Cử tri và nhân dân bức xúc hành vi lợi dụng dịch bệnh để phạm tội

Thứ Tư, 20/10/2021, 12:04

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cử tri và nhân dân rất bức xúc trước các thông tin xấu độc, sai sự thật về công tác phòng, chống dịch; tình trạng tội phạm sản xuất, buôn bán thuốc, vật tư y tế giả; các hành vi lợi dụng dịch bệnh để phạm tội... 

Trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 20/10, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và nhân dân đánh giá cao việc Bộ Chính trị đã kịp thời ban hành Chỉ thị số 01-CT/TW ngày 9/3/2021 về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội ngay sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; hoan nghênh Quốc hội, Chính phủ, nhiều bộ, ngành, địa phương đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế, thể hiện sự nghiêm túc, quyết tâm, khẩn trương để nhanh chóng đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống. 

Cử tri và nhân dân bức xúc một số hành vi lợi dụng dịch bệnh để phạm tội -0
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày báo cáo tại phiên khai mạc.

Tuy nhiên, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cử tri và nhân dân lo lắng những tác động tiêu cực, lâu dài của đại dịch COVID-19 đến mọi mặt đời sống xã hội sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2021, năm 2022 và 5 năm 2021-2025 mà Nghị quyết đã đặt ra.

Thấm đẫm "tình đồng chí, nghĩa đồng bào" trong đại dịch

Về công tác phòng, chống dịch COVID-19, cử tri và nhân dân đồng tình ủng hộ việc Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch với tinh thần "chống dịch như chống giặc", đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, nhất là từ khi được kiện toàn, do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban đã bám sát diễn biến dịch bệnh, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự xã hội, huy động và vận động xã hội, sản xuất và lưu thông hàng hóa, bảo đảm nguồn lực và thông tin truyền thông.

Chiến lược và các biện pháp phòng, chống dịch được triển khai trong thời gian qua cơ bản là phù hợp, đạt được kết quả quan trọng với những quyết sách nhanh, quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện. Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm chỉ đạo thường xuyên, nỗ lực cao độ trong công tác ngoại giao vaccine, trong một thời gian ngắn đưa về nước được một lượng vaccine lớn để tiêm miễn phí cho nhân dân, là một kỳ tích, một bước đột phá cực kỳ quan trọng trong chiến lược phòng, chống dịch.

"Xuất hiện nhiều tấm gương từ cộng đồng với cách làm sáng tạo, "tương thân, tương ái" với những nghĩa cử cao đẹp, lan tỏa yêu thương, thấm đẫm "tình đồng chí, nghĩa đồng bào", thể hiện sâu đậm truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta...", Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh.

Cử tri và nhân dân bức xúc một số hành vi lợi dụng dịch bệnh để phạm tội -0
Các đại biểu tham dự phiên khai mạc.

Song bên cạnh đó, cử tri và nhân dân cho rằng công tác phòng, chống dịch còn một số hạn chế, bất cập như: Công tác dự báo có lúc chưa sát với thực tiễn. Còn hạn chế trong phân tích tình hình để triển khai có bài bản các phương án ngắn hạn cũng như dài hạn, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển KTXH. Công tác chỉ đạo, điều hành trong thời gian đầu đợt dịch thứ 4 có nơi, có lúc còn lơ là, chủ quan, cứng nhắc, nhất là trong chỉ đạo xử lý các tình huống cụ thể, đột xuất; còn lúng túng, bị động, chưa thống nhất, chưa kịp thời điều chỉnh khi tình hình thay đổi; bộc lộ nhiều điểm yếu của hệ thống và năng lực quản lý của các cấp.

Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu. Một số nơi còn xảy ra tình trạng ách tắc trong lưu thông hàng hoá, di chuyển của người dân. Sau khi "nới lỏng" các biện pháp giãn cách xã hội, một lượng lớn người dân từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh có dịch trở về quê tự phát, tiềm ẩn rủi ro và lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội...

Cử tri lo lắng một số chỉ tiêu KTXH quan trọng đạt thấp

Về thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH, cử tri và nhân dân ghi nhận nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc ban hành và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển KTXH năm 2021. Cùng với sự đồng tình ủng hộ, chia sẻ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã đạt được một số kết quả quan trọng, rất đáng khích lệ trên các lĩnh vực theo Nghị quyết của Quốc hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, cơ bản bảo đảm các cân đối lớn; lạm phát được giữ ở mức thấp; thu ngân sách, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo…tiếp tục là những điểm tích cực trong phát triển kinh tế 9 tháng năm 2021.

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân lo lắng việc thực hiện một số chỉ tiêu KTXH quan trọng năm 2021 đạt thấp so với Nghị quyết của Quốc hội và tạo áp lực cho các năm tiếp theo thực hiện kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021 - 2025.

Cử tri và nhân dân bức xúc một số hành vi lợi dụng dịch bệnh để phạm tội -0
Toàn cảnh hội trường.

Bên cạnh đó, việc giãn cách xã hội trong thời gian dài, nhất là ở các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam dẫn đến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, các chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, sản xuất bị đứt gãy. Mô hình "ba tại chỗ", "một cung đường, hai địa điểm" bên cạnh những mặt được mang lại cũng đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất; chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, đội giá thành sản xuất; tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là lao động có tay nghề, kỹ thuật cao do làn sóng người lao động di chuyển khỏi các tỉnh, thành phố lớn.

Việc đề ra và triển khai thực hiện các gói hỗ trợ sản xuất, kinh doanh thiếu kịp thời nên chưa giúp doanh nghiệp khắc phục được khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh. Ngành nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ nông sản; chi phí vận chuyển hàng hóa và giá vật tư tăng cao, đời sống của người nông dân gặp khó khăn nhưng vẫn chưa có chính sách ưu tiên, hỗ trợ thỏa đáng…

Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, các địa phương có giải pháp kịp thời lưu thông hàng hóa, vận chuyển vật tư, thiết bị để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; có các chính sách hỗ trợ về thuế; giảm các khoản phí, lệ phí, tiền thuê đất; giãn, khoanh nợ, giảm lãi suất ngân hàng; có chính sách hỗ trợ duy trì lực lượng lao động…để doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất; có chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, tạo việc làm tại các vùng nông thôn, miền núi.

Người dân các tỉnh về quê có thể gây nên bùng phát dịch bệnh lần thứ 5

Về các vấn đề xã hội, cử tri và nhân dân phản ánh, theo Nghị quyết số 68 ngày 1/7/2021 và Quyết định số 23 ngày 7/7/2021, vẫn còn nhiều đối tượng khó khăn chưa được nhận các gói hỗ trợ an sinh xã hội; thủ tục hỗ trợ còn nhiều vướng mắc, bất cập, rườm rà dẫn đến tiến độ giải ngân chậm, số doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ ít, hiệu quả thấp; việc cứu trợ, bảo đảm an sinh xã hội tại một số địa bàn, nhất là tại các khu cách ly còn khó khăn do số lượng người cần hỗ trợ rất lớn; vẫn còn tình trạng lợi dụng, gây khó khăn cho người dân trong việc thực hiện an sinh xã hội để "trục lợi", gây bức xúc cho người dân .

Cử tri và nhân dân lo lắng về việc nhiều người dân ở các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng của dịch bệnh di chuyển về quê có thể gây nên bùng phát dịch bệnh lần thứ 5, tạo sự quá tải cho hệ thống y tế cơ sở, nhất là các tỉnh khó khăn; về tình trạng không ít người dân có tâm lý hoang mang, lo ngại không dám đến bệnh viện khám, chữa bệnh do lo bị lây nhiễm dịch, dẫn đến bệnh trở nặng, khó điều trị; về tình trạng trẻ em mồ côi do COVID-19; về chất lượng, hiệu quả của việc dạy và học trực tuyến, nhất là đối với học sinh bậc tiểu học; vấn đề học sinh bỏ học, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 vẫn còn tình trạng ở một số địa phương có sự chênh lệch không bình thường giữa điểm thi tốt nghiệp và điểm học bạ lớp 12; đề thi chưa có tính phân hóa cao, các trường đại học dùng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau và lại thiếu thông tin, hướng dẫn phù hợp nên dẫn đến tình trạng nhiều thí sinh đạt điểm cao nhưng vẫn không trúng tuyển đại học, gây bức xúc trong dư luận.

Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân rất bức xúc trước các thông tin xấu độc, sai sự thật về công tác phòng, chống dịch của Việt Nam; tình trạng một số loại tội phạm như: sản xuất, buôn bán thuốc, vật tư y tế giả; buôn lậu; chống người thi hành công vụ; cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc trên không gian mạng, các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để phạm tội... gia tăng, diễn biến phức tạp.

Ngoài ra, theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cử tri và nhân dân ghi nhận những kết quả tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực chuyển biến mạnh mẽ ở nhiều địa phương, khắc phục dần tình trạng "trên nóng, dưới lạnh"; việc phát hiện, xử lý tham nhũng ở các bộ, ngành có sự chủ động, kiên quyết hơn trong kiểm tra, xử lý nghiêm nhiều cán bộ tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan chống tham nhũng.

Cử tri và nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước chỉ đạo, kiểm tra thường xuyên việc thực hiện quy định về công khai kết luận thanh tra của các cấp, bảo đảm thực hiện nghiêm túc trên thực tế; tăng cường giám sát, kiểm tra việc ban hành và thực hiện các quy định về phòng, chống dịch để tránh xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí...

 

Quỳnh Vinh
.
.