Sự thật vẫn có thể đang bị “bịt mắt” đâu đó ở World Cup 2018!

Thứ Ba, 26/06/2018, 17:50
Công nghệ hỗ trợ video (gọi tắt là VAR) đang giúp World Cup diễn ra được công bằng hơn nhưng vẫn có những kẽ ở VAR mà con người có thể vận dụng để “gieo sầu” cho sự thật.


World Cup 2018 là lần đầu tiên FIFA quyết định sử dụng công nghệ VAR để hỗ trợ trọng tài trong các tình huống như phạm lỗi hay tranh cãi về bàn thắng – thua.

Một tổ trong tài VAR gồm 6 người được ngồi trong phòng biệt lập và được trang bị đầy đủ các thiết bị công nghệ cho phép xem lại chi tiết các tình huống gây tranh cãi.

Nhờ có VAR, các trọng tài đỡ bớt đi được các sai lầm của mình. Nhiều tình huống nhờ can thiệp của VAR, các trọng tài đã không ngần ngại thay đổi quyết định được đưa ra trước đó.

Cụ thể là ở trận đấu giữa Brazil với Costa Rica diễn ra vào ngày 22-6. Ở phút thứ 77, trọng tài Bjorn Kuipers đã chỉ tay vào chấm phạt đền sau pha va chạm giữa Neymar với Giancarlo Gonzalez.

Thế nhưng, sau sự phản đối của các cầu thủ Costa Rica, trọng tài đã tiến ra khu vực kĩ thuật để tham khảo công nghệ VAR. Sau khi xem xét kĩ lưỡng, trọng tài Bjorn Kuipers đã rút lại quyết định của mình, không cho Brazil được hưởng quả đá phạt đền.

Công nghệ VAR đã phát hiện ra màn "ăn vạ" của Neymar.

Có lẽ, ở 2 trận đấu cùng giờ ở Bảng B diễn ra vào lúc 1h ngày 26-6 giữa Bồ Đào Nha – Iran và Tây Ban Nha – Maroc là 2 cuộc so tài mà công nghệ VAR đã có nhiều can thiệp nhất và dẫn đến nhiều thay đổi nhất liên quan trực tiếp đến tấm vé đi tiếp ở bảng đấu này.

Phút thứ 50 ở trận đấu giữa Bồ Đào Nha và Iran, từ cú đi bóng bên phía cánh trái, Ronaldo đã ngã trong vòng cấm sau pha tranh chấp với cầu thủ số 6 của Iran nhưng trọng tài đã không thổi phạt đền.

Sau khi nhận kiến nghị từ Ronaldo và các đồng đội, trọng tài đã xử dụng công nghệ VAR và ra quyết định rút thẻ vàng đối với Ezzatollahi bên phía Iran, đồng thời cho Bồ Đào Nha hưởng quả đá 11m.

Đến phút thứ 90 của trận đấu, bóng đã chạm tay Cedric Soarez trong vòng cấm bên phía Bồ Đào Nha sau một pha tranh chấp bóng bổng nhưng ngay ở giây phút đó, trọng tài Caceres không cho là như vậy.

Sau khi tiếp tục cần đến sự hỗ trợ của công nghệ VAR, ông Caceres mới quyết định bóng đã chạm tay và cho Iran được hưởng quả penalty quý như vàng, giúp đại diện đến từ châu Á ghi được bàn thắng gỡ hòa và nuôi hi vọng đi tiếp.

Trong khi đó, ở trận đấu song song giữa Tây Ban Nha và Moroc, đang đứng trước nguy cơ phải trở về nước với kết quả tạm thua 2-1, phút thứ 90 +2, cầu thủ Aspas bên phía Tây Ban Nha đưa bóng thẳng vào lưới Maroc trong tình thế bị trọng tài biên căng cờ báo việt vị.

Tưởng chừng như bàn thắng đã bị từ chối nhưng sau khi tham khảo công nghệ VAR, trọng tài chính đã quyết định công nhận bàn thắng đó cho Tây Ban Nha, tỉ số được cân bằng 2-2 khiến cho Tây Ban Nha có vé đi tiếp. Trong khi đó, bàn thắng này đã cướp đi tấm vé vào vòng 16 đội của Iran.

Ronaldo chỉ phải nhận thẻ vàng thay vì thẻ đỏ sau khi áp dụng VAR, trọng tài phát hiện anh đã có hành động giật củi chỏ cầu thủ đối phương.

Theo thống kê, chỉ sau 36/64 trận ở World Cup lần này, các trọng tài đã thổi tổng cộng 20 quả phạt đền, trong đó có rất nhiều tình huống quyết định của các vị vua sân cỏ được đưa ra sau khi sử dụng công nghệ VAR.

20 quả phạt đền là con số kỉ lục, nhiều nhất trong số 84 năm World Cup được tổ chức trước đó. Ở World Cup tại Brazil cách đây 4 năm, các trọng tài chỉ thổi 13 quả phạt đền. Kỷ lục về số quả phạt đền của World Cup trước đây là 18 lần vào năm 2002 khi World Cup được tổ chức ở Hàn Quốc và nhật Bản.

Công nghệ VAR đã đem đến nhiều công bằng hơn cho các tình huống tranh cãi, nhưng VAR cũng đang gây ra tranh cãi khi không có qui định nào bắt buộc các trọng tài chính phải sử dụng đến nó.

Ở bộ môn tennis, chỉ cần 1 trong 2 bên có kiến nghị xem lại video thì chắc chắn trọng tài phải cho họ và khán giả xem lại. Và khi đó, kết quả chuẩn xác đến 100% sẽ làm căn cứ để phân định quả bóng đã ở trong hay ngoài sân.

Vì vậy, VAR đang tạo ra kẽ hở rằng, nếu như trong các tình huống gây tranh cãi, trọng tài vẫn khăng khăng không sử dụng VAR, thì sự thật rất có thể sẽ bị qua mặt. Trọng tài cũng là con người và cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều bởi cảm tính hay tác động từ các yếu tố bên ngoài sân cỏ.

Cụ thể, cũng ở trong trận đấu giữa Bồ Đào Nha và Iran, phút thứ 75, một cầu thủ Iran đã ngã trong vòng cấm Bồ Đào Nha cú tác động từ phía sau của William Carvalho.

Tuy nhiên, trọng tài đã thẳng thừng từ chối sử dụng VAR để xem lại tình huống này dẫn đến việc không có quả phạt đền nào cho các cầu thủ Iran. Nếu ghi thêm được 1 bàn thắng nữa, Iran sẽ chắc chắn giành tấm vé đi tiếp trong khi Bồ Đào Nha sẽ bị loại.

Chưa hết, đến phút thứ 84, từ một pha tranh chấp không bóng, Ronaldo đã có pha giật cùi chỏ kín kẽ với Ebrahimi bên phía Iran nhưng trọng tài không cho đó là một tình huống phạm lỗi.

Sau khi nhận phải phản ứng dữ dội từ các cầu thủ Iran và chấp nhận sử dụng đến công nghệ VAR, trọng tài đã công nhận Ronaldo đã phạm lỗi nhưng ông Caceres chỉ rút ra một chiếc thẻ vàng trong khi ở những tình huống như thế này, Ronaldo hoàn toàn xứng đáng phải nhận một chiếc thẻ đỏ với hành động phi thể thao.

Công nghệ là do con người tạo ra và điều khiển nó, còn việc có sử dụng nó hay không thì lại là đặc quyền của các trọng tài. Vì vậy, đâu đó ở World Cup lần này, sự thật và công bằng vẫn có thể đang bị “bịt mắt”!
Vũ Cảnh
.
.