông điệp đau lòng.

3 tỷ ấy là số lít bia mà người Việt tiêu thụ mỗi năm. Tính ra, trung bình mỗi người Việt uống khoảng 3 lít bia một năm và nếu mặc định chỉ đàn ông mới uống bia, mỗi người đàn ông Việt uống khoảng 6 lít. Con số ấy chẳng lớn, vì 6 lít cũng chỉ là 18 chai bia tiêu chuẩn mà thôi. 18 chai một năm, coi như mỗi tháng chỉ nhâm nhi một chai rưỡi. Song, khổ nỗi, người uống bia chỉ ở một độ tuổi nhất định trở lên, và ngoài bia ra, người ta còn uống rượu nữa. 3 tỷ lít bia và bao nhiêu lít rượu đây? Có ai trả lời nổi? Chỉ biết, đàn ông Việt ưa nhậu lắm. Thậm chí, như ở ngoài Bắc, người ta còn uống cả buổi sáng, buổi trưa chứ không chỉ uống vào những buổi chiều tối, sau khi tan sở về.

Còn 136 thì mang thông điệp gì? Đó là số cô gái Việt mới được giải cứu ở một ổ mại dâm tại Malaysia. Còn bao nhiêu ổ nữa chưa bị triệt phá? Và còn bao nhiêu ổ khác nữa ở những đất nước khác nữa? Phụ nữ Việt khổ thật. Khổ đến tận cùng đường khổ.

Đặt chân vào con đường mại dâm có thể do nhiều nguyên do: Nhưng mại dâm chỉ là chuyện nhỏ so với làn sóng phụ nữ Việt ra nước ngoài kiếm cơ hội gây dựng cuộc đời. Để thoát khỏi cuộc đời đang sống, với suy nghĩ rằng một tấm chồng phương xa sẽ mang lại cho họ nhiều tươi sáng hơn.

Chắc ai cũng từng nghe những chuyện kiểu như lấy chồng ngoại rồi gặp nạn xứ xa rồi. Và không ít người mặc định rằng đó là cái kết cục phải có của chuyến ly hương như thế. Nhưng không hẳn là vậy. Ở Đài Loan, năm 2008, tôi đã chứng kiến một quảng trường rộng toàn những người đàn ông bản xứ. Họ nhìn cũng lam lũ, vất vả lắm. Họ ngồi lặng lẽ trên những chiếc xe máy, thứ  phương tiện giao thông chứng tỏ họ không giàu, mồi những điếu thuốc đợi chờ. Họ đợi vợ của mình, những cô vợ trẻ người Việt, đang ở trong nhà hát sát bên xem một chương trình ca nhạc Việt Nam do một cơ quan truyền thông Việt Nam tổ chức cho các cô dâu Việt. Tôi đã tự hỏi: "Ở Việt Nam, đàn ông chúng ta đứng đợi vợ mình như thế được bao lâu? 30 phút, 45 phút, hay 1 tiếng? Rồi khi gặp vợ, ta có cằn nhằn không?". Vậy mà họ đợi tròn 3 tiếng đồng hồ. Đợi rồi khi đón vợ về, gương mặt ai cũng hồ hởi, như thể họ đã làm được điều gì đó cho vợ của mình.

Một thực tế ta hay nói với nhau, con gái miền Tây Nam Bộ hay lấy chồng xa xứ, hay đi làm massage xa xứ. Tội con gái miền Tây lắm. Người miền Tây cưng con gái từ nhỏ, không để vất vả gì nhiều. Nhưng rồi lớn lên, các cô gái miền Tây nhìn thấy gì quanh họ đây? Con trai miền Tây nhậu thì thôi rồi. Họ uống nhiều, uống đều, và uống đúng chất anh Hai Nam Bộ. Nhưng chất anh Hai là chất chơi thôi. Con người ta còn phải làm nữa. Như đàn ông Việt nói chung, không ít đàn ông miền Tây chơi nhiều hơn làm. Đấy chính là cú đẩy tay khiến những ngọc ngà Nam Bộ bỏ xứ mà đi.

Nhiều đàn ông Việt đang sống kiểu dài lưng tốn vải, ra đường khệnh khạng chém gió chuyện trên trời, chuyện quốc gia đại sự nhưng có mỗi cái việc tề gia làm sao để gia đình an ấm, no đủ, sung túc thì họ lại không làm được. Thế thì phụ nữ Việt có sợ khi kết hôn với những người như thế không? Sợ chứ. Họ sợ sẽ phải cam chịu, sẽ phải giống mẹ mình đã từng, như cái nợ đồng lần.

Cái may cho đàn ông Việt là đa số phụ nữ Việt còn kiên cường ở lại quê nhà mà nuôi hi vọng chứ không phải lũ lượt bỏ đi ly hương ngõ hầu kiếm cơ hội mới, dù là mong manh nhất. Nhưng đàn ông Việt có biết mình may hay không? Hình như không.

Tôi nhiều lần đi ngang qua Lãnh sự quán Hàn Quốc, cứ đăm đắm nhìn vào hàng dài những cô gái đang xếp hàng mà buồn tê tái. Về, chỉ muốn viết vài dòng trên facebook rằng "Người con gái Việt Nam da vàng, bọn anh ngàn lần xin lỗi các em" nhưng rồi lại sợ người ta cười mình sáo rỗng, mình sến rện.

Đấy, đến chính mình còn sợ đối diện thì bảo sao phụ nữ Việt không sợ đối diện chúng mình…

Hà Quang Minh
.
.