Máy Ozone gia dụng không thể diệt được độc chất của thuốc bảo vệ thực vật

Thứ Hai, 19/09/2016, 18:25
Đây là ý kiến thống nhất của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tại buổi toạ đàm "Về khả năng khử khuẩn, hoá chất và sự an toàn với sức khoẻ của máy Ozone gia dụng" tổ chức tại Hà Nội ngày 19-9.


Trong bối cảnh vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) trở thành mối quan tâm hàng đầu của xã hội,  thì thông tin về máy khử độc Ozone “Lừa người tiêu dùng” những ngày qua như "bom tấn" dội vào niềm hy vọng của nhiều người về việc sử dụng máy Ozone như “cứu cánh” để chống lại thực phẩm “bẩn”. 

Buổi tọa đàm thu hút nhiều nhà khoa học về Ozone 
 Đặc biệt, có ý kiến cho rằng, Ozone có thể gây ung thư và làm hại môi trường. Vì thế, ý kiến của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu tại hội thảo là vô cùng ý nghĩa, đặc biệt là khi cơ quan quản lý vẫn chưa thấy lên tiếng.

Nhiều ý kiến cho biết, khả năng diệt khuẩn của Ozone cao gấp 3.000 lần so với cloramin. Ozone diệt khuẩn cả môi trường nước và không khí, nên có thể thay thế cho clor trong môi trường nước và tia cực tím UV với môi trường khí và nước. Ozone có thời gian sống ngắn, cả trong nước và nhiệt độ phòng, chỉ tồn tại khoảng 5-10 phút rồi trở lại thành oxy nên không đọng lại trong nước sau khi xử lý.

GS. TS Nguyễn Hoàng Nghị, “cha đẻ” của công nghệ Ozone làm thí nghiệm về khả năng diệt khuẩn của Ozone cho các nhà báo “mục sở thị”


Theo GS.TS Nguyễn Hoàng Nghị, "cha đẻ" của công nghệ Ozone với nhiều năm nghiên cứu về cơ chế, tính chất và cách dùng, Ozone được dùng nhiều trong lĩnh vực quốc phòng và đã có nhiều nhà máy sản xuất máy Ozone.

 Ngoài ra, thực tế ứng dụng của Ozone ở Việt Nam khá phong phú: xử lý nước uống đóng bình, xử lý nước ao, hồ, đầm nuôi trồng thủy sản; diệt khuẩn, khử mùi trong các trại chăn nuôi; xử lý các thiết bị y tế. Đặc biệt, Ozone được ứng dụng trong đời sống để làm sạch khuẩn, khử một số loại hóa chất độc hại có trong rau quả, thực phẩm.

GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu,  Phó Chủ tịch Hội đồng khoa hóa học, ĐHQG Hà Nội nêu quan điểm về Ozone.


GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu,  Phó Chủ tịch Hội đồng khoa hóa học, ĐHQG Hà Nội cho biết: Để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi vấn đề ô nhiễm, có nhiều cách lựa chọn, trong đó có việc sử dụng Ozone để rửa rau quả. Tuy nhiên, Ozone có gây độc hay không là do liều lượng. Lượng Ozone cao sẽ phá hỏng vật liệu, còn trong ngưỡng an toàn sẽ không gây ra tác hại gì. 

GS. Diệu còn nhấn mạnh, điều quan trọng là phải chọn rau đảm bảo ATTP rồi mới dùng Ozone. Bởi Ozone chỉ hỗ trợ để tăng độ an toàn, nên nếu dùng rau không sạch thì việc xử lý bằng Ozone sẽ không có kết quả. Ozone không thể phá hủy được thuốc bảo vệ thực vật.

GS. Lê Quốc Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam.


GS. Lê Quốc Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, khẳng định Ozone có tác dụng tốt với sức khoẻ con người nếu dùng đúng liều, đúng cách, đúng nơi và đúng chỗ. Một số ý kiến cho rằng chỉ Việt Nam và Trung Quốc mới dùng Ozone là phiến diện, vì thực tế, nhiều nước châu Âu, Mỹ và Nhật đã dùng trong nhiều lĩnh vực và từ rất lâu. 

Đặc biệt, GS. Lê Quốc Minh cho rằng, tác dụng mạnh nhất của Ozone là diệt khuẩn, còn tác dụng với các kim loại nặng lại hạn chế. Do đó, chỉ sử dụng Ozone với rau sống và hoa quả là an toàn nhất.

GS Bùi Chương (Trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội) cũng đồng tình với các ý kiến trên và cho hay, khi sục bằng máy Ozone, một phần Ozone phá huỷ tạo ra chất khác thì chưa phát hiện ra. Nhưng với nồng độ như hiện nay thì rất khó để phát hiện và nếu phát hiện cũng chưa chắc có ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Các nhà khoa học đều có chung quan điểm: Ozone chỉ xử lý được trên bề mặt lá rau, hoa quả và để lâu sẽ phá huỷ sâu vào vật liệu, cho nên chỉ dùng trong 20 phút. Các nhà khoa học đều khuyến cáo không sử dụng Ozone với thịt để khử chất độc vì Ozone chỉ có tác dụng khử mùi, nhưng cũng chỉ nên để 5 phút, nếu không sẽ làm thay đổi bản chất của thực phẩm.

TS. Từ Ngữ.

Hiện đang có rất nhiều người cho rằng máy Ozone có khả năng “thân diệu” trong tiêu diệt chất độc, nên dùng máy sục Ozone để rửa thịt và nghĩ rằng, bọt có trong quá trình sục là chất độc thải ra, nên thực phẩm sẽ sạch. Nhưng điều này được các nhà khoa học khẳng định: Bọt từ thịt thải ra khi dùng với Ozone hoàn toàn không có ý nghĩa gì trong mục đích xử lý chất độc, mà chỉ là sự phá huỷ của miếng thịt. Do đó, chỉ nên sử dụng Ozone với các thực phẩm không chế biến như rau sống, hoa quả.

GS.TS Nguyễn Hoàng Nghị cũng khẳng định: Ozone không bền vững, không tồn tại được lâu, bị huỷ diệt ngay 50% sau 20 phút và 50% còn lại sẽ bị diệt tiếp sau 20% sau đó. 

Trước câu hỏi về việc đơn vị bán sản phẩm quảng cáo máy sục Ozone diệt được 99% độc chất, khiến nhiều người Ozone có thể khử được thuốc bảo vệ thực vật, GS. Nghị cho biết: Việc quảng cáo sản phẩm khử độc được 99%, nhưng là với cái gì? Nếu là rau quả sạch thì tỉ lệ 1% chưa sạch còn lại chấp nhận được, nhưng với thực phẩm không sạch thì tỉ lệ 1% vẫn không đảm bảo.

Trong khi các nhà khoa học khẳng định Ozone không thể phá hủy được thuốc bảo vệ thực vật, thì đại diện một nhà sản xuất và cung ứng máy Ozone cho biết, máy của đơn vị họ đã được chứng nhận có thể xử lý được 3 loại thuốc bảo vệ thực vật thông dụng nhất là cypermethrin, permethirin, deltamethrin. 

GS.TS Nguyễn Hoàng Nghị khẳng định Ozone không thể tồn tại lâu.


 

Song, đa số các nhà nghiên cứu tiếp tục cho rằng: Dù máy Ozone diệt được 3 loại thuốc, nhưng vẫn không thể là tất cả. Nhất là khi mỗi năm có hơn 1600 hoạt chất trong thuốc bảo vệ thực vật được nhập về Việt Nam và việc người nông dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật nào mỗi mùa vụ là không thể biết hết.

Thí nghiệm về Ozone khử sạch vi khuẩn

Một vấn đề được đặt ra tại buổi tọa đàm là mặc dù có rất nhiều ý kiến trái chiều về Ozone, nhưng Việt Nam vẫn chưa xây dựng được qui chuẩn về Ozone, chưa có tiêu chí cụ thể và cũng chưa có nghiên cứu nghiêm túc về tác động môi trường. Trước mắt, để khắc phục, các đơn vị sản xuất và cung ứng máy  Ozone cần tăng cường đo nồng độ định kỳ cho khách hàng.


Thanh Hằng
.
.