Công dân can thiệp y học mới được công nhận là chuyển đổi giới tính

Thứ Sáu, 12/05/2023, 14:26

Sáng 12/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Chuyển đổi giới tính. Đây là dự án luật, sáng kiến lập pháp do đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đề nghị xây dựng.

Mỗi công dân được công nhận giới tính 1 lần trong cuộc đời

Tờ trình tóm tắt do ĐBQH Nguyễn Anh Trí trình bày cho biết, Bộ luật Dân sự đã có sự phân định rất rõ ràng quyền xác định lại giới tính (Điều 36) và quyền chuyển đổi giới tính (Điều 37). Việc xác định lại giới tính là dành cho những người có giới tính khi sinh chưa hoàn chỉnh nên phải xác định lại. Hiện nay, vấn đề xác định lại giới tính đang được thực hiện bằng Nghị định số 88/2008/NĐ-CP và không có vướng mắc trên thực tiễn. Do đó, đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính chỉ triển khai quy định của Điều 37 Bộ luật Dân sự.

Công dân can thiệp y học mới được công nhận là chuyển đổi giới tính -0
ĐBQH Nguyễn Anh Trí.

Theo ông, luật thu hẹp phạm vi, đối tượng điều chỉnh, chỉ tập trung vào người đã can thiệp y học thành 2 dạng giới nam và nữ. Có 4 chính sách gồm: Điều kiện để công dân được chuyển đổi giới tính; thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính của công dân; xác nhận giới tính đối với các trường hợp đã thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính trước ngày Luật Chuyển đổi giới tính có hiệu lực; và thẩm quyền thủ tục công nhận giới tính của người chuyển đổi giới tính.

Về điều kiện để công dân được chuyển đổi giới tính, dự án luật được điều chỉnh theo hướng giảm số lần được công nhận giới tính mới từ 2 lần xuống 1 lần trong cuộc đời. Quy định như vậy nhằm hạn chế sự xáo trộn trong xã hội, không làm ảnh hưởng đến công tác quản lý của Nhà nước; bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành. Bổ sung quy định phải thực hiện can thiệp y học thì mới được công nhận đã chuyển đổi giới tính.

"Chính sách về thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính của công dân được điều chỉnh theo hướng, thay vì công dân có quyền lựa chọn can thiệp y học để chuyển đổi giới tính sau khi đã được công nhận bản dạng giới thì công dân bắt buộc thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính thì mới được Nhà nước thừa nhận là người chuyển giới", ĐBQH Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Đáp ứng nhu cầu một số đối tượng được sống đúng với giới của mình

Thẩm tra vấn đề trên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên cho hay, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan thống nhất với sự cần thiết nghiên cứu, xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính nhằm xác lập cơ chế thực hiện quy định tại Điều 37 của Bộ luật Dân sự năm 2015 là "việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật"; đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nhu cầu của một nhóm đối tượng trong xã hội về thực hiện chuyển đổi giới tính để được công nhận và sống với đúng giới của mình.

Công dân can thiệp y học mới được công nhận là chuyển đổi giới tính -0
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên.

"Việc ĐBQH Nguyễn Anh Trí đề xuất xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính là sự chia sẻ trách nhiệm với ngành Y tế vì công việc chung và thực hiện quyền sáng kiến lập pháp của ĐBQH theo quy định của pháp luật", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ và cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản thống nhất với 4 nhóm chính sách lớn trong đề nghị xây dựng luật do ĐBQH đã có sự kế thừa, sắp xếp một cách hợp lý trên cơ sở tham khảo kết quả nghiên cứu, đề xuất của Bộ Y tế (đã chuyển giao cho ĐBQH) và bảo đảm thống nhất với phạm vi điều chỉnh, tên gọi của luật đã được thay đổi.

Để hoàn thiện hơn hồ sơ đề nghị xây dựng luật, Uỷ ban Pháp luật đề nghị ĐBQH tiếp tục nghiên cứu, bổ sung cả trường hợp "xác định lại giới tính của cá nhân" theo quy định tại Điều 36 của Bộ luật Dân sự cũng thuộc phạm vi của thực hiện chuyển đổi giới tính.

Về nhóm Chính sách 2 thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính của công dân đề nghị thể hiện rõ hơn về mức độ can thiệp y học để chuyển đổi giới tính vì vấn đề này ảnh hưởng đến việc xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân sau khi chuyển đổi giới tính; đồng thời, cần nghiên cứu về một số quyền, nghĩa vụ mang tính đặc thù của cá nhân sau khi chuyển đổi giới tính...

Nhiều nội dung khó, nhạy cảm, cần đánh giá, nghiên cứu kỹ lưỡng

Qua thảo luận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự phối hợp chặt chẽ của ĐBQH Nguyễn Anh Trí trong xây dựng dự án luật, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng đây là dự án luật đầu tiên quy định về chuyển đổi gới tính, là vấn đề khá nhạy cảm, song đại biểu đã rất quyết tâm, phát huy vai trò, có sáng kiến lập pháp như thế này rất đáng trân trọng.

Công dân can thiệp y học mới được công nhận là chuyển đổi giới tính -0
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường.

Nhất trí về căn cứ pháp lý và sự cần thiết ban hành luật nhằm hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi giới tính, đảm bảo thực hiện quy định về chuyển đổi giới tính tại Bộ Luật Dân sự 2015, Tổng Thư ký Quốc nhấn mạnh, đây là dự án luật có nhiều nội dung mới, khó, khá nhạy cảm, nhiều ý kiến khác nhau, nên cần có đánh giá tác động, hoàn thiện dự án chi tiết hơn, nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đảm bảo thuyết phục khi trình ra Quốc hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn hoan nghênh và đánh giá cao dự án luật của đại biểu Nguyễn Anh Trí, sự nghiêm túc, tâm huyết, cầu thị, tiếp thu ý kiến của UBTVQH tại phiên họp trước, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, quyết định. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị làm rõ thêm về cơ sở thực tế để xây dựng luật, nội hàm chuyển đổi giới và có đánh giá tác động về văn hóa, xã hội, tâm lý, tôn giáo ảnh hưởng như thế nào đối với việc chuyển đổi giới tính và chú trọng công tác tuyên truyền.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, Chính phủ nhất trí về sự cần thiết xây dựng và trình ban hành Luật chuyển đổi giới tính; đồng thời, Bộ Y tế cũng như Chính phủ đã rất ủng hộ và hỗ trợ ĐBQH Nguyễn Anh Trí trong việc hoàn thiện hồ sơ và xây dựng dự án luật này. Ủy ban Pháp luật cũng đã có ý kiến là không cần tiến hành lấy ý kiến lại, nội hàm của luật cũng đã được xác định rõ.

Qua lấy phiếu, với 12 ý kiến tán thành, UBTVQH đã đồng ý đưa dự án Luật Chuyển đổi giới tính vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Ủy ban Pháp luật báo cáo đầy đủ ý kiến của các thành viên UBTVQH, nêu rõ các ý kiến còn băn khoăn về nội dung dự án luật để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tới đây.

Quỳnh Vinh
.
.