Không được chủ quan bởi cuộc chiến chống dịch bệnh vẫn đang ở phía trước

Chủ Nhật, 12/04/2020, 09:38
Tính đến ngày 10/4, Việt Nam là 1 trong 2 quốc gia, vùng lãnh thổ dù đã có những ca bệnh COVID-19 nặng nhưng chưa có bệnh nhân nào tử vong. Tuy nhiên, Bộ Y tế xác định không chủ quan bởi cuộc chiến chống dịch bệnh vẫn đang ở phía trước và nhiều khả năng còn kéo dài. Các cơ sở y tế phải chuẩn bị tình huống khi dịch lan rộng trong cả nước.

Đây là nhận định được đưa ra tại hội nghị tập huấn trực tuyến phòng chống dịch bệnh COVID-19 do Bộ Y tế tổ chức với 700 điểm cầu vào ngày 11/4.

Lực lượng Công an TP Hà Nội phối hợp cùng các đơn vị chức năng tăng cường giám sát chống dịch tại ga Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Vinh.

Sẵn sàng với phương châm 4 tại chỗ

“Ngày hôm qua đã ghi nhận Việt Nam là một trong số 2 quốc gia, vùng lãnh thổ không có trường hợp COVID-19 tử vong dù đã có những ca bệnh nặng. Đó là niềm tự hào của chúng ta nhưng tình hình diễn biến dịch bệnh hiện nay, không thể nói trước điều gì. Vì vậy tất cả các cơ sở y tế đều phải chuẩn bị các tình huống khi dịch bệnh lan rộng trong cả nước. Các bệnh viện không nên trông chờ những hỗ trợ của Trung ương ngay lập tức mà phải thực hiện phương châm 4 tại chỗ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành”- Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói.

Các chuyên gia truyền nhiễm, hồi sức cấp cứu đã phân tích phác đồ điều trị COVID-19 tại Việt Nam. Kết quả điều trị trên 257 ca mắc, số trường hợp khỏi chiếm gần 60%, ca nặng biến chứng chiếm 6%, ca mắc ở mức độ nhẹ, chỉ cần điều trị thông thường là có thể khỏi chiếm 80,9%. Tại hội nghị, Bộ Y tế yêu cầu tất cả các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên phải nắm bắt được phác đồ điều trị và thường xuyên nâng cao nặng lực về điều trị để có thể thu dung các bệnh nhân mắc COVID-19 khi dịch bệnh xảy ra trên diện rộng.

GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam khuyến cáo: Chúng ta phải rút kinh nghiệm, không được chủ quan kể cả với những trường hợp đang điều trị tưởng nhẹ, nhưng đột xuất ban đêm lúc trực không theo dõi sát là lập tức vào nặng ngay, ca nặng này diễn biến rất nhanh từng giờ, từng phút, nếu không theo sát thì không kịp cấp cứu.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, đến nay chưa có thuốc nào điều trị lập tức khỏi bệnh COVID-19, phác đồ của chúng ta là điều trị triệu chứng và phác đồ này liên tục được cập nhật, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với những nghiên cứu trên thế giới.

Từ đầu dịch bệnh COVID-19 đến nay, Việt Nam đã 3 lần cập nhật, điều chỉnh phác đồ điều trị và vẫn tiếp tục cập nhật đưa vào phác đồ điều trị những loại thuốc mới, phương pháp mới trong điều trị.

Dự trữ đủ sinh phẩm, thuốc điều trị

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế cho biết, Cục đã nâng cấp phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 lên một cấp độ mới vì nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện rất cao. Theo đó, những người đến khám tại bệnh viện đều được coi là F1 có khả năng truyền bệnh, từ đó có thể phòng ngừa dịch bệnh xâm nhập. Trong bối cảnh bệnh nhân nội trú và ngoại trú đã giảm so với trước, các bệnh viện cần tiếp tục thực hiện nghiêm những biện pháp phòng hộ và kỹ năng tiếp cận, chăm sóc, điều trị bệnh nhân.

Bệnh nhân khai báo y tế khi đến khám tại Bệnh viện Việt Đức.

“Chúng tôi đã yêu cầu các bệnh viện thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ cũng như chiến lược, sách lược trong điều trị. Chúng ta phải chia kíp trực trong bệnh viện, các kíp cách nhau từ 7 đến 14 ngày. Nếu không may, kíp thứ nhất bị nhiễm hoặc tiếp xúc gần người bệnh dương tính thì cách ly kíp đó và huy động kíp sau tiếp tục. Làm như vậy để luôn luôn có đủ nguồn nhân lực để làm việc, tránh tình trạng như vừa rồi, có ca dương tính là toàn bộ bệnh viện phải đóng cửa” - ông Khuê giải thích.

Về thuốc điều trị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, những loại thuốc mà các nước phát triển thử nghiệm để hỗ trợ điều trị COVID-19, đều đã được Bộ Y tế dự trữ đủ, đáp ứng từ 430.000 đến 10 triệu liều khi cần sử dụng. Nước ta cũng đã hạn chế xuất khẩu những loại dược phẩm liên quan đến điều trị COVID-19. Vì vậy, điều quan trọng nhất hiện nay là người dân hợp tác thực hiện giãn cách xã hội.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, giãn cách xã hội, cách ly, đeo khẩu trang và rửa tay là “vaccine” trong phòng bệnh COVID-19, không có biện pháp nào tốt hơn.

 “Chúng tôi cũng cho rằng cách ly trong điều trị rất quan trọng. Tại Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) chúng ta điều trị thành công là nhờ cách ly. Chúng ta phải lên kịch bản cách ly phòng bệnh, cách ly khoa ra sao, nhân viên y tế thì như thế nào. Cần phải có kịch bản cho tình huống khi dịch bệnh lan rộng” - ông Long nói.

Trần Hằng
.
.