Đại học Quốc gia Hà Nội mở nhiều ngành mới, tăng mạnh chỉ tiêu

Thứ Hai, 06/03/2023, 06:31

Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) hiện có 9 trường đại học thành viên, 2 trường và 1 khoa trực thuộc - một địa chỉ đào tạo thu hút sự quan tâm của hàng chục ngàn thí sinh. Vậy tuyển sinh năm 2023 của ĐHQGHN có gì mới? Chính sách hỗ trợ người học sẽ được thực hiện như thế nào để thu hút người tài? Bài thi đánh giá năng lực sẽ được thực hiện ra sao để đảm bảo chất lượng xét tuyển tốt nhất?

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, ĐHQGHN đã có chia sẻ những thông tin mới nhất về vấn đề này.

1.jpg -0
GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội.

PV: Thưa GS, năm nay ĐHQGHN sẽ có thêm những ngành mới nào và những ngành mới này sẽ cạnh tranh, thu hút thí sinh ra sao?

GS Nguyễn Đình Đức: Tuyển sinh năm 2023, ĐHQGHN có thêm 4 ngành mới: Ngành Cử nhân thiết kế sáng tạo của Khoa Các khoa học liên ngành; ngành Cử nhân văn hóa truyền thông đa quốc gia của Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN và Trường Đại học Việt Nhật có 2 ngành Kỹ sư là Kỹ sư Công nghiệp thực phẩm và sức khỏe và Kỹ sư Kỹ thuật công nghệ cơ điện tử (ngành Kỹ sư Kỹ thuật công nghệ cơ điện tử thực hiện tích hợp đề án liên thông ở thạc sĩ). Bốn ngành mới này đều là những ngành liên quan đến nghề nghiệp, đáp ứng rất tốt nhu cầu việc làm của cách mạng công nghiệp 4.0. Chúng tôi đã khảo sát rất kỹ và chúng tôi tin tưởng, những ngành mới sẽ có sự thu hút tốt đối với các thí sinh. Bên cạnh những ngành mới thì năm nay chỉ tiêu vào ĐHQGHN tăng hơn 10%, lý do là bên cạnh những ngành mới thì còn có những cơ sở đào tạo được nâng cấp. Ví dụ như Khoa Luật thành Trường Đại học Luật, rồi Khoa Các khoa học liên ngành thì cũng có các định hướng thông qua đề án để trở thành một trường liên ngành và đổi mới nghệ thuật sáng tạo. Do đó, chỉ tiêu tuyển sinh của ĐHQGHN nếu như năm ngoái là 14.000 thì năm nay tăng lên khoảng 15.600, tăng hơn 10%.

PV: ĐHQGHN có chính sách khuyến khích gì cho thí sinh học khối các ngành khoa học cơ bản, thưa ông?

GS. Nguyễn Đình Đức: ĐHQGHN luôn luôn quan tâm và có chính sách đối với các em năm thứ nhất, nghiên cứu sinh và thực tập sinh xuất sắc. Riêng đối với thí sinh, ĐHQGHN có rất nhiều loại học bổng, nhưng đối với lĩnh vực khoa học cơ bản thì chúng tôi hỗ trợ hoàn toàn học phí và mỗi một tháng thì hỗ trợ kinh phí khoảng 2 triệu; đồng thời, chúng tôi hỗ trợ hoàn toàn chỗ ăn ở trong ký túc xá đối với thí sinh học lĩnh vực khoa học cơ bản như Toán học, Vật lý, Hóa học và một số lĩnh vực thuộc khoa học xã hội và nhân văn. ĐHQGHN vẫn kiên định với sự hỗ trợ này bởi khi các em đã lựa chọn vào đây học là các em có niềm đam mê theo đuổi khoa học cơ bản.

PV: Hiện thí sinh đang rất quan tâm tới việc đào tạo tại cơ sở Hòa Lạc. GS có thể cho biết, việc đào tạo tại cơ sở Hòa Lạc có gì khác biệt so với đào tạo tại các cơ sở trong nội thành?

GS Nguyễn Đình Đức: Từ năm ngoái, ĐHQGHN đã có gần 2.000 sinh viên lên Hòa Lạc học và năm nay, theo đăng ký của các trường, số lượng sinh viên đăng ký lên đây học là gần 7.000 em. Có thể nói là với một cảnh quan thiên nhiên, một cơ sở vật chất rộng lớn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho sinh viên. Về đào tạo thì từ năm ngoái, ĐHQGHN đã ban hành quy chế đào tạo mới, mục tiêu nhằm phát huy tốt nhất cho sinh viên, không chỉ giúp các em phát huy tốt năng lực chuyên môn, mà phải phát huy được năng lực ngoại ngữ, trở thành một thế mạnh của sinh viên ĐHQGHN trong thời đại cách mạng công nghiệp hiện nay. Lên Hòa Lạc học, các em còn được phát triển về kỹ năng mềm và thể chất, như được học điền kinh, võ dân tộc; có các CLB ngoại ngữ; các em được tham gia các hoạt động xây dựng cảnh quan trên Hòa Lạc, từ đây có cơ hội tiếp xúc với địa phương, thể hiện được năng lực của mình trong công tác xã hội và từ đó hoàn thiện những kỹ năng mềm.

PV: ĐHQGHN đã tổ chức rất thành công kỳ thi đánh giá năng lực, tiên phong trong cả nước, ông có chia sẻ gì với các ứng viên tham gia vào kì thi này?

GS Nguyễn Đình Đức: Về bài thi đánh giá năng lực, chúng tôi vẫn giữ nguyên cấu trúc đề thi gồm có ba phần: Toán, đọc hiểu Ngữ văn và Khoa học, mỗi một phần 50 điểm và tổng điểm bài thi là 150 điểm. Từ năm ngoái đến năm nay, đề thi đánh giá năng lực đã theo hướng hội nhập quốc tế, tức là có phần Toán, phần đọc hiểu Ngữ văn và phần Khoa học. Như vậy, em nào học khoa học kỹ thuật thì cũng phải hiểu Ngữ văn và ngược lại, em nào chọn khoa học xã hội cũng phải có kiến thức về Toán và Khoa học. Đây là một định hướng hội nhập, theo định hướng bài thi SAT của Hoa Kỳ.

Năm nay, cấu trúc đề thi không thay đổi, nhưng có thay đổi trong điều lệ dự thi. Trước chúng tôi quy định, sau 28 ngày thì các em lại được đăng ký mới nhưng trên thực tế, rất nhiều em đăng ký thi rất nhiều lần, gây tốn kém mà kết quả không cải thiện là bao. Nếu thí sinh đăng nhiều quá thì sẽ gây nên nghẽn mạch. Do đó, năm nay, quy chế tối đa mỗi thí sinh chỉ được đăng kí thi 2 lần. Các em phải cân nhắc, luyện kĩ, không sẽ lỡ cơ hội.

Năm nay, tỉ lệ chỉ tiêu xét tuyển từ kì đánh giá năng lực sẽ tăng lên, trước chúng tôi đã dành 20% chỉ tiêu để xét tuyển đánh giá năng lực. Và năm nay, chúng tôi dự kiến sẽ tăng chỉ tiêu xét tuyển từ kì thi đánh giá năng lực. Có một điểm mới nữa là năm nay, hai ĐHQGHN và ĐHQG TP Hồ Chí Minh sẽ hợp tác, công nhận kết quả kì thi đánh giá năng lực của nhau.

Câu hỏi liên tục cập nhật, bổ sung, hiện chúng tôi đã bổ sung được 5.000 câu hỏi và một nửa trong số câu hỏi đó đã hoàn thiện đưa vào sử dụng. Chúng tôi vẫn duy trì, thi xong có kết quả luôn, đáp ứng sự mong mỏi của thí sinh.

2.jpg -0
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.

PV: Các phương thức xét tuyển có gì mới không, thưa GS?

GS Nguyễn Đình Đức: ĐHQGHN chủ trương phương thức tuyển sinh ổn định như năm ngoái, tức là vẫn có các hình thức xét tuyển như sau: Xét từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT; xét theo kết quả đánh giá năng lực; xét theo kết quả các kỳ thi chứng chỉ quốc tế như SAT, ICT và kết hợp thi với xét học bạ (năm ngoái thì không quá 10% chỉ tiêu, năm nay, chúng tôi dự kiến tăng lên khoảng 15% chỉ tiêu), và cuối cùng là đối với học sinh các trường chuyên, trường THPT thuộc ĐHQGHN và các trường chuyên trong toàn quốc, chúng tôi có chính sách đặc thù để thu hút các em học sinh giỏi.

Năm 2023, chúng tôi vẫn sử dụng chứng chỉ VSTEP của Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN để xét tuyển vào ĐH Ngoại ngữ. Với các em trường THPT chuyên, ĐHQGHN đang xây dựng đề án đào tạo các em học sinh miền Nam. Chúng tôi đang liên hệ với một số tỉnh ở phía Nam như Vĩnh Long, Quảng Ngãi. Mục tiêu của đề án này tạo học bổng, cơ chế để các em học sinh xuất sắc được tỉnh cử chọn đi học tại ĐHQGHN, sau này các em thành tài, sẽ quay về địa phương làm việc. Đây là một chiến lược có tầm nhìn. ĐHQGHN đã xây dựng đề án, các địa phương đều ủng hộ, nếu triển khai thí điểm trong năm nay sẽ góp phần thúc đẩy sự hợp tác giữa các miền, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các tỉnh phía Nam, thể hiện vai trò tiên phong của ĐHQGHN.

PV: Xin trân trọng cảm ơn GS!

Thu Phương (ghi)
.
.