Báo chí “làm mới mình”, biến thách thức thành cơ hội

Thứ Tư, 21/06/2023, 09:29

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, mạng xã hội, truyền thông xã hội và đặc biệt là trí tuệ nhân tạo một mặt đã tạo ra những thuận lợi nhất định cho đội ngũ người làm báo trong tác nghiệp, trong kết nối, tương tác với độc giả. Tuy vậy, ở một mặt khác, các yếu tố trên đồng thời cũng đặt ra những áp lực, thách thức mới, đòi hỏi báo chí, đội ngũ người làm báo phải không ngừng nỗ lực, cố gắng tìm lối đi riêng.

Giảm bớt các kỹ năng có tính đơn giản, lặp đi lặp lại

Trước đây, sự xuất hiện và bùng nổ của mạng xã hội từng được xem là thách thức của báo chí về độ bao phủ và tốc độ lan tỏa thông tin. Thậm chí, có những thời điểm, nhiều người còn lo ngại báo chí có nguy cơ “đi sau”, phải “chạy theo” mạng xã hội. Tuy nhiên, trước vấn nạn tin giả, thông tin sai sự thật xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội, người ta mới thấy vai trò quan trọng của báo chí chính thống, của nhà báo trong việc xác minh tính xác thực của thông tin, “nắn” dòng chảy của thông tin chủ lưu và định hướng dư luận trong hầu hết các vấn đề quan trọng của xã hội, của đất nước.

Và để có được lợi thế trong cạnh tranh với mạng xã hội, đội ngũ người làm báo, cơ quan báo chí chính thống đã phải nỗ lực để có thể giải quyết hài hòa giữa hai nhiệm vụ. Đó là làm thế nào để vừa có thể đưa thông tin nhanh nhạy, kịp thời, đáp ứng nhu cầu của công chúng mà vẫn đảm bảo độ tin cậy, tính định hướng dư luận của báo chí.

Báo chí “làm mới mình”, biến thách thức thành cơ hội -0
Sự phát triển của công nghệ đang tác động, thay đổi cách thức làm báo truyền thống. (Ảnh minh hoạ)

Cùng với mạng xã hội, sự bùng nổ của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) mà ChatGPT là một sản phẩm điển hình lại tiếp tục tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức cho người làm báo. Sự xuất hiện của ChatGPT khiến không ít người phải đặt vấn đề, liệu rằng, ChatGPT có “cướp” mất cơ hội việc làm của nhà báo?

Chia sẻ về vấn đề này tại Hội thảo “Trí tuệ nhân tạo và quản trị sáng tạo trong nội dung toà soạn” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc năm 2023, Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Công việc của các nhà báo bằng xương bằng thịt hiện chưa bị thách thức quá lớn, do các sản phẩm trí tuệ nhân tạo như ChatGPT không có tư tưởng, cảm xúc, sự độc đáo, sáng tạo, vốn rất cần thiết đối với lao động báo chí. Tuy vậy, đối với nghề báo, đối với tác nghiệp báo chí hiện đại cũng cần giảm bớt các công việc, các loại lao động, kỹ năng có tính đơn giản, lặp đi lặp lại mà máy móc có thể làm được để dồn sức cho những nhiệm vụ khó hơn, tạo ra được nhiều giá trị hơn.

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: “Các phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo dù có nhiều tính năng vượt trội, nhưng xét đến cùng, đó cũng chỉ là một công cụ mà nhà báo phải học cách để làm chủ nó, sử dụng nó phục vụ cho hoạt động tác nghiệp của mình nhằm tạo ra tác phẩm, sản phẩm báo chí theo nguyên tắc của nghề nghiệp. Chúng có thể là công cụ đắc lực cho công tác biên tập, sản xuất báo chí tự động nhưng không thể thay thế lao động sống động của nhà báo tại hiện trường. Chúng cũng không có nhạy cảm chính trị, không có lý tưởng, không có tính nhân văn, hoàn toàn không có trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí”.

Đâu là “con đường sống” của báo chí?

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực báo chí truyền thông, thực tế cho thấy, báo chí hiện không còn là nơi duy nhất để người dân tiếp cận thông tin, gửi gắm ý kiến, quan điểm và cũng không còn là nơi duy nhất kết nối người dân với cơ quan chức năng. Hệ quả là mối quan tâm của công chúng đối với báo chí cũng đang có xu hướng giảm dần. Diễn biến này là hết sức bình thường trước sự phát triển nhanh chóng của Internet, công nghệ và mạng xã hội. Tuy nhiên, trong biển thông tin tràn ngập, thật giả lẫn lộn như hiện nay, vai trò của báo chí ngày càng quan trọng hơn bao giờ hết. Khi người dùng phải “bơi” giữa biển thông tin, họ rất cần những ngọn hải đăng chỉ lối để không bị “chìm”.

Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, thời nào cũng thế, “bạn đọc tử tế” cần có “báo chí tử tế”, đòi hỏi thông tin phải có chất lượng. Đây vừa là một áp lực nhưng đồng thời là cơ hội để báo chí tìm lối đi. “Tất nhiên, điều chúng ta cần nhận thức rõ ở đây là, báo chí đối mặt với thách thức trong thời đại kỹ thuật số, vấn đề không chỉ là có công nghệ mà đòi hỏi phải có những cây bút giỏi, những bài viết sâu, có chất lượng tương thích với công nghệ thời đại kỹ thuật số. Nghĩa là, lối làm báo truyền thống không mất giá trị nhưng nó đòi hỏi phải được vận hành trong một điều kiện công nghệ mới. Xu hướng báo chí đua nhau trong việc ai nhanh hơn không còn là lợi thế, mà lợi thế thuộc về ai bình luận hay hơn, sâu hơn, ai phân tích, kiến giải tốt hơn, ai dự báo chuẩn xác hơn. Những điều đó phải được thể hiện trên nền tảng công nghệ truyền thông hiện đại”, nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ.

Báo chí “làm mới mình”, biến thách thức thành cơ hội -0
Phóng viên Duy Tuyến - Báo CAND cùng đồng nghiệp Kênh truyền hình ANTV phỏng vấn một nữ ký giả Hàn Quốc.

Cũng theo nhà báo Hồ Quang Lợi, tính cách mạng của báo chí nằm ở sức chiến đấu và tính nhân văn. Chiến đấu để bảo vệ cái đúng, cái tốt, chống cái sai, cái ác; nhân văn bởi tôn trọng con người, vì con người. Do đó, để báo chí thực sự cách mạng như nghĩa rất đẹp của từ này, đòi hỏi nhà báo phải rất bản lĩnh, sáng tạo và kiên định với lý tưởng và giá trị cao đẹp của nghề báo mà mình đã theo đuổi và dấn thân, chuyên tâm kể những câu chuyện độc đáo bằng những cách thức lôi cuốn, dễ chịu; không cần gây sốc mà vẫn hấp dẫn. Thách thức đối với báo chí, với đội ngũ người làm báo hiện nay là ở đó và thành công cũng là ở đó.

PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, một điều may mắn là công chúng của báo chí là con người. Đó là điều quan trọng bởi dù công nghệ có phát triển đến đâu thì vẫn có một chỗ dựa cho báo chí, đó là công chúng. Vì thế, điều báo chí lựa chọn là phục vụ công chúng một cách tốt nhất. “Hiện nay, công chúng được tiếp cận với rất nhiều nguồn thông tin. Tuy vậy, thông tin trên mạng xã hội là khó kiểm chứng. Cuối cùng, công chúng vẫn phải quay về giá trị cốt lõi là tính chính xác của thông tin, giá trị đạo đức và nhân bản trong thông tin. Công chúng sẽ tự cân bằng giữa việc tìm đến mạng xã hội và trở về với báo chí”, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương bày tỏ.

Huyền Thanh
.
.