Vĩnh Phúc đối thoại với người lao động ngành y tế

Thứ Ba, 20/09/2022, 20:09

Tại buổi đối thoại với cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành y tế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ngày 19/9, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành khẳng định, Vĩnh Phúc sẽ dành sự quan tâm đặc biệt đến đời sống của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế.

Tại đây, lãnh đạo UBND tỉnh đã lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, cũng như những khó khăn, vướng mắc mà ngành y tế địa phương đang phải đối mặt.

Vĩnh Phúc đối thoại với người lao động ngành y tế -0
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành phát biểu tại hội nghị.

Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc Lê Hồng Trung cho biết, thời gian qua, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của tỉnh cùng sự nỗ lực, quyết tâm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, ngành Y tế đã phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, từng bước nâng cao chất lượng công tác khám chữa, chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh cho người dân. Đặc biệt là trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hơn 2 năm qua, ngành đã phát huy tốt vai trò chủ lực, cùng với cả hệ thống chính trị vào cuộc để từng bước đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Tuy nhiên thời gian qua, ngành Y tế cũng đối diện với nhiều khó khăn thách thức liên quan đến việc một số cán bộ, nhân viên trong ngành xin thôi việc do nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu là liên quan đến bố trí công việc, mức thu nhập thực tế; công tác đào tạo tuyển dụng y bác sĩ, nhân viên điều dưỡng; việc hỗ trợ nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch COVID-19; sự xuống cấp, thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế, nhất là các trang thiết bị phục vụ thực hiện các kỹ thuật bậc cao; cơ chế tài chính, giá dịch vụ y tế còn nhiều bất cập chưa sát thực tế; hoạt động khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế còn một số bất cập làm ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh và thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế…

Vĩnh Phúc đối thoại với người lao động ngành y tế -0
Điều dưỡng Nguyễn Văn Thường, Phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên phát biểu tại hội nghị.

Theo ông Hoàng Văn Chiến - Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Phúc Yên (Vĩnh Phúc) phản ánh, hiện số lượng trang thiết bị tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh đạt khoảng 30% so với định mức của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, tuyến huyện đạt khoảng 35% so với định mức, tỷ lệ chủng loại trang thiết bị đạt khoảng 40% so với định mức. Điều này đã ảnh hưởng nhiều đến khả năng thực hiện danh mục kỹ thuật theo phân tuyến, chưa kể rất khó để phát triển chuyên môn kỹ thuật, đặc biệt là các kỹ thuật hiện đại, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân.

Vì vậy, bác sĩ Hoàng Văn Chiến đề nghị, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục quan tâm đầu tư trang thiết bị y tế cho các đơn vị y tế phục vụ công tác chuyên môn, hạn chế tình trạng chuyển tuyến của người bệnh.

Bác sĩ Lâm Văn Sáu - Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Tam Dương đề nghị, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành chính sách và hỗ trợ kinh phí cho các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn.

Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Vĩnh Phúc Đỗ Trọng Cán đề nghị, địa phương có giải pháp hỗ trợ phương tiện công cộng đi lại cho cán bộ y tế và người nhà bệnh nhân do bệnh viện nằm ở vị trí xa trung tâm thành phố.

Vĩnh Phúc đối thoại với người lao động ngành y tế -0
Bác sĩ Đỗ Trọng Cán, Giám đốc Bệnh viện Sản nhi tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Trong khi đó, bác sĩ Lê Văn Tịnh - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị, UBND tỉnh có phương án bố trí chỗ ở cho sinh viên y khoa mới ra trường, nhằm tăng khả năng thu hút cán bộ y tế về công tác tại địa phương này. Bởi theo bác sĩ Lê Văn Tịnh, việc không có chỗ ở, phải đi thuê trọ là một trong những nguyên nhân làm giảm khả năng thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ y, dược sỹ.

Một số ý kiến đề nghị, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tham mưu Chính phủ, Bộ Y tế thay đổi giá dịch vụ y tế, được tính đúng, tính đủ chi phí thực tế; tăng lương, phụ cấp để phù hợp với thời gian, công sức làm việc…

Chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc ngành y tế đang phải đối diện, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành khẳng định, Ngành Y tế có vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống xã hội bởi liên quan trực tiếp việc khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe người dân. Trung ương và tỉnh Vĩnh Phúc luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho sự nghiệp y tế cũng như đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế, bởi đây là ngành đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội, liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Vĩnh Phúc đối thoại với người lao động ngành y tế -0
Người dân xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 4. Ảnh: Kim Ly

Để tháo gỡ khó khăn hiện nay, theo ông Lê Duy Thành cho rằng, không thể riêng ngành y tế mà cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó, cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách để tạo điều kiện huy động nguồn lực mạnh mẽ hơn, nhất là cơ chế tính giá dịch vụ y tế, cơ chế liên doanh, liên kết, hợp tác khám chữa bệnh.

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đã giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức tham quan học tập tại các tỉnh, thành đã tháo gỡ được vấn đề này để đề xuất tỉnh Vĩnh Phúc ban hành chính sách phù hợp. Đối với vấn đề thu hút nguồn nhân lực; công tác đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ y bác sĩ; đầu tư cơ sở vật chất; phát triển bảo hiểm y tế toàn dân; mua sắm thuốc, trang thiết bị vật tư y tế và các vấn đề khác, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành khẳng định sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan khẩn trương tháo gỡ khó khăn trong thời gian sớm nhất. Với những kiến nghị, đề xuất ngoài thẩm quyền của tỉnh, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tổng hợp kiến nghị với Trung ương để xem xét giải quyết, trên cơ sở tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để ngành Y tế ngày càng phát triển, cán bộ, y bác sĩ thêm yêu, gắn bó và sống tốt về nghề…

Tăng cường công tác phòng, chống dịch

Tại Vĩnh Phúc, số ca mắc COVID-19 có chiều hướng tăng lên trong 2 tuần gần đây. Các biến thể phụ mới xuất hiện luôn được các cơ quan chức năng theo dõi, đánh giá và phối hợp với các tổ chức quốc tế kiểm soát, đánh giá nguy cơ, tuy nhiên, diễn biến của dịch là rất khó lường.

Theo ghi nhận, đánh giá của Trung tâm Y tế thành phố Phúc Yên, trong tháng 8 và nửa đầu tháng 9, số ca mắc COVID-19 tại địa phương tăng cao hơn so với những tháng trước. Cụ thể, tháng 7 thành phố ghi nhận hơn 100 ca, sang tháng 8 tăng lên gần 170 ca, đến ngày 20/9 đã có 200 ca mắc COVID-19 và phần lớn đều là các ca mắc mới. Nguyên nhân là do sự chủ quan của người dân khi không thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch; biến chủng COVID-19 mới lây lan nhanh hơn; có tình trạng người mắc COVID-19 nhưng không test, cách ly đủ thời gian theo quy định. Thậm chí, có bệnh nhân chưa dứt hẳn các triệu chứng đã quay trở lại cộng đồng, hoặc đi làm bình thường làm tăng khả năng lây nhiễm do cơ thể vẫn còn 1 lượng vi rút nhất định...

Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế thành phố Phúc Yên, nhờ tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 đạt cao, nên địa phương không có các ca bệnh nặng. Thời điểm này, trung tâm không có bệnh nhân nào nhập viện điều trị COVID-19, chủ yếu tự cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà theo tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ. Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên có khoảng 7-8 ca mắc COVID-19 đang được điều trị.

Tháng 8, toàn tỉnh có gần 700 ca mắc COVID-19, tăng hơn 170 ca so với tháng 7. Trong 2 tuần đầu của tháng 9, số ca mắc mới liên tục biến động theo chiều hướng tăng lên, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Có ngày, toàn tỉnh ghi nhận gần 100 ca mắc mới (ngày 13/9), nên ngành Y tế lo ngại nguy cơ dịch bùng phát trở lại. Bởi, một số bộ phận người dân đang có tâm lý chủ quan trong công tác phòng, chống dịch; không khai báo với cơ sở y tế khi mắc COVID-19 gây khó khăn trong công tác quản lý, phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi nhắc lại lần 1, lần 2 đối với người trên 18 tuổi và trẻ 5-12 tuổi chưa đạt yêu cầu; nhiều người dân có tâm lý chủ quan khi cho rằng việc mắc COVID-19 với các triệu chứng nhẹ nên không muốn tiêm các mũi về sau; những thông tin tiêu cực, không chính thống về tác dụng phụ của vắc xin khiến người dân lo ngại, ảnh hưởng đến tiến độ tiêm vaccine tại một số địa phương.

Để chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đề nghị các đơn vị y tế trên địa bàn duy trì các hoạt động phòng, chống dịch tại đơn vị. Đặc biệt là các đội phản ứng nhanh tại các bệnh viện/cơ sở điều trị, các đội đáp ứng nhanh phòng, chống dịch, thường trực chống dịch, tiếp nhận mọi thông tin để báo cáo, xử lý kịp thời khi có tình huống phát sinh. Tính đến ngày 19/9, toàn tỉnh, tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 1 đạt 100,2%; mũi 2 đạt 99,3%; mũi 3 đạt 79,0%; mũi 4 đạt 66,5%. Đối với trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 106,2%; mũi 2 đạt 103,8% và mũi nhắc lại đạt 66,4%; trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, tỷ lệ mũi 1 đạt 89,1%; mũi 2 đạt 72.516 và mũi 3 đạt 46,0%…Trên cơ sở kết quả đạt được, ngành Y tế đề nghị UBND các huyện, thành phố chủ động thực hiện rà soát đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng, sẵn sàng tổ chức tiêm ngay khi được phân bổ vaccine; tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân tự giác khai báo khi mắc COVID-19 tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch trong tình hình mới; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện điều trị COVID-19 tại nhà...

Trân Trân
.
.