Phương pháp miễn dịch mang lại kết quả khả quan trong điều trị ung thư

Thứ Hai, 03/10/2022, 09:36

Hơn 5 năm về trước, nhiều bệnh ung thư ở Việt Nam được phát hiện giai đoạn muộn, tỷ lệ điều trị triệt căn rất thấp. Giờ đây, nhiều bệnh ung thư không còn là “cửa tử” khi tỷ lệ phát hiện sớm cao, điều trị triệt căn lên tới hơn 90%, rất nhiều người khỏi bệnh.

Hiện nay tại Việt Nam có hơn 300.000 người đang sống chung với bệnh ung thư. Một trong những phương pháp điều trị ung thư mới mang lại kết quả khả quan là “miễn dịch”, được báo cáo và thảo luận tại Hội thảo Ung thư quốc gia do Bệnh viện K và Hội Ung thư Việt Nam tổ chức vào ngày 30/9.

Ông Phạm Văn Hùng (Vĩnh Phúc) phát hiện ung thư phổi giai đoạn 3. Sau một thời gian điều trị hoá chất và xạ trị ở Singapore, ông được bác sĩ khuyên điều trị miễn dịch. “Thời điểm cách đây vài năm, miễn dịch còn rất mới mẻ, tôi cũng lo lắng vì chưa biết hiệu quả đến đâu mà giá thành rất đắt đỏ. Tôi truyền liều đầu tiên tại Singapore giá gần 300 triệu. Liều thứ hai tôi truyền tại Bệnh viện K, giá lúc đó hơn 100 triệu. Nhưng mới 2 lần truyền, tôi thấy sức khoẻ đã tốt hơn hẳn, không mệt mỏi, ăn ngủ ngon hơn”, ông Hùng cho biết.

unnamed_wylo.jpg -0
Điều trị miễn dịch kết hợp với phương pháp khác, mang lại hiệu quả cao trong điều trị bệnh ung thư. Ảnh minh họa

Sau 2 năm điều trị miễn dịch hết khoảng 2 tỷ đồng, khối u phổi của ông Hùng gần như không còn, sức khoẻ của ông tiến triển tốt hơn. Theo PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện K, miễn dịch là phương pháp điều trị hết sức triển vọng với bệnh nhân ung thư.

Tại Bệnh viện K, đã có nhiều người điều trị miễn dịch kết hợp với các phương pháp khác, mang lại kết quả rất khả quan. Bằng chứng là nữ bệnh nhân đang mang thai phát hiện ung thư vú di căn, nhưng vẫn quyết định giữ con. Thai phụ được điều trị bằng phẫu thuật, xạ trị, hoá chất, điều trị đích và miễn dịch. Một thời gian sau đó, thai phụ sinh con an toàn, đến nay đã nhiều năm bệnh nhân vẫn sống khoẻ mạnh. “Đây là bằng chứng cá thể hoá trong điều trị miễn dịch với bệnh ung thứ vú”, PGS.TS Phạm Văn Bình cho biết.

GS.TS Mai Trọng Khoa, nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, miễn dịch là phương pháp điều trị ung thư có nhiều hiệu quả, đặc biệt với ung thư phổi, ung thư vú… Trước đây, khi thuốc miễn dịch mới có tại Việt Nam, giá thành rất đắt, trên 100 triệu/lần truyền, nay giá thành đã hạ còn khoảng 60 triệu/lần truyền. Nhiều bệnh nhân muốn điều trị miễn dịch nhưng do giá thành còn rất cao, nên không đủ nguồn tài chính. Theo PGS.TS Phạm Văn Bình, một số thuốc miễn dịch đã giảm hơn, một số thuốc được bảo hiểm y tế chi trả một phần hoặc toàn bộ cũng mở ra cơ hội cho người bệnh.

“Tuy nhiên trong điều trị ung thư, Bệnh viện K có nhiều bệnh nhân nghèo và khó khăn không đủ tiền chi trả, chúng tôi kết hợp nhiều nguồn vận động như Quỹ Ngày mai tươi sáng, vận động Mạnh Thường Quân… để tài trợ cho một số bệnh nhân ung thư được tiếp cận điều trị miễn dịch”, PGS Bình nói.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên toàn cầu có khoảng gần 20 triệu trường hợp mắc mới ung thư và trên 10 triệu ca tử vong vì căn bệnh này, trong đó 2/3 số ca tử vong là ở các nước đang phát triển. Tại Việt Nam năm 2018 có 165 nghìn trường hợp mắc mới ung thư, đến năm 2020 ghi nhận 182 nghìn người mắc và tử vong là 122.690 trường hợp. Hiện nay tại Việt Nam có hơn 300.000 người đang sống chung với bệnh ung thư. Xu hướng mắc bệnh không ngừng gia tăng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở hầu hết các nước trên thế giới.

Theo PGS.TS Phạm Văn Bình, miễn dịch điều trị ung thư cũng còn nhiều thách thức, chính điều này là động lực giúp cho giới khoa học nghiên cứu từ labo trong các thử nghiệm lâm sàng để giành giật sự sống cho bệnh nhân.

Hiện nay, Bệnh viện K đã triển khai đưa miễn dịch vào điều trị một số bệnh ung thư như: Ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư phổi, ung thư tuyền liệt tuyến; một số bệnh về ung thư khác như lĩnh vực thần kinh và nhi khoa. Kết quả và chất lượng điều trị ung thư bằng phương pháp miễn dịch ở Bệnh viện K tiệm cận được với các nước trên thế giới.

Các chuyên gia cũng cho hay, miễn dịch kết hợp với các phương pháp khác như phẫu thuật, xạ trị, hoá trị, điều trị đích sẽ mang đến kết quả tối ưu trong điều trị ung thư. Tùy theo các loại bệnh ung thư, các giai đoạn ung thư, tuỳ theo các tiếp cận về khả năng và tài chính của người bệnh, bác sĩ tìm ra phương pháp điều trị thích hợp cho bệnh nhân.

Theo PGS.TS Phạm Văn Bình, mô hình bệnh ung thư của người Việt Nam có nét đặc trưng khác với nước ngoài. Trước đây, tỷ lệ người mắc ung thư dạ dày thấp ở các nước châu Âu và Mỹ, còn Việt Nam và châu Á cao hơn; trong khi ung thư đại trực tràng thì ngược lại. Hiện nay, ung thư cổ tử cung với sự phát triển vaccine phòng ngừa thì người ở châu Âu và ở Mỹ mắc với tỷ lệ thấp, trái lại Việt Nam tỷ lệ nhiễm rất cao. Đối với ung thư thực quản, nơi nào có tỷ lệ uống rượu và hút thuốc lá cao thì tỷ lệ mắc rất cao. Từng loại bệnh ung thư có những thay đổi về mặt chủng tộc, địa lý, đặc biệt là chế độ ăn.

Vì vậy, theo khuyến cáo của các bác sĩ, người dân phải khám sức khoẻ định kỳ, với những người có nguy cơ cao như hút thuốc nhiều năm, uống rượu thường xuyên và nhiều năm, trong gia đình có người mắc ung thư thì phải tầm soát để phát hiện ở giai đoạn sớm, điều trị mới triệt căn.

Trần Hằng
.
.