Công tác giám sát được xác định là trọng tâm, then chốt

Thứ Sáu, 17/11/2023, 16:00

Một điểm nhấn trong công tác giám sát vừa qua là việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm với người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Quốc hội ban hành Nghị quyết 96 về việc lấy phiếu tín nhiệm để cụ thể hoá chủ trương của Đảng. 

Ngày  17/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024. Hội nghị được kết nối trực tuyến với 62 điểm cầu tại các Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, với khoảng 160 đại biểu tham dự tại điểm cầu chính và gần 1.500 đại biểu tham dự tại các điểm cầu.

Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá khái quát tình hình triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023; triển khai các nội dung thuộc chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024; thảo luận, tham gia ý kiến. Tại hội nghị, đã có 9 tham luận được trình bày, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu về nhiều vấn đề quan trọng. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc.

Quan tâm hơn nữa đến thực hiện kết luận sau giám sát

Năm 2024, Quốc hội đã chọn giám sát tối cao 2 chuyên đề là: “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” (báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7) và chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” (báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8). UBTVQH đã chọn 2 chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023” và chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm TTATGT từ năm 2009 đến hết năm 2023”. Tại hội nghị, các ý kiến đều khẳng định, công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

quang.png -0
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định, hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH là nhiệm vụ quan trọng luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm quán triệt chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện. Thông qua các hoạt động giám sát đã phát hiện chấn chỉnh và có biện pháp kiến nghị xử lý những thiếu sót, hạn chế, vi phạm và hoàn thiện thể chế, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng kiến nghị, các hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội có phạm vi rộng, để đạt được hiệu quả cao cần có sự định hướng gọn hơn về phạm vi, có trọng tâm, trọng điểm hơn, giúp nâng cao hiệu quả trong hoạt động giám sát của Quốc hội.

Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc và có trách nhiệm các kế hoạch, chương trình, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH về giám sát chuyên đề trong năm 2024; đồng thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong phần trách nhiệm của mình để việc giám sát ngày càng tốt hơn.

Tăng cường phối hợp trong công tác giám sát

Đóng góp ý kiến tham luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường đề cập đến việc phát huy, kế thừa kết quả thanh tra, kiểm tra chuyên ngành của các cơ quan chức năng đối với vấn đề được giám sát nhằm giảm thiểu thời gian, nguồn lực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giám sát.

Cùng với đó là tăng cường phối hợp của Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội để đạt kết quả cao trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giám sát; nâng cao hiệu quả công tác truyền thông trước, trong và sau khi có kết luận giám sát chuyên đề để kịp thời thông tin đến cử tri, nhân dân những vấn đề nóng, cấp bách, gây bức xúc trong dư luận.

đb 17.jpg -0
đb1.jpg -1
Các đại biểu dự hội nghị.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị Quốc hội, UBTVQH quan tâm, xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Đây là nội dung quan trọng, trong đó quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND, nhất là việc thực hiện các công việc phát sinh giữa 2 kỳ họp HĐND. Quy định cụ thể về các đối tượng có trách nhiệm trả lời chất vấn, giải trình của HĐND là Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc có liên quan, để các nội dung chất vấn, nội dung giám sát được xem xét đồng bộ, thấu đáo và hiệu quả. Đồng thời, nghiên cứu để luật hóa các quy định, chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện không nghiêm túc, không đầy đủ, cố tình kéo dài thời gian thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát.

Không phải ban hành nghị quyết là xong, giám sát phải có hiệu lực

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, giám sát của Quốc hội theo nghĩa rộng là bao gồm giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của UBTVQH, của Hội đồng Dân tộc, cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội.

huệ.jpg -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc tại hội nghị.

Nhìn lại kết quả năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định Quốc hội đã quan tâm tiếp tục xây dựng khung khổ pháp lý, hoàn thiện thể chế để tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát. Ngay đầu nhiệm kỳ, công tác giám sát được xác định là nội dung trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu quả hoạt động Quốc hội nói chung, vì liên quan trực tiếp, tác động tích cực đến công tác lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn được tiến hành đều đặn 2 lần trong năm ở cả kỳ họp Quốc hội và phiên họp UBTVQH, là sự cố gắng rất lớn. Hình thức và phương thức tổ chức có đổi mới, lựa chọn chủ đề cũng được quan tâm hơn. Như tại Kỳ họp thứ 6, với việc sắp xếp 4 nhóm lĩnh vực, lần đầu tiên trong nhiệm kỳ này Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và 21 bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp trả lời chất vấn, được cử tri và đại biểu đánh giá cao.

Đánh giá giám sát chuyên đề tiếp tục là điểm sáng, Chủ tịch Quốc hội khẳng định 2 chuyên đề của Quốc hội và 2 chuyên đề của UBTVQH được thực hiện nghiêm túc, hiệu lực, hiệu quả được tăng cường. Thay vì hầu hết nội dung giám sát chuyên đề trước đây theo kiểu “hậu kiểm” thì những năm qua lựa chọn vấn đề đang trong quá trình điều hành, tổ chức thực hiện, như về công tác quy hoạch, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

“Ban đầu có ý kiến cho rằng mới làm vài năm thì giám sát làm gì. Nhưng với quy hoạch, nhờ giám sát mà Quốc hội ban hành được Nghị quyết 61 gần như tháo gỡ các vướng mắc, tồn đọng, xử lý khoảng trống pháp lý. Không có giám sát thì không biết giờ công tác quy hoạch thế nào và đến đâu. Với 3 chương trình mục tiêu, ngay khi đặt vấn đề giám sát đã có chuyển biến, đến khi tiến hành giám sát tạo chuyển biến lớn, cùng với Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi triển khai. Các báo cáo kết quả giám sát đều được đại biểu Quốc hội đánh giá cao” – Chủ tịch Quốc hội khẳng định và cho rằng, không phải ban hành nghị quyết là xong, giám sát phải có hiệu lực. Tốt phải được biểu dương nhưng sai phạm phải xem xét xử lý; vấn đề có khuyết điểm thì phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm, không thể nói chung chung được.

Một điểm nhấn trong công tác giám sát vừa qua là việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm với người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Quốc hội ban hành Nghị quyết 96 về việc lấy phiếu tín nhiệm để cụ thể hoá chủ trương của Đảng. Việc lấy phiếu được thực hiện đúng quy định, quy trình, thận trọng, chu đáo, kỹ lưỡng; đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch; kết quả công bố công khai ngay, được dư luận và đại biểu đánh giá cao.

Phải xác định rõ trách nhiệm, kiến nghị cụ thể

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác giám sát. Đó là cần nghiên cứu giải quyết mối quan hệ giữa “diện” và “điểm”, tức tính chất giám sát toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm. Bởi, giám sát không thể bao quát hết, cứ dàn trải thì không giải quyết vấn đề gì. Quá trình giám sát có lúc còn ít chú ý đến mục tiêu và yêu cầu của chuyên đề nên nhiều khi “bơi trong số liệu”. 

17. đb.jpg -0
Các đại biểu dự hội nghị.

“Phát hiện nhiều nhưng cuối cùng nói hoà cả làng, không khéo lại “3 sôi 2 lạnh”. Tình trạng nể nang vẫn còn. Xuống tận nơi phát biểu rất hùng hồn nhưng về nhà đi đâu hết. Thực chất có kiến nghị gì thì cũng chỉ để cho tốt hơn, chứ không phải “vấn đề nặng nhẹ”. Anh làm không ra gì cũng chẳng sao thì mất động lực phát triển. Phải xác định rõ trách nhiệm, kiến nghị cụ thể cũng là kiến tạo phát triển” – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Về chương trình giám sát năm 2024, Chủ tịch Quốc hội lưu ý năm sau là thời điểm chuẩn bị cho Đại hội đảng cấp cơ sở; diễn ra đợt sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, nên hoạt động nghiên cứu khảo sát thực tế, phối hợp phải hết sức cân nhắc để vừa đạt mục tiêu giám sát mà đỡ phiền địa phương, cơ sở.

Phương Thuỷ
.
.