Bài học thuyết trình của Giám đốc Kỹ thuật Adachi

Thứ Năm, 24/09/2020, 07:34
Hết cách ly theo quy định, ông Yusuke Adachi lên xe tới Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (LĐBĐVN). Hai ngày sau, ông có cuộc trả lời phỏng vấn đầu tiên dưới tư cách GĐKT VFF, ra mắt báo giới và chưa tới một tuần sau, ông bắt tay vào công việc, một công việc được “nhớ mặt đặt tên”: Đứng lớp, giảng dạy bằng C khóa đào tạo HLV của LĐBĐ châu Á. Chỉ trong một tuần, nhưng ông Adachi mang tới nhiều điều đáng suy ngẫm cho bóng đá Việt Nam.


Bằng C là thứ hạng bằng cấp thấp nhất trong hệ thống phân hạng HLV của bóng đá châu Âu, được coi là “lớp vỡ lòng”, lớp nhập môn cho những ai ôm mộng cầm sa bàn chiến thuật. Khóa học này chỉ kéo dài khoảng 13 ngày, đem tới những kiến thức căn bản về quy tắc, quy chuẩn huấn luyện và một số khái niệm đầu tiên về nghề huấn luyện. Với đặc thù của bóng đá Việt Nam khi tuyệt đại đa số HLV có xuất phát điểm là cầu thủ, lấy bằng C là chuyện “dễ hơn ăn kẹo”.

Đi vào chi tiết nội dung khóa học bằng C, phải thừa nhận rằng nó “dễ” so với mặt bằng trình độ học viên. Khóa học này tập trung giải đáp các kỹ thuật cơ bản của cầu thủ, cách mô phạm của HLV giúp cầu thủ thực hiện đúng động tác và xác định cụ thể tiêu chuẩn kỹ thuật của một sân bóng. Thậm chí, sẽ chẳng quá khi nói rằng chỉ cần biết đá bóng, xem đá bóng nhiều năm, bất kỳ ai cũng có thể sở hữu tấm bằng này bằng “vốn tự có”. 

Ông Adachi là giảng viên chính của khóa học HLV bằng C đang được tổ chức ở Hà Nội.

Số đông nghĩ vậy, nhưng không phải tất cả. Khi tới Việt Nam, vai trò của ông Adachi được hoạch định rõ ràng. Ông có nhiệm vụ cầm tay chỉ việc, bảo ban và đào tạo lứa HLV nhà nghề cho bóng đá Việt Nam. Tất nhiên, sẽ có tranh cãi xoay quanh khái niệm GĐKT nhưng ít nhất, ông Adachi đã có một công việc cụ thể chứ không mơ hồ như người tiền nhiệm Juergen Gede. Và trong nhiệm vụ đầu tiên ở vị trí “dẫn dắt nền bóng đá”, ông Adachi đã mang tới “cú sốc” cho những người trực tiếp chứng kiến.

Các buổi học của Adachi bắt đầu từ sáng và sẽ kết thúc vào... 22h30. Đấy là cường độ khủng khiếp nếu so với những khóa học trước đây tại Việt Nam và cũng là khủng khiếp khi đặt cạnh những khóa học Pro ở Hàn Quốc hay Nhật Bản. Sau giờ cơm tối, các học viên sẽ trở lại hội trường, cùng nhau thảo luận rồi lên thuyết trình, cố gắng thuyết phục những người phía dưới.

Thuyết trình là khái niệm phổ thông trong thế giới ngày nay nhưng lại là khái niệm xa xỉ với dân bóng đá Việt Nam. Lên tới bằng B, học viên mới phải thuyết trình ở tuần cuối cùng của khóa học và đến bằng A cũng chỉ có thêm yêu cầu về một cuối khóa luận. Nhưng từ lớp học vỡ lòng bằng C ở Hà Nội tháng 9 năm nay, ông Adachi đã nhấn mạnh tới kỹ năng thuyết trình, kỹ năng tiên quyết giúp tạo nên một HLV uy tín. Ngày nào cũng như ngày nào, ông Adachi đều đưa ra một chủ đề và yêu cầu từng người lên nói, nói sao cũng được nhưng quan trọng nhất, ông muốn họ hiểu rằng muốn trở thành HLV giỏi, bạn phải có tài ăn nói, lời nói phát ra phải có trọng lượng, đủ lý lẽ lập luận.

Với người trong nghề, ông Adachi từ lâu đã nổi tiếng vì sự khác biệt trong công tác giảng dạy. Thông thường, AFC quy định sau một khóa học, học viên sẽ biết kết quả đỗ/trượt sau khi giảng viên về nước từ 1-2 tháng, hoàn thành báo cáo rồi gửi kết quả lên AFC. Nhưng năm 2015, tại một lớp học ở Nha Trang, ông Adachi đã tạo ra tiền lệ có một không hai: Thông báo kết quả trước giờ lên máy bay.

Sau bài kiểm tra thực hành, ông gọi từng người vào phòng, thực hiện “phỏng vấn” thêm một lần nữa và thông báo tại chỗ kết quả khóa học. Xong xuôi, ông xách vali ra sân bay. Cách làm đó khiến nhiều học viên bị sốc, hay nói đúng hơn là sốc văn hóa.

Trong phương pháp của ông Adachi, không có chỗ cho lòng trắc ẩn, không có những câu chuyện cà kê anh em ngoài lề, không có sự nhân nhượng. Người Việt chưa quen với cách làm “thẳng tưng” kiểu thế nhưng thực tế, họ cần phải quen vì đó mới là con đường đưa bóng đá Việt Nam đi lên.

Một đặc thù khác của các lớp học HLV ở Việt Nam là cơ chế khép kín. Nghĩa là, không phải cứ có trình độ, đam mê và nhiệt huyết sẽ được đi học. Học viên cần trực thuộc một CLB bóng đá thuộc sự quản lý của VFF, hoặc trực thuộc một đơn vị thể thao cấp tỉnh có giấy giới thiệu gửi về Mỹ Đình. Nguồn nhân lực vì thế gói gọn trong phạm vi “con nhà nòi”, những người bước ra từ đời cầu thủ hoặc sinh ra trong gia đình có truyền thống làm thể thao.

Hỏi cầu thủ họ có hiểu bóng đá, hiểu nghề huấn luyện không, câu trả lời chắc chắn là có. Họ quá hiểu lại đằng khác, hiểu tới mức những góc khuất trong nghề cũng nắm trong lòng bàn tay. Nhưng giữa hiểu và mang cái hiểu ấy vào thực tế nghề huấn luyện là câu chuyện hoàn toàn khác.

Lịch sử chứng minh, một cầu thủ giỏi không có nghĩa sẽ trở thành HLV tốt và ngược lại, nhiều HLV giỏi đã khẳng định họ không cần bản lý lịch hoành tráng của quá khứ để thành công. Trường hợp của HLV Hoàng Anh Tuấn là ví dụ điển hình.

Với ông Adachi, một người đã đi lại Việt Nam rất nhiều trong 10 năm qua, sự dễ dãi, thói quen mặc định và xu hướng sử dụng chất liệu quá khứ dường như là lời tổng kết chính xác cho khái niệm HLV tại Việt Nam.

Bây giờ, trên cương vị GĐKT VFF, ông muốn tất cả hiểu rằng nền tảng của một HLV chuyên nghiệp phải xây dựng từ những điều cơ bản nhất. Trước tiên, hãy bắt đầu bằng việc thuyết trình, nói để người khác nghe chứ không thể thuyết phục cầu thủ bằng mối quan hệ “anh – em, chú – cháu, bố – con” vốn đã tồn tại suốt hàng chục năm qua. 

Vì sao VFF cần ông Adachi?

Nói chuyện chuyên môn bóng đá, ông Adachi chắc chắn không thể so sánh với bất kỳ đồng nghiệp ngoại quốc nào từng tới Việt Nam làm việc. Ông chưa bao giờ thi đấu chuyên nghiệp, chưa bao giờ dẫn dắt một CLB ở hạng đấu cao nhất tại một nền bóng đá. Nhưng đổi lại, ông Adachi có 20 năm làm công tác giảng dạy ở AFC, từng phụ trách phát triển bóng đá trẻ và HLV cho Hong Kong. Ví ông Gede là quan võ thì ông Adachi là quan văn, một người có quan hệ và hiểu biết bao quát về bóng đá châu Á.

Nhưng lý do thực sự ông Adachi về VFF nằm ở quy định của AFC. Nếu không có một giảng viên đủ bằng cấp đứng lớp, VFF sẽ bị AFC cắt giảm số lượng lớp học HLV tại Việt Nam. Hiện tại, chỉ có ông Trần Hùng Cường, đang làm việc tại học viện Juventus có khả năng được AFC cho đứng lớp nhưng để giảng bài bằng tiếng Anh toàn thời gian, ông Cường vẫn cần thêm thời gian thử thách. Có ông Adachi, VFF cũng không mất công đôn đáo nhờ AFC tìm giảng viên thời vụ, và chi phí cho một lần mời chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam cũng không hề nhỏ, từ 100 tới 200 USD/ngày.

An Khánh
.
.