Làm gì để bài trừ quảng cáo sai phạm, lệch lạc, nhố nhăng trên mạng xã hội?

Thứ Sáu, 29/09/2023, 09:29

Tham dự một hội thảo chuyên đề về quảng cáo được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh sáng nay (29/9) với sự có mặt của đại diện nhiều cơ quan, ban ngành Trung ương, địa phương, lãnh đạo Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam chia sẻ quan điểm với PV Báo CAND rằng, không nên vì lợi nhuận mà thực hiện hay tiếp tay cho các hành vi quảng cáo sai phạm; người tiêu dùng cần cẩn trọng, bài trừ các quảng cáo lệch lạc, phản ánh đến cơ quan chức năng về các hành vi vi phạm quảng cáo trên mạng xã hội (MXH).

"Mục đích của quảng cáo chính là để thu hút sự quan tâm của khách hàng, nên hiển nhiên các kỹ thuật gây chú ý là điều rất cần thiết. Tuy vậy, điều đó không đồng nghĩa với sử dụng các chiêu trò thổi phồng, hình thức phản cảm, truyền tải nội dung sai sự thật", ông Nguyễn Thanh Đảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội quảng cáo Việt Nam, Chủ tịch Hội Quảng cáo TP Hồ Chí Minh, nói.

Số lượng người dùng Internet gia tăng mỗi ngày, mạng xã hội nhanh chóng phổ biến, quảng cáo trên MXH đã trở thành xu hướng tất yếu trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo phân tích của Kepios (tổ chức chuyên nghiên cứu về xu hướng người dùng MXH trên thế giới), đến tháng 1/2023, Việt Nam có tổng cộng 77,93 triệu người dùng Internet, đạt tỷ lệ sử dụng Internet là 79,1% trên tổng dân số. Cũng theo khảo sát, Việt Nam có 70 triệu người dùng mạng xã hội.

Làm gì để bài trừ quảng cáo sai phạm, lệch lạc, nhố nhăng trên mạng xã hội? -0
Quảng cáo trên MXH đã trở thành xu hướng tất yếu trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ảnh minh hoạ.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, trên những trang mạng xã hội như Facebook, YouTube, Instagram, Tiktok, LinkedIn... không khó để tìm thấy các tin quảng cáo với hình thức đa dạng và phong phú.

Theo một khảo sát, trung bình mỗi ngày, người Việt dành 2 tiếng 21 phút dùng MXH để nhắn tin, kết nối, tương tác, làm việc... Giới trẻ, giới văn phòng đang ngày càng hoạt động nhiều hơn trên MXH, các doanh nghiệp, các nhà khai thác quảng cáo ngay lập tức nhận ra đây là môi trường lý tưởng để truyền tải và lan tỏa các thông điệp, từ đó, không bỏ lỡ “cơ hội vàng” để kinh doanh quảng cáo.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu thế đem lại cho cả doanh nghiệp, nhà quảng cáo và người tiêu dùng, thực trạng hoạt động quảng cáo trên MXH tại Việt Nam hiện nay vẫn có các điểm bất cập và nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Trong đó, nổi cộm lên là vấn nạn về quảng cáo xâm phạm bản quyền, mang các nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, sai sự thật, gây nhầm lẫn, trái thuần phong mỹ tục...

Hiện nay, không ít người tiêu dùng bức xúc khi bắt gặp các quảng cáo lệch lạc, gây nhiễu thông tin xuất hiện một cách tràn lan trên MXH. Một trong những trào lưu dễ nhận thấy nhất là các video quảng cáo gắn “mác” hoặc logo của Đài Truyền hình Việt Nam như VTV1, VTV2, VTV3... Không ít các video còn sử dụng hình ảnh của người dẫn chương trình, các biên tập viên nhà đài.

Tương tự, vấn nạn quảng cáo thuốc đông y, thực phẩm chức năng, sữa... được phóng đại giống như “thần dược” dễ gây ngộ nhận về tác dụng thực sự của sản phẩm. Không những thế, nhiều các văn nghệ sĩ và người nổi tiếng đã tham gia thực hiện các quảng cáo này, nêu những thông tin chưa được kiểm chứng hoặc chưa được các cơ quan quản lý nhà nước thẩm định nội dung. Quảng cáo thông qua người dẫn dắt dư luận chủ chốt (KOL) là một mắt xích trong các chiến dịch quảng cáo của các nhãn hàng từ khi MXH trở nên phổ biến. Với sức hút, sự ảnh hưởng và uy tín của người nổi tiếng, người tiêu dùng dễ dàng tin tưởng và chọn mua sản phẩm theo gợi ý.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, chính điều đó mà gây nhiều hệ lụy trong xã hội, làm thị trường trở nên bất ổn, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng tới các nhà kinh doanh chân chính khác. Chưa kể, về phương diện pháp luật, những hành vi này cũng vi phạm Luật Quảng cáo 2012 (tại Điều 8: “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn” là hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo).

Làm gì để bài trừ quảng cáo sai phạm, lệch lạc, nhố nhăng trên mạng xã hội? -0
Theo một khảo sát của ThS Nguyễn Thanh Đảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, có 95,5% người được hỏi cho biết có bắt gặp quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội.

Khoảng thời gian diễn ra WorldCup hay các giải thể thao lớn khác của các khu vực trên thế giới, không khó để nhận thấy nhan nhãn những quảng cáo liên quan đến cá độ trên mạng xã hội; hoặc các video livestream quảng cáo ứng dụng khiêu dâm cũng xuất hiện trên Facebook và YouTube trong thời gian dài...

Lý giải về thực trạng này, Bộ TT&TT cho biết, hầu hết các nhãn hàng, thương hiệu khi quảng cáo chỉ yêu cầu số lượt xem, nên một số đại lý quảng cáo chỉ chú trọng đến lợi nhuận thay vì kiểm soát xem quảng cáo gắn nội dung nào. Đồng thời, vẫn tồn tại nhiều vi phạm trong quảng cáo trên MXH như: nhiều đại lý quảng cáo và nhãn hàng chưa chủ động lựa chọn bộ lọc loại trừ vị trí có nguy cơ vi phạm; một số nền tảng quảng cáo xuyên biên giới chưa thực hiện thông báo với Bộ TT&TT khi cung cấp dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam...

Trong khi đó, theo quy định tại Nghị định 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo (hiệu lực 9/2021), người kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài phải thông báo với Bộ TT&TT 15 ngày, trước khi bắt đầu kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam. Không được đặt quảng cáo vào nội dung xấu độc, chống phá Nhà nước, vi phạm bản quyền. Không hợp tác, phát hành quảng cáo với các trang thông tin điện tử vi phạm pháp luật đã công bố công khai...

Trong bối cảnh quảng cáo trên MXH ngày càng phát triển mạnh mẽ và chiếm thị phần lớn như hiện nay, việc đánh giá thực trạng và đưa ra các giải pháp để quản lý hiệu quả là vấn đề mang tính cấp thiết. Các chuyên gia đề xuất cần phải có các giải pháp quản lý hiệu quả quảng cáo trên MXH, đồng thời, cần có những biện pháp xử lý ngăn chặn và chế tài đối với các hành vi quảng cáo vi phạm.

Làm gì để bài trừ quảng cáo sai phạm, lệch lạc, nhố nhăng trên mạng xã hội? -0
Nhiều nghệ sĩ đã tham gia quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm, gây bất bình với người tiêu dùng. (Ảnh chụp màn hình).

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam Nguyễn Thanh Đảo, trước tiên, cần sửa đổi, ban hành các quy định của pháp luật về quảng cáo trên mạng xã hội. “Việc nghiên cứu ban hành các quy định chi tiết về hoạt động quảng cáo trên MXH ở Luật Quảng cáo sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt vi phạm đối với các hành vi quảng cáo sai trái trên MXH, từ đó điều chỉnh hành vi của các chủ thể quảng cáo theo hướng chuẩn mực”, ông Đảo nói. Cụ thể, cần hoàn thiện, ban hành và làm rõ các quy định về các hành vi vi phạm quảng cáo trên MXH, kể cả các nền tảng xuyên biên giới; thủ tục xử lý việc vi phạm quảng cáo trên MXH, kể cả các nền tảng xuyên biên giới; chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm quảng cáo trên MXH, kể cả các nền tảng xuyên biên giới.

Hai là, cần tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ quan chức năng

Cơ quan chức năng cần thành lập bộ phận chuyên trách quản lý, chịu trách nhiệm rà soát, tiến hành thẩm tra các đại lý quảng cáo và nền tảng phát hành quảng cáo có hành vi vi phạm. Cần công bố công khai các nhãn hàng, đại lý quảng cáo, nền tảng phát hành quảng cáo vi phạm và khuyến cáo không hợp tác quảng cáo với các đối tượng đó. Đồng thời, cần nâng cao năng lực cho các cơ quan thực thi quy định về quảng cáo trên MXH. Việc nâng cao năng lực cần được thực hiện ở nhiều góc độ như nâng cao năng lực con người, nâng cao số lượng cán bộ, nâng cao cơ sở vật chất và các trang thiết bị..., để đảm bảo triển khai có hiệu quả công tác thực thi và quản lý cả về hành chánh lẫn kỹ thuật nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm.

Ngoài ra, cần siết chặt các khâu kiểm định, thẩm định nội dung và các giấy tờ liên quan đến nội dung quảng cáo. “Theo tôi, để quảng cáo các hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; có tài liệu chứng minh đối với những hàng hóa có quy định quy chuẩn, tiêu chuẩn; đối với các loại sản phẩm có khả năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người thì cần phải có Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền như thuốc, thực phẩm chức năng, hóa chất,...”, ông Nguyễn Thanh Đảo đề xuất.

Ba là, cần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, đại lý quảng cáo và người tiêu dùng về quảng cáo đúng đắn, lành mạnh trên MXH.

“Mục tiêu của các doanh nghiệp thực hiện quảng cáo chính là để thu hút sự quan tâm của khách hàng, nên hiển nhiên các kỹ thuật gây chú ý là điều hết sức cần thiết. Tuy vậy, điều đó không đồng nghĩa với sử dụng các chiêu trò thổi phồng, các hình thức phản cảm, truyền tải nội dung sai sự thật. Các đại lý quảng cáo cũng không nên vì lợi nhuận mà thực hiện hay tiếp tay cho các hành vi quảng cáo sai phạm. Đồng thời, người tiêu dùng cần cẩn trọng, bài trừ các quảng cáo lệch lạc, khuyến khích người tiêu dùng phản ánh về các hành vi vi phạm quảng cáo trên MXH bằng cách gửi đơn khiếu nại, tố cáo đến cơ quan chức năng”, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam Nguyễn Thanh Đảo chia sẻ và khuyến nghị.

Theo Bộ TT&TT, quảng cáo bị cài đặt vào các nội dung nhảm nhí, phản cảm, thậm chí là xấu độc, chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm nghiêm trọng khoản 1, Điều 1, Nghị định số 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo.

Thời gian qua, Bộ TT&TT đã làm việc với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo, các nhãn hàng lớn, các nền tảng xuyên biên giới để chấn chỉnh, đồng thời tiến hành kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính nhiều tổ chức, doanh nghiệp vi phạm, nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Bộ TT&TT cũng đã xây dựng Danh sách nội dung “đã được xác thực” trên mạng (gọi tắt là “White List”) và khuyến nghị các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo, các nhãn hàng xem xét lựa chọn quảng cáo trong “White List” nhằm bảo đảm an toàn thương hiệu, góp phần phát triển hệ sinh thái quảng cáo và nội dung số Việt Nam an toàn, lành mạnh.

Bộ TT&TT đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo, các nhãn hàng nghiêm túc tăng cường rà soát, sàng lọc vị trí cài đặt quảng cáo trên mạng, không để quảng cáo bị gắn vào những trang, kênh, tài khoản, nội dung xấu độc; chấm dứt tình trạng triển khai quảng cáo tràn lan không kiểm soát, dẫn đến việc gián tiếp tiếp tay cho các nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật được sản xuất và phát tán trên không gian mạng. Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ chỉ đạo tăng cường rà soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp đặt quảng cáo vào nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật.

Thái Bình
.
.