Kiến nghị xử lý nhân viên ngân hàng tư vấn sai khiến người dân chuyển tiền tiết kiệm sang mua bảo hiểm

Thứ Ba, 21/11/2023, 17:00

Các đại biểu ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng, các cơ quan tư pháp trong công tác đấu tranh, trấn áp, xử lý các loại tội phạm, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Ngày 21/11, Quốc hội đã dành cả ngày để thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.

Phát biểu tại hội trường, các đại biểu ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng, các cơ quan tư pháp trong công tác đấu tranh trấn áp, xử lý các loại tội phạm, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.  

Cần làm rõ, xử lý nghiêm nhân viên ngân hàng tư vấn sai sự thật

Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, đó là trong thời gian qua, nhiều người dân đã gửi đơn, thư đến cơ quan chức năng phản ánh về việc các công ty bảo hiểm để các nhân viên ngân hàng tư vấn sai sự thật, mời gọi khách hàng để chuyển tiền gửi tiết kiệm sang mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm đầu tư.

xuân.jpg -0
Đại biểu Phạm Thị Xuân (Thanh Hoá) phát biểu tại phiên họp.

Nói về vấn đề này, đại biểu Phạm Thị Xuân (Thanh Hoá) cho rằng, nhiều trường hợp nhân viên công ty bảo hiểm tư vấn mua bảo hiểm không đầy đủ với nội dung của hợp đồng hoặc sai lệch thông tin hợp đồng bảo hiểm, làm ảnh hưởng lớn đến lòng tin của người dân với hệ thống ngân hàng và bảo hiểm. “Tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước chủ động rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện các quy định liên quan đến lĩnh vực này, tích cực thanh tra, kiểm tra và chuyển cơ quan điều tra khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự” – đại biểu kiến nghị.

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) đặt câu hỏi “Dư luận đang đặt vấn đề có hay không sự bắt tay giữa một số ngân hàng với các công ty bảo hiểm, giao cho nhân viên ngân hàng tư vấn khách hàng sai sự thật nhằm mục đích chuyển từ tiền gửi ngân hàng sang mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm đầu tư. Hậu quả là cả nghìn người đã gửi đơn khiếu nại, làm giảm lòng tin của người dân vào hệ thống ngân hàng và hoạt động bảo hiểm.”

hoà.jpg -0
Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) phát biểu tại phiên họp.

 Đại biểu Phạm Văn Hoà kiến nghị Chính phủ và các ngành chức năng đánh giá thật kỹ, khách quan, cầu thị về những thực trạng trên, tìm nguyên nhân để có biện pháp khắc phục hữu hiệu, lấy lại lòng tin của người dân.

Đề xuất các giải pháp hữu hiệu ngăn chặn lừa đảo qua mạng

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) bày tỏ nhất trí cao với 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về công tác phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật trong báo cáo của Chính phủ, đồng thời nêu thực trạng người dân vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số liên tục bị các đối tượng tội phạm dùng các thủ đoạn lừa đảo, giả mạo cơ quan chức năng, các tổ chức tín dụng và công chức cơ quan Nhà nước để chiếm đoạt tiền. Mời tham gia các kênh đánh bạc trên mạng, xâm nhập các địa chỉ zalo, facebook cá nhân để lừa tiền người dân, người thân đang xảy ra khá phổ biến và ngày càng tinh vi hơn. Đề nghị cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện tốt công tác dự báo tình hình, đổi mới phương thức cảnh báo hành vi, thủ đoạn các loại tội phạm để người dân biết.

211120231039-z4900749093963_bc625c8fa49a67876904cdb66efe1847.jpg -0
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) bày tỏ nhất cao với 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về công tác phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật.

“Hiện nay, số người dân sử dụng thường xuyên các ứng dụng zalo, tiktok, facebook chiếm tỷ lệ rất lớn. Các thông tin đến với người dân sẽ nhanh hơn, nhất là vùng nông thôn, miền núi. Đề nghị Bộ Công an và các ngành, các cấp tăng cường tuyên truyền phòng ngừa tội phạm qua các kênh này. Bên cạnh đó, các đài phát thanh, truyền hình quốc gia cần dành một thời lượng phù hợp vào các khung giờ vàng, thời điểm mà nhiều người theo dõi để cập nhật các thông tin cảnh báo như một số nước phát triển đang thực hiện để người dân nhận biết mà phòng tránh” – đại biểu kiến nghị.

Đại biểu Lý Thị Lan (Hà Giang) đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo quyết liệt triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật,qua đó góp phần giữ vững an ninh trật tự, góp phần phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

lan.jpg -0
Đại biểu Lý Thị Lan (Hà Giang) đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.

 Đại biểu cũng nêu thực trạng tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng đang rất phức tạp, nhất là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng. Tỷ lệ điều tra xử lý và thu hồi tài sản đối với hành vi này rất thấp, vì phương thức thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi, phức tạp, các đối tượng đều có kiến thức sâu về công nghệ thông tin nên rất khó trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ, đặc biệt là chứng cứ điện tử dễ bị tẩy xóa, khó khôi phục và thường có yếu tố nước ngoài.

“Tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành liên quan, nhất là các nhà cung cấp dịch vụ, tăng cường công tác quản lý và hợp tác quốc tế để ngăn chặn tình trạng này” – đại biểu nêu. Đồng thời, đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần có các giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn để phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng, chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, loại bỏ hoàn toàn sim rác. Đề nghị Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường triệt phá các loại tội phạm lừa đảo qua App, điển hình là những cuộc gọi mạo danh...

Phương Thuỷ
.
.