Báo động sự xuống cấp của đạo đức xã hội (bài 2)

Thứ Tư, 02/05/2018, 09:16
Trước những vụ việc tấn công thầy thuốc liên tiếp xảy ra, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Anh hùng Lao động, PGS. Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, một thầy thuốc và cũng là một nhà quản lý giàu kinh nghiệm về vấn đề này, hy vọng tìm ra nguyên nhân để có giải pháp xử lý.

PV: Thưa ông, thời gian gần đây xảy ra liên tiếp các vụ hành hung thầy thuốc. Một số ý kiến cho rằng, việc hành hung nhân viên y tế một phần là do thái độ ứng xử thiếu chuẩn mực của cán bộ ngành y. Ông nghĩ sao về điều này?

PGS. Nguyễn Tiến Quyết: Nói như vậy là không đúng. Bởi thực tế có nhiều trường hợp bác sĩ bị tấn công mà không do thái độ bác sĩ hay chất lượng điều trị, điển hình như ở BV Sản nhi Yên Bái các bác sĩ bị tấn công vô cớ, hay BV Xanh Pôn, bác sĩ Phạm Đức Giàu ở BVĐK huyện Vũ Thư (Thái Bình) bị đâm chết… đều trong lúc đang cứu chữa người bệnh.

Bản thân tôi từng chứng kiến câu chuyện đau lòng ở một BV: Một bác sĩ đi mổ về, còn chưa kịp ăn, thấy một bệnh nhân bị ngừng tim. Bác sĩ liền nhảy vào bóp tim, hồi sức cho người bệnh lại bị gia đình bệnh nhân lao đến tát cho liên tiếp. 

Thấy vậy, tôi ngạc nhiên hỏi tại sao lại đánh bác sĩ khi người ta đang cứu chữa cho người nhà mình, thì lúc đó, gia đình bệnh nhân mới xin lỗi và giải thích do bức xúc vì người nhà bị nguy cấp nên làm liều. Vì thế, không thể nói rằng do thái độ của thầy thuốc mà dẫn đến hành hung họ được. Đây là một lỗ hổng của xã hội.

PGS. Nguyễn Tiến Quyết.

PV: Vậy theo ông, nguyên nhân của tình trạng này là gì?

PGS. Nguyễn Tiến Quyết: Quan điểm của tôi là nhìn vấn đề một cách tổng thể. Tại sao một người vi phạm luật giao thông bị Công an thổi còi lại chống trả Công an? Tại sao giáo viên dạy trẻ bị học sinh đánh, phụ huynh cũng đánh? 

Tại sao nhiều vụ bác sĩ bị hành hung xảy ra ở rất nhiều nơi, từ Hà Nội đến Yên Bái, TP. Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Bắc Kạn… Đó là do sự xuống cấp về mặt đạo đức của xã hội.

Chúng ta có những tiến bộ vượt bậc về khoa học kỹ thuật, về kinh tế, nhưng việc đối xử giữa con người với con người một cách có văn hóa và quan hệ người với người không được như ngày xưa. 

Trước đây có thể nói là rất hiếm chuyện học sinh đánh cô giáo, gia đình bệnh nhân xô xát với thầy thuốc, người vi phạm chống lại Công an đang làm nhiệm vụ như bây giờ. Lỗi ở đây là về mặt xã hội khi gia đình, nhà trường, xã hội đều giáo dục chưa đến nơi đến chốn. Người ta còn hay nói là tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường…

Nên chăng phải có chuẩn mực. Chúng ta khuyên nên làm việc theo pháp luật, nhưng một bộ phận không làm theo nên vẫn diễn ra cảnh vi phạm luật như quay đầu ôtô trên cầu, đi ngược chiều, đèn đỏ. Trước những vấn đề này, nhiều khi pháp luật chưa nghiêm, xử lý không đến nơi đến chốn.

Tôi không phủ nhận trong hệ thống khám, chữa bệnh cũng có những “con sâu làm rầu nồi canh”, trong hệ thống Công an, giáp dục nhưng thay vì tập trung giáo dục cho những “con sâu” đó để đẩy lùi cái ác mà hướng thiện, thì một số người vẫn nhận định mơ hồ. Đâu có chuyện bác sĩ bị đánh do lỗi của họ như đã từng xảy ra? Lỗi này là lỗi hệ thống của xã hội.

PV: Là một nhà quản lý, một thầy thuốc nhiều kinh nghiệm, ông cho rằng, cần làm gì để khắc phục được “lỗi hệ thống” này?

PGS. Nguyễn Tiến Quyết: Trước hết là phải phòng ngừa: Các cơ sở y tế phải giáo dục cho nhân viên y tế làm hết mình đúng nghĩa “thầy thuốc như mẹ hiền”, phải coi người bệnh như người thân để điều trị, giải thích đến nơi đến chốn cho bệnh nhân và gia đình họ thấy được diễn biến bệnh tật. Mặt khác, ở những điểm nóng, phải có lực lượng chuyên trách. 

Khi tôi làm Giám đốc BV Việt Đức, một đồng chí lãnh đạo trong lực lượng Công an khi đến làm việc đã nói rằng, riêng BV Việt Đức phải có lực lượng chuyên trách bảo vệ. 

Mới đây, Bộ Công an và Bộ Y tế đã ký kết phối hợp rồi và phải nhìn vấn đề này một cách thỏa đáng. Ngành Y tế không trả được tiền thì Nhà nước phải bỏ tiền ra. Tôi rất hoan nghênh khi mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đặt vấn đề phải có lực lượng chuyên trách ở các BV nóng để bảo vệ.

Bên cạnh đó, các cơ sở y tế cũng phải có những nhân viên bảo vệ làm hết mình, có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi và sự an toàn cho các thầy thuốc.

Để ngặn chặn các vụ tấn công thầy thuốc, cần phải có luật pháp nghiêm minh. Hiện, đánh người phải đi khám chứng thương, mất bao nhiêu phần trăm sức khỏe mới truy tố nên nhiều vụ chỉ xử phạt hành chính. Vì thế bọn côn đồ không sợ. Nếu thấy Luật chưa hợp lý, có thể sửa để tăng hình phạt bảo đảm đủ sức răn đe. 

Ngược lại, những người thực thi nhiệm vụ mà sai thì cơ quan quản lý con người đó phải xử lý nghiêm khắc, giáo dục, thậm chí kỷ luật để làm gương.

PV: Cảm ơn ông đã dành cho PV cuộc trao đổi!

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.