200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch/năm, cao nhất trong các bệnh lý

Thứ Năm, 02/11/2023, 14:54

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% các ca tử vong. Tỷ lệ tử vong vì các bệnh tim mạch tại Việt Nam vẫn cao nhất trong các bệnh lý.

Tại buổi họp báo giới thiệu Chương trình khoa học và các sự kiện đặc biệt của Đại hội Tim mạch Đông Nam Á (ASEAN) vào trưa 2/11, GS Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch thường trực Hội Tim mạch Việt Nam cho biết, trên thế giới, các bệnh không lây nhiễm đang gia tăng như tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Bệnh tim mạch đã trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới, mỗi năm cướp đi 19,5 triệu sinh mạng (theo báo cáo về gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2022), chiếm khoảng 1/3 số ca tử vong do mọi nguyên nhân.

Đáng lo ngại hơn nữa là tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh tim mạch gia tăng nhanh chóng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp (chiếm 75% tổng số tử vong), trong đó có các quốc gia khu vực Đông Nam Á và Việt Nam. Theo số liệu của Liên đoàn Tim mạch thế giới, ước tính mỗi năm toàn khu vực ASEAN có khoảng 4 triệu người chết vì bệnh tim mạch.

Tỷ lệ tử vong vì các bệnh tim mạch tại Việt Nam cao nhất trong các bệnh lý -0
Các chuyên gia tim mạch trong và ngoài nước trả lời tại buổi họp báo.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% các ca tử vong, cao nhất trong các bệnh lý. 

Vì sao tỷ lệ tử vong và mắc bệnh tim mạch vẫn còn cao? GS Nguyễn Lân Việt cho biết, kiến thức chung để tự chủ động trong phòng chống bệnh tim mạch của đa số người dân còn yếu; nhiều người không hiểu rõ yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch chính là gì; không chú ý trong việc điều chỉnh lối sống như ăn uống khoa học, thường xuyên luyện tập và khám sức khỏe định kỳ…Chính vì vậy, việc phát hiện bệnh lý tim mạch thường muộn. Đây là thách thức của ngành tim mạch Việt Nam.

GS.TS Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cho biết, ngoài yếu tố nguy cơ "truyền thống" gây bệnh tim mạch là huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, người dân cần chú ý đến yếu tố mới là môi trường, bụi, tiếng ồn, lối sống gấp, strees, đặc biệt là hậu COVID-19. Đây là những yếu tố có nguy cơ cao gây bệnh tim mạch mà người dân cần lưu ý.

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia cho biết, ngành Tim mạch Việt Nam trong những năm qua đã có nhiều bước tiến đáng kể, hội nhập được sâu rộng thế giới, đã triển khai được nhiều kỹ thuật tiên tiến có thể sánh ngang các nước trong khu vực và trên thế giới.

Hiện nay, hầu hết các bệnh lý tim mạch đã có thể được chẩn đoán và can thiệp điều trị trong nước một cách kịp thời, hiệu quả. Người bệnh tim mạch trong nước đã có cơ hội tiếp cận các thành tựu khoa học trong lĩnh vực tim mạch tiên tiến ngay tại chỗ mà không còn phải ra nước ngoài, kể cả nhiều cán bộ cấp cao. Đến nay, 80% bệnh lý tim bẩm sinh không phải mổ.

Tỷ lệ tử vong vì các bệnh tim mạch tại Việt Nam cao nhất trong các bệnh lý -0
Các chuyên gia của Viện Tim mạch Quốc gia đang can thiệp cho một ca rối loạn nhịp tim phức tạp bằng kỹ thuật tiên tiến nhất thế giới.

Ngành Tim mạch Việt Nam gia nhập cộng đồng tim mạch ASEAN từ năm 2004, từ đó đến nay luôn có những đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của khu vực.

Năm nay, Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội khoa học Tim mạch Đông Nam Á (AFCC2023) lần thứ 27 vào ngày 3 - 5/11 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

Với chủ đề "Giao thoa tim mạch: Thách thức và Cơ hội", Đại hội lần này sẽ đón tiếp trên 2.000 đại biểu trong và ngoài nước, trong đó có 300 chuyên gia tim mạch hàng đầu với vai trò diễn giả khách mời đến từ nhiều nền y học tiên tiến trên thế giới cũng như khu vực ASEAN.

Chương trình hội nghị khoa học hết sức phong phú và cập nhật với hơn 80 phiên khoa học bao gồm 750 bài báo cáo, diễn ra liên tục cùng lúc ở 10 hội trường trong 3 ngày.

Ngoài những chủ đề khoa học thường quy, năm nay, chương trình đại hội sẽ có thêm những phiên khoa học đặc biệt, rất đáng chú ý với sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài như phiên đào tạo của SCAI (Hội Tim mạch Can thiệp Hoa Kỳ), các phiên cập nhật khuyến cáo từ ESC Congress (Hội Tim mạch Châu Âu)…

Trần Hằng
.
.