Những cuộc dời đô đáng chú ý trong lịch sử thế giới hiện đại

Thứ Năm, 20/01/2022, 13:33

Theo giới chuyên gia, ngoài yếu tố về địa lý, ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và lịch sử thì việc dời đô phần lớn được cho là mang ý nghĩa chính trị.

Trên thế giới có biết bao thủ đô với lịch sử ngàn năm vẫn vững vàng và ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc di dời “trái tim của quốc gia” không phải là chưa từng có tiền lệ như ở Brazil, Đức, Myanmar, hay gần nhất là Indonesia. Có nhiều lý do để thúc đẩy các nhà lãnh đạo của những đất nước này đưa ra quyết định hệ trong liên quan đến vận nước. Theo giới chuyên gia, ngoài yếu tố về địa lý, ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và lịch sử thì việc dời đô phần lớn được cho là mang ý nghĩa chính trị.

Ấn Độ

Những cuộc dời đô “đáng chú ý” trong lịch sử thế giới hiện đại -0
Thủ đô New Delhi hiện là một trong những nơi ô nhiễm nhất thế giới. Ảnh: Getty.

Năm 1911, thực dân Anh đã quyết định chuyển thủ đô của Ấn Độ từ cái nôi văn học Calcutta sang Delhi. Sau đó, thủ đô Delhi đã được đổi tên thành New Delhi vào năm 1927 và chính thức được khánh thành vào năm 1931.

Theo giai tầng thống trị Anh lúc đó, lý do di dời thủ đô là để thuận tiện hơn cho việc cai trị các vùng lãnh thổ mà người Anh nắm giữ, vì vị trí của New Delhi nằm ở phía Bắc. Sau khi người Anh rời Ấn Độ năm 1947, New Delhi tiếp tục là trụ sở của chính phủ Ấn Độ. Hiện nay, dân số thủ đô New Delhi là khoảng 30 triệu người, so với khoảng 400.000 người vào năm 1911.

Trong bối cảnh những người dân từ khắp nơi trên đất nước Ấn Độ di cư đến New Delhi để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn, quá trình đô thị hoá tại thủ đô của nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới đã diễn ra nhanh chóng, khiến New Delhi trở thành một trong những nơi ô nhiễm nhất thế giới.

Brazil

Những cuộc dời đô “đáng chú ý” trong lịch sử thế giới hiện đại -0
Thủ đô Brasilia được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Ảnh: Alamy.

Khi nhắc đến Brazil, người ta thường nghĩ ngay đến thành phố Rio de Janeiro. Tuy nhiên, đây chỉ là cố đô của nước này và thủ đô hiện nay là Brasilia. Năm 1956, ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Brazil Juscelino Kubitschek lúc bấy giờ đã quyết định xây dựng một thủ đô mới thay thế Rio de Janeiro vì thành phố này quá đông đúc, các tòa nhà chính phủ lại nằm cách xa nhau và giao thông luôn bị quá tải.

Sau 4 năm xây dựng với những nỗ lực không ngừng nghỉ của các kiến trúc sư, kỹ sư và những nhà hoạch định đô thị, ngày 21/4/1960, Brasilia đã được khánh thành. Nằm cách cố đô 1.100 km, Brasilia được chia thành các khu vực khác nhau rất quy củ. Nhìn từ trên không, Brasilia trông giống như một chiếc máy bay. Trong khi phần thân là nơi đặt các toà nhà hành chính thì đôi cánh là nơi các quan chức sinh sống với những khu khách sạn, trung tâm thương mại, khu đại sứ quán.

Năm 1987, UNESCO đã công nhận Brasilia là di sản thế giới dù nơi này được xây dựng ở thế kỷ XX.

Nigeria

Những cuộc dời đô “đáng chú ý” trong lịch sử thế giới hiện đại -0
Một phần thủ đô Abuja của Nigeria nhìn từ trên cao. Ảnh: Jumia Travel.

Thị trấn ven biển Lagos từng là thủ đô của Nigeria từ năm 1914. Tuy nhiên, thành phố này đã phát triển một cách bừa bãi, không có kế hoạch, dẫn tới nhiều bất cấp. Năm 1976, lãnh đạo Nigeria, Tướng Murtala Mohammed ra thông báo quyết định thành phố Abuja sẽ được phát triển để trở thành thủ đô mới.

Lựa chọn này bắt nguồn từ việc Abuja được coi là vùng đất trung lập nhất đối với các dân tộc và cộng đồng tôn giáo khác nhau ở Nigeria, không nhóm người hay sắc tộc nao có thể tuyên bố Abuja là lãnh thổ của mình. Thành phố cũng nằm ở trung tâm đất nước. Quá trình xây dựng bắt đầu từ những năm 1980 và Abuja chính thức trở thành thủ đô mới của Nigeria vào ngày 12/12/1991.

Kazakhstan

Những cuộc dời đô “đáng chú ý” trong lịch sử thế giới hiện đại -0
Nur-Sultan từ một thị trấn tỉnh lẻ hiện đã trở thành trung tâm kinh tế của đất nước. Ảnh: Astanatimes.

Năm 1994, Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev đã thông qua đạo luật di chuyển thủ đô từ Almaty, nơi Uzbekistan từng chiếm làm thủ đô Trung Á không chính thức của Liên Xô, đến Akmola, cách thủ đô cũ 1.200 km về phía Bắc.

Lý do dời đô được đưa ra là nhằm tái khẳng định nền độc lập. Bên cạnh đó, cố đô Almaty có quá ít không gian để mở rộng, thường xuyên đối mặt với nguy cơ xảy ra động đất và quá gần biên giới Trung Quốc.

Kể từ năm 1998 đến nay, thủ đô của Kazakhstan đã trải qua 2 lần đổi tên, thành Astana vào năm 1998 và hiện nay là Nur-Sultan nhằm vinh danh vị Tổng thống cầm quyền lâu năm là Nursultan Nazarbayev. Nur-Sultan từ một thị trấn tỉnh lẻ hiện đã trở thành một thành phố hiện đại, trẻ trung, sôi động và là trung tâm kinh tế của đất nước.

Myanmar

Những cuộc dời đô “đáng chú ý” trong lịch sử thế giới hiện đại -0
Naypyjdaw có quá ít dân cư dù cơ sở vật chất hiện đại hơn đa số các thành phố khác. Ảnh: Alamy.

Yangon là thủ đô Myanmar từ năm 1948 đến ngày 6/11/2005, khi chính quyền quân sự của nước này quyết định dời đô về Naypyidaw, cách thủ đô cũ  gần 320 km về phía Bắc.

Khác với nhiều thành phố còn lạc hậu ở Myanmar, thủ đô Naypyidaw có diện tích lớn gấp 6 lần thành phố New York (Mỹ) với hệ thống lưới điện ổn định, sân golf, khách sạn, trung tâm mua sắm, nhà hàng, quán cà phê và các con đường cao tốc với 20 làn xe. Tờ The Guardian (Anh) nhận định, ở thời điểm đó, Myanmar tiêu tốn khoảng 4 tỉ USD để dời đô. 

Tuy nhiên, Naypyjdaw còn được gọi là “thành phố ma” vì có quá ít dân cư sinh sống nên gần như luôn trong tình trạng vắng vẻ, trái ngược với Yangon, thủ phủ kinh tế và là khu vực đông dân nhất nước này. Dư luận Myanmar từng cho rằng sự dịch chuyển này bắt nguồn từ lời cảnh báo của một nhà tiên tri về sự tấn công quân sự từ bên ngoài.

Ai Cập

Ở Ai Cập, Thủ đô hành chính thông minh (NAC) vẫn đang được xây dựng cách thủ đô Cairo 1.000 năm tuổi khoảng 50 km về phía Đông, trên một vùng sa mạc rộng bằng diện tích của Singapore (gần 714 km2).

Theo kế hoạch, lễ khai trương thủ đô mới này diễn ra vào ngày 30/6/2021, kỷ niệm ngày các cuộc biểu tình lớn lật đổ chế độ chia rẽ của cố Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi hồi năm 2013. Tuy nhiên, việc ra mắt đã bị hoãn lại vì đại dịch COVID-19.

Những cuộc dời đô “đáng chú ý” trong lịch sử thế giới hiện đại -0
Thủ đô hành chính mới của Ai Cập có trị giá ước tính là 45 tỷ USD. Ảnh: Getty.

Cuối năm 2021, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đã ban hành chỉ thị, theo đó khoảng 50.000 công chức nước này sẽ dần chuyển đến thủ đô mới trong "thời gian thử nghiệm sáu tháng" và con số này sẽ tăng lên trong ba năm tiếp theo.

Giới chuyên gia dự báo, thành phố này có giá trị khoảng 45 tỷ USD và được coi là giải pháp cho tình trạng quá tải dân số ở Cairo với hơn 20 triệu cư dân sinh sống. Thành phố thông minh này sẽ mang đến một phong cách sống tốt hơn, thu hút thêm nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Được biết, Tổng thống Sisi là người đã bắt tay vào nhiều dự án lớn về cơ sở hạ tầng và các kế hoạch phát triển quốc gia. Ông Sisi khẳng định, sẽ không bỏ quên việc đầu tư cho các khu vực khác. “Chúng tôi sẽ không rời Cairo, Alexandria, Port Said hoặc các tỉnh khác. Chúng tôi đang cùng nhau tiến về phía trước với cái cũ và cái mới. Việc mở cửa thủ đô mới sẽ đánh dấu sự ra đời của một nhà nước mới" - ông Sisi nhấn mạnh.

Linh Đan
.
.