Nga - Mỹ trước thềm cuộc gặp mặt lịch sử

Thứ Hai, 16/01/2017, 11:42
Điện Kremlin bày tỏ hy vọng Tổng thống Putin và Tổng thống đắc cử Trump sẽ hòa hợp, đồng thời mong muốn hai nước sẽ dành cho nhau sự tôn trọng nhiều hơn so với thời Tổng thống Obama.


Theo tờ The Sunday Times của Anh, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và các cộng sự đã thông báo với giới chức Anh rằng muốn sắp xếp cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Trump, dự kiến diễn ra vài tuần sau ngày nhậm chức 20-1. Tuy nhiên, các trợ lý của ông Trump đã bác bỏ thông tin này.

Địa điểm cho cuộc “hội nghị thượng đỉnh” này được nhắm tới là Reykjavík, thủ đô của Iceland. Vì theo phía Mỹ, đây là “địa điểm lý tưởng để tổ chức các cuộc đàm phán giữa các cường quốc, như từng xảy ra cách đây 3 thập niên”, ám chỉ tới cuộc gặp lịch sử diễn ra vào hai ngày 11 và 12-10-1986 giữa hai nguyên thủ lúc đó là Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev.

Kết quả là, Liên Xô và Mỹ đã chuyển từ tình trạng đối đầu sang thỏa hiệp về nhiều vấn đề nhưng chủ yếu về việc giải trừ vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Putin và Tổng thống đắc cử Trump liệu có hòa hợp với nhau? Ảnh: Sputnik.

The Sunday Times cũng bình luận rằng, Tổng thống đắc cử Trump đang muốn tập trung nỗ lực nhằm tái khởi động mối quan hệ của phương Tây với Điện Kremlin, trước tiên là mong muốn đạt được thỏa thuận nhằm hạn chế vũ khí hạt nhân.

Nguồn tin từ Đại sứ quán Nga tại London cũng cho biết, phía Moskva hoàn toàn nhất trí với kế hoạch của Mỹ về cuộc gặp thượng đỉnh nói trên. Tuy nhiên, giới chức Nga vẫn chưa xác nhận thông tin được The Sunday Times đăng tải.

Hai trợ lý hàng đầu của ông Trump cũng đã phủ nhận thông tin rằng Tổng thống đắc cử Mỹ đang lên kế hoạch tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Nga trong vài tuần sau khi lên nhậm chức.

Một trợ lý giấu tên của ông Trump nói: “Câu chuyện này là một sự tưởng tượng”. Trong khi một trợ lý khác cho rằng, thông tin trên là sai sự thật. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Iceland cho biết, họ đã nhận được đề xuất “tổ chức một cuộc họp” giữa ông Trump và ông Putin, nhưng “giờ lại không nhận được bất cứ yêu cầu nào”.

Ngoại trưởng Iceland, ông Gudlaugur Thor Thordarsson, nêu rõ: “Chính phủ Iceland vẫn chưa nhận được bất cứ yêu cầu nào về đề tài này. Nếu Washington chính thức yêu cầu Chính phủ Iceland tổ chức một cuộc hội nghị thượng đỉnh dự kiến tại Reykjavík, chúng tôi sẽ xem đó là một nỗ lực tích cực và điều này sẽ góp phần vào việc cải thiện mối quan hệ Nga – Mỹ”.

Cũng có nhiều nguồn tin còn “chọn địa điểm giúp” hai nhà lãnh đạo này, đó là tại Slovenia, quê hương của phu nhân Melania Trump, tuy nhiên cũng chưa có thông báo chính thức nào được đưa ra về thông tin này.

Cuộc gặp dự kiến này, nếu diễn ra, sẽ trở thành một cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo gây chú ý nhất trên trường quốc tế thời gian qua và chắc chắn sẽ rất tốn giấy mực của báo giới.

Cựu Tổng thống Latvia Vaira Vike-Freiberga miêu tả Tổng thống Putin là một người có thể thay đổi phong thái trong vòng… 1 giây và “thực sự giỏi khiến đối phương bối rối”.

Nhớ lại cuộc gặp đầu tiên với nhà lãnh đạo Nga hồi năm 2001, bà Vike-Freiberga nói: “Ông ấy (Tổng thống Putin) có thể thay đổi nét mặt trong vòng 1 giây. Mới trước đó, ông ấy nhìn chằm chằm như thể cố uy hiếp bạn. Nhưng ngay trong tích tắc, ông ấy lại nhìn bạn với ánh mắt đầy nồng ấm và thân thiện như thể sẵn sàng làm bạn tốt của nhau suốt đời”.

Tổng thống Putin còn được đánh giá là người biết cách “quyến rũ” người đối diện. Trong cuốn hồi ký phát hành năm 2001, cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice nhớ lại thời khắc ông Putin “thôi miên” Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông George W. Bush (Bush con) trong cuộc gặp cấp cao tại Slovenia năm 2001.

Tổng thống Putin đã khiến người đồng cấp Mỹ vô cùng cảm kích sau khi chia sẻ “một câu chuyện ngọt như mía lùi” về cây thánh giá mà mẹ ông đã tặng. Sự cảm kích này được thể hiện rõ trong phát biểu của ông W. Bush tại cuộc họp báo diễn ra sau đó cùng ngày: “Tôi nhìn vào mắt ông ấy. Tôi thấy ông ấy rất thẳng thắn và đáng tin cậy. Tôi có thể hiểu được tâm can của ông ấy”.

Chính ông Trump cũng từng dùng những từ ngữ còn mạnh mẽ hơn để ca ngợi Tổng thống Putin, như gọi ông Putin là một lãnh đạo còn xứng tầm hơn Tổng thống Obama, rồi khen ông chủ Điện Kremlin là thông minh và mạnh mẽ.

Gần đây nhất, Tổng thống đắc cử Mỹ còn tuyên bố rằng: “Nếu Vladimir Putin thích Donald Trump, tôi coi đó là một tài sản, không phải một trách nhiệm”. Hai nhà lãnh đạo này cũng cùng đứng chung một lập trường, phủ nhận cáo buộc rằng Nga tấn công mạng cố can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Điện Kremlin bày tỏ hy vọng Tổng thống Putin và Tổng thống đắc cử Trump sẽ hòa hợp, đồng thời mong muốn hai nước sẽ dành cho nhau sự tôn trọng nhiều hơn so với thời Tổng thống Obama. Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo gần đây, ông Trump lại bóng gió rằng: “Tôi không biết liệu tôi có hòa hợp với ông Putin hay không. Tôi hy vọng là có. Nhưng cũng có thể chuyện đó không xảy ra”.

Minh An (tổng hợp)
.
.