315 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công chờ giải ngân tháng cuối năm

Thứ Bảy, 02/12/2023, 07:37

Với sự vào cuộc quyết liệt, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và cơ quan quản lý, giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng có tăng nhưng vẫn thấp so với mục tiêu đề ra. Hiện vẫn còn 315 nghìn tỷ đồng vốn đang chờ giải ngân theo kế hoạch năm 2023.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, ước thanh toán vốn đầu tư công từ đầu năm đến hết tháng 11/2023 của cả nước là 460.980 tỷ đồng, đạt trên 59% kế hoạch và đạt trên 65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Cùng kỳ này năm trước, tỷ lệ giải ngân đạt trên 52% kế hoạch và trên 58% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Như vậy, so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ giải ngân của cả nước có tăng hơn 7% so với kế hoạch và 6,77% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, nhưng so với tổng kế hoạch vốn cần giải ngân trong năm 2023 thì tỷ lệ này vẫn đạt thấp.

oda gpmb.jpg -0
Vướng mắc quy hoạch, khó giải phóng mặt bằng… là những nguyên nhân làm chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Hiện có một số đơn vị đạt kết quả tích cực như: Ngân hàng Nhà nước (94,74%), Bộ Giao thông vận tải (73,42%), Bộ Quốc phòng (70%), Bộ Công an (71,61%), Vĩnh Phúc (98,97%), Đồng Tháp (95,19%), Tiền Giang (94,55%), Thừa Thiên Huế (93,32%). Tuy nhiên, vẫn còn 15 bộ, cơ quan trung ương chỉ giải ngân được dưới 15%, 2 địa phương dưới 35%.

Phân tích nguyên nhân của việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, Bộ Tài chính cho biết có cả khách quan và chủ quan. Về các nguyên nhân khách quan, một số cơ chế thực hiện hiện nay chưa phù hợp với đặc thù của các Chương trình mục tiêu quốc gia như: Quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất; cơ chế sử dụng ngân sách Nhà nước hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển sản xuất cộng đồng...

Về nguyên nhân chủ quan, công tác tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng, vướng quy hoạch sử dụng đất, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư,... dẫn đến chậm thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng, thi công. Đối với các dự án giao thông trọng điểm được phân cấp cho các địa phương làm cơ quan chủ quản đầu tư hoặc có sự tham gia góp vốn của ngân sách địa phương, việc triển khai các thủ tục đầu tư, phân bổ vốn còn lúng túng, khó khăn trong phối hợp giữa các địa phương, đặc biệt đối với các dự án sử dụng nhiều loại nguồn vốn.

"Tỷ lệ giải ngân của cả nước còn đạt thấp cũng xuất phát từ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được thể hiện rõ. Việc phân bổ vốn còn bình quân, thiếu trọng tâm, trọng điểm; chưa sâu sát, thiếu đôn đốc, kiểm tra..., còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm", Bộ Tài chính nhận định.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Tổ trưởng Tổ công tác số 5, vừa có cuộc kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công tại 4 địa phương: Gia Lai, Kon Tum, Đồng Nai và Bình Phước. Cả 4 địa phương này đều có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn bình quân của cả nước. Các vướng mắc trong thể chế chính sách, tổ chức điều hành, tổ chức thực hiện vẫn là những nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân của các địa phương này. Đồng thời, các địa phương cũng đang gặp vướng mắc trong công tác xác định giá đất để thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng; vướng mắc về trình tự thủ tục cấp phép khai thác đất san lấp theo Luật Khoáng sản năm 2010 nên mất nhiều thủ tục, thời gian…

Như vậy, tính đến thời điểm này, hiện còn trên 315 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công (nếu tính theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì còn trên 247.000 tỷ đồng) cần giải ngân, trong khi chỉ còn đúng 1 tháng nữa là kết thúc năm. Do đó rất cần sự vào cuộc quyết liệt, sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, của các cấp, ngành, địa phương mới có thể hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 08/CT-TTg là giải ngân đạt tỷ lệ 95% trở lên.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong những tháng còn lại của năm, Bộ Tài chính đang tiếp tục đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo quy định. Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị 21 bộ, cơ quan trung ương và 30 địa phương khẩn trương hoàn thành việc phân bổ kế hoạch năm 2023 đối với số vốn chưa bổ (khoảng 16.000 tỷ đồng); đánh giá khả năng thực hiện đến hết 31/1/2024, chủ động đề xuất số vốn tiếp tục kéo dài theo quy định và theo khả năng thực hiện. Chủ động có phương án phân bổ kế hoạch năm 2024 ngay khi được Thủ tướng Chính phủ giao, tránh trường hợp giao vốn thành nhiều lần trong năm…

33 địa phương xin điều chỉnh vốn

Theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 31/8/2023, có 33 địa phương đề nghị điều chỉnh dự toán vốn vay lại dẫn đến thay đổi mức vay của từng địa phương so với mức được Quốc hội đã quyết định. Cụ thể, có 27 địa phương đề nghị giảm dự toán vay lại, với tổng số vốn đề nghị giảm là 5.565,149 tỷ đồng; 6 địa phương đề nghị tăng dự toán vay lại, với tổng số tiền đề nghị tăng là 349,344 tỷ đồng. TP Hồ Chí Minh là địa phương trả lại dự toán nhiều nhất, chiếm 50% tổng số kế hoạch vốn trả lại.

Nguyên nhân của việc xin điều chỉnh giảm kế hoạch vốn vay lại của các địa phương là do địa phương có các dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư; các dự án đã kết thúc, hết thời hạn giải ngân hoặc không còn nhu cầu giải ngân, phần vốn tỉnh chưa phân bổ; các dự án điều chỉnh giảm để phù hợp với kế hoạch vốn cấp phát được giao hoặc phù hợp với nhu cầu và tiến độ triển khai dự án; các dự án gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng, đấu thầu… Ngoài ra, còn do các địa phương, chủ dự án không thực hiện tốt các khâu chuẩn bị dự toán như đền bù giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thiết kế, dẫn đến việc chậm trễ trong giải ngân dự án.

Hà An
.
.