Thủ tướng viện dẫn chuyện sân bóng đá Mỹ Đình khi chỉ đạo về hợp tác công - tư

Thứ Tư, 04/01/2023, 12:51

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành kế hoạch và đầu tư, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong công tác tham mưu chiến lược, điều hành kế hoạch, điều phối kinh tế vĩ mô, góp phần xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả - đây cũng là yêu cầu được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị Chính phủ với địa phương ngày 3/1.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành Kế hoạch và Đầu tư - Ngành có tầm quan trọng chiến lược của đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đúng như nhận định của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tổng tham mưu có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng".

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát huy vai trò tham mưu -0
Thủ tướng yêu cầu làm tốt hơn nữa công tác tham mưu chiến lược, phản ứng chính sách cho phát triển.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực của lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê đạt được những kết quả rất tích cực, góp phần quan trọng vào thành tựu của đất nước ta trong năm 2022. 

Thủ tướng nhấn mạnh, trong thành tựu chung của cả nước năm 2022 có sự đóng góp quan trọng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ đã nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành với công việc thì nhiều, thời gian có hạn, đã nỗ lực hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình. Chúng ta đã đạt được mục tiêu tổng quát về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm các cân đối lớn, quốc phòng an ninh được giữ vững, đối ngoại được tăng cường, bảo đảm an sinh xã hội. 

Thủ tướng đánh giá, Bộ bám sát, nắm chắc tình hình trong và ngoài nước để thực hiện vai trò của cơ quan tổng hợp tham mưu cấp chiến lược, cơ quan đầu mối, điều phối điều hành kinh tế vĩ mô, có sản phẩm cụ thể, hiệu quả lượng hóa được. Đã nắm chắc tình hình để tham mưu chiến lược nhất là Chương trình phục hồi kinh tế, chọn “đúng, trúng” các vấn đề hiệu quả, “cân đong, đo đếm” được, phù hợp tình hình, điều kiện kinh tế nước ta. Điều đó cho thấy công tác tham mưu là hết sức quan trọng. 

Những vấn đề liên quan doanh nghiệp, phát huy vai trò Chính phủ kiến tạo, Bộ đã kịp thời tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, cùng nhau chia sẻ, thấu hiểu, lắng nghe ý kiến của nhau, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn. Triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về kết nối vùng. Tổng kết, phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ ngành, báo cáo Bộ Chính trị, Chính phủ ban hành các Nghị quyết về phát triển vùng (Tây Nguyên và Đông Nam Bộ), Chương trình hành động của Chính phủ về định hướng, giải pháp phát triển 06 vùng kinh tế-xã hội; đồng thời tích cực xây dựng quy hoạch 6 vùng này. Trình Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua 03 Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho: Cần Thơ, Khánh Hòa, TP. Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát huy vai trò tham mưu -0
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị.

Bộ đã tham mưu trình cấp có thẩm quyền cắt giảm gần 5.000 dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; góp phần hạn chế tình trạng dàn trải trong đầu tư công, từ đó tập trung nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời định hướng đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, manh mún, kéo dài, kém hiệu quả; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác công-tư; tham mưu, cùng các địa phương huy động nguồn lực ngoài nhà nước. 

Bộ là cơ quan đầu mối trong quan hệ với Lào, qua đó củng cố tình hữu nghị đặc biệt Việt – Lào, củng cố uy tín của đất nước. 

Kiến tạo phát triển, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Lãnh đạo Bộ đã ngày đêm trăn trở, suy nghĩ; huy động sức mạnh tổng hợp của bên trong và bên ngoài, kêu gọi sự đóng góp cúa tri thức; làm tốt công tác kết nối doanh nghiệp; thể chế hoá các Nghị quyết của Đảng; xây dựng một Luật để điều chỉnh nhiều Luật, qua đó hoàn thiện thể chế, thúc đẩy phát triển (Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư…); góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; làm tốt công tác truyền thông; lĩnh vực thống kê giúp định hình chính sách tốt hơn. 

Có được kết quả này là do Bộ bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, cụ thể là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, các Nghị quyết của Chính phủ, Quốc hội, trên cơ sở đó tích cực, chủ động thực hiện. Đoàn kết, thống nhất, nỗ lực, phấn đấu, giữ đúng nguyên tắc; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tốt, tạo ra sức mạnh tổng hợp của đất nước. Thủ tướng mong Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát huy truyền thống, những mặt tích cực hơn nữa trong thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát huy vai trò tham mưu -0
Toàn cảnh hội nghị.

Bên cạnh những kết quả tích cực, Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế. Thủ tướng yêu cầu làm tốt hơn nữa công tác tham mưu chiến lược, phản ứng chính sách; sử dụng hiệu quả nguồn lực nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển, xây dựng cơ chế, thể chế thúc đẩy hợp tác công-tư; công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế; công tác truyền thông chính sách; công tác triển khai các quy hoạch; công tác xây dựng, lập kế hoạch, giải ngân, triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát đầu tư công...

Thủ tướng cơ bản đồng ý với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp năm 2023 trong Báo cáo của Bộ và phát biểu của các đại biểu, đồng thời lưu ý một số nội dung.

Trước hết, Thủ tướng yêu cầu Bộ tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong công tác tham mưu chiến lược, điều hành kế hoạch, điều phối kinh tế vĩ mô, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, đặc biệt là của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030, các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết 01 của Chính phủ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát huy vai trò tham mưu -0
Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm tại trụ sở của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo dõi sát diễn biến tình hình khu vực và thế giới; nhận diện rõ thời cơ, thách thức; tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, chủ động xây dựng kịch bản để kịp thời tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp trong chỉ đạo, điều hành và triển khai các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, ứng phó kịp thời, hiệu quả với các biến động trong và ngoài nước; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng nhắc lại yêu cầu góp phần xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế thực chất, sâu rộng, hiệu quả. Đây cũng là nhiệm vụ được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 3/1.

Thủ tướng lưu ý là tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tham mưu thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát hiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tổ chức thực hiện hiệu quả.

Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, góp phần thực hiện được chỉ tiêu về tốc độ tăng năng suất lao động xã hội.

Thủ tướng lưu ý nâng cao hơn nữa vai trò kiến tạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoàn thành cơ sở vật chất cho trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và tham khảo, học tập kinh nghiệm các nước về lĩnh vực này.

Tiếp tục tham mưu xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; phân bổ và sử dụng nguồn lực nhà nước phù hợp, hiệu quả. Đẩy mạnh hơn nữa hợp tác công-tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội.

Thủ tướng lưu ý, với nguồn vượt thu năm 2022 là 392.000 tỷ đồng, cần ưu tiên xử lý các vấn đề cấp bách, đột xuất, bất ngờ và đầu tư hạ tầng giao thông chiến lược, dùng nguồn lực này để thực hiện bằng được mục tiêu của Đại hội XIII của Đảng là tới năm 2025, cả nước có 3.000 km cao tốc và tới năm 2030 có 5.000 km cao tốc để tạo không gian, động lực phát triển mới cho đất nước, làm "ra tấm ra món", dứt khoát không dàn trải, manh mún, kéo dài.

Về hợp tác công-tư, Thủ tướng chia sẻ: "Hôm qua, khi tới xem bóng đá ở sân vận động Mỹ Đình, tôi cũng trao đổi với các đồng chí có liên quan về khai thác hợp tác công-tư hiệu quả ở sân vận động này". Theo Thủ tướng, dư địa thúc đẩy hợp tác công-tư còn rất lớn để huy động mọi nguồn lực cho phát triển, nhưng hiện nay, thể chế cho hợp tác công-tư còn hạn chế so với sự vận động, phát triển và đòi hỏi của thực tiễn.

Thủ tướng yêu cầu Bộ đẩy mạnh chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực đang quản lý; nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thống kê, với quan điểm chủ đạo là thông tin thống kê trung thực, khách quan, chính xác, kịp thời và minh bạch, số liệu "đúng, đủ, sạch, sống"; làm tốt hơn nữa công tác truyền thông chính sách, theo tinh thần "nói được làm được", "đi vào lòng người" để tạo đồng thuận xã hội, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ truyền thông.

Đồng thời, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đầu mối hợp tác liên Chính phủ giữa Việt Nam và Lào trên tinh thần bình đẳng, cùng có lợi, "giúp bạn là giúp mình". Phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, nghiên cứu tìm được "đầu ra" cho các vấn đề khó khăn, vướng mắc đặt ra trong thực tiễn.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát, phân bổ nguồn lực.

Thủ tướng cũng lưu ý cần thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đảng viên. Tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng.

Lưu Hiệp
.
.