Nhiều doanh nghiệp bị nông dân chê phá, thất hứa bẻ kèo

Thứ Ba, 09/06/2015, 01:18
Đại biểu Nguyễn Thanh Bình (Vĩnh Long) phân trần, liên kết nhà doanh nghiệp – nhà nông ở nhiều nơi không ổn vì nông dân kêu bị doanh nghiệp chơi xấu, thất hứa bẻ kèo, làm nông dân điêu đứng.

Phiên thảo luận tại Hội trường nóng chuyện nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đại biểu Nguyễn Thanh Bình nói: về sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa, vướng mắc khó khăn cho lĩnh vực này không phải là mới. Chính phủ có rất nhiều chủ trương, cơ chế, giải pháp trong tổ chức thực hiện, nhưng chưa có tháo gỡ hiệu quả để thúc đẩy sản xuất phát triển và tiêu thụ hàng hóa nông sản một cách bền vững. 

Điệp khúc bội thu không được giá nhiều năm chưa được giải quyết có kết quả, gây thiệt hại và mất lòng tin trong nhân dân. “Tôi kiến nghị Chính phủ, Bộ Công thương và các bộ, ngành có liên quan cần chỉ đạo đồng bộ, thực hiện quyết liệt theo chức năng và thẩm quyền trong xây dựng tổ chức thực hiện cơ chế khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa, tổ chức hệ thống nội thương và tăng cường tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản như lúa, gạo, trái cây, thủy sản v.v... 

Cần có dự báo và cập nhật nhu cầu thị trường cả nội thương và xuất khẩu để làm căn cứ, định hướng quy hoạch, hướng dẫn sản xuất, nhưng kiểm tra thực hiện quy hoạch phải có hiệu lực, quản lý điều hành sản xuất một cách tốt hơn, tránh đầu tư quy mô tràn lan nhưng không gắn với thị trường, dẫn đến khủng hoảng thừa như tình trạng vừa qua làm người dân lỗ nặng” – đại biểu kiến nghị.

Theo ông, trong 7 nhiệm vụ và giải pháp của Chính phủ về sản xuất và tiêu thụ nông sản có nêu là phải có cơ chế, chính sách, giải pháp đồng bộ cả trước mắt và lâu dài để tiêu thụ nông sản. Tăng cường hợp tác liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để phát triển sản xuất và tiêu thụ nông sản, tôi đồng tình rất cao. Tuy nhiên, vừa qua thực hiện chủ trương liên kết 4 nhà chưa chặt chẽ. 

Nông dân đánh giá rằng chỉ có nhà khoa học  và nhà nông liên kết tốt, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo sản phẩm nông sản ngày càng chất lượng cao, còn Nhà nước, nhà doanh nghiệp thì chưa có gắn bó chặt chẽ, liên kết bền vững với nhà nông. Thậm chí, có những doanh nghiệp bị nông dân phê phá, thiếu trách nhiệm, chơi xấu, đơn cử như hợp đồng tiêu thụ nông sản của nông dân, đặt cọc nhưng sợ lỗ, bỏ chạy thất hứa bẻ kèo, nói nôm na giao kèo rồi bỏ, làm nông dân điêu đứng.

“Mua dưa hấu từ thiện” là một điển hình việc nông dân “bể” vì doanh nghiệp chơi xấu.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) cho rằng, việc quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực, chất lượng cao còn rất hạn chế. Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh chưa được phát huy, năng xuất lao động còn rất thấp. Ông đề nghị cần tập trung mở rộng mô hình sản xuất mới đưa doanh nghiệp vào nông nghiệp. Sản xuất liên kết giữa nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân trong sản xuất phân phối các sản phẩm của nông nghiệp. Xây dựng mô hình nông nghiệp hiện đại, đạt giá trị cao của các sản phẩm nông nghiệp đầu ra. Xây dựng thương hiệu Việt Nam, hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế. 

“Tôi đồng tình báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cần sớm xây dựng hạ tầng khu vực cửa khẩu như địa điểm, kho chứa hàng hóa, kho sơ chế, kho bảo quản nông sản, bãi đỗ hàng hóa và phương tiện xuất nhập khẩu để đáp ứng được yêu cầu thông quan tại các cửa khẩu. Những kết quả đạt được của tổng thể nền kinh tế - xã hội trong những tháng năm 2015 có xu hướng phục hồi” – đại biểu phân tích.

M.Đ.
.
.