Người thầy như người cha

Thứ Sáu, 27/02/2015, 08:29
Nhắc đến thầy giáo Lê Triều Sơn, công tác tại Trường THPT Gia Hội, TP Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế), nhiều đồng nghiệp và phụ huynh đều khâm phục. Thầy Sơn không chỉ làm tròn thiên chức người thầy mà còn có một tấm lòng nhân ái, sẻ chia với những học trò nghèo có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật…
Một ngày đầu Xuân mới Ất Mùi, chúng tôi có dịp gặp và trò chuyện với thầy giáo Lê Triều Sơn. Bằng chất giọng nhẹ nhàng, thầy Sơn kể, cách đây 20 năm về trước, khi được điều chuyển đến dạy toán tại Trường THPT Gia Hội, cảm nhận đầu tiên trong thầy là sự lo âu; vì tại đây có quá nhiều học sinh hư hỏng, cá biệt. Chuyện học sinh trong trường lập băng nhóm đánh nhau là chuyện thường ngày...Tại sao các em không ham học mà ham chơi, rồi hư hỏng? “Tôi thật sự rất day dứt việc này. Học sinh không học thì cho điểm yếu, quá lắm thì đuổi học. Điều đó quá dễ và rất đỗi bình thường, nhưng với lương tâm của người thầy giáo, tôi không thể làm vậy”, thầy Sơn tâm sự. 

Cũng vì trăn trở điều đó nên ngoài những giờ lên lớp, thầy Sơn dành nhiều thời gian tìm hiểu sâu về hoàn cảnh của từng học sinh. Và, thầy nhận ra, phần lớn những học sinh cá biệt là những học trò có hoàn cảnh trớ trêu như bố mẹ ly dị phải sống nhờ người thân, học sinh mồ côi; cũng có em là con của những gia đình giàu có, có quyền lực trong xã hội nhưng thiếu vắng sự giáo dục của gia đình…

Sau nhiều đêm suy nghĩ, thầy Sơn đề xuất Ban Giám hiệu nhà trường cần quan tâm đến các hoạt động xã hội, sinh hoạt ngoại khoá; vì đây là môi trường giáo dục nhân cách làm người cho học sinh. Khi nhắc đến việc này, cô giáo Diệu, đồng nghiệp cùng trường nói rằng, đó là tầm nhìn, là sự nhạy cảm của một thầy giáo trẻ như thầy Sơn. Cho đến nay, các hoạt động xã hội, sinh hoạt ngoại khoá được Trường THPT Gia Hội xem là chương trình giảng dạy đặc biệt để nâng cao chất lượng giáo dục trên bục giảng.

Thầy giáo Lê Triều Sơn trao học bổng cho em Như Quỳnh, học sinh nghèo vượt khó, học giỏi.

Trong các hoạt động ngoại khoá, câu chuyện dưới cờ ở Trường THPT Gia Hội được xem là buổi chào cờ đầu tuần có hiệu ứng tích cực. Từng câu chuyện dưới cờ cứ thấm dần vào tâm trí học sinh. Ngoài những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức của Bác Hồ, các thầy, cô giáo còn chú ý đến những tấm gương sáng trong ngôi trường mà các em đang theo học.

Câu chuyện kể có thật với ngữ điệu và tấm lòng đầy xúc cảm của thầy Sơn làm cho nhiều em học sinh dần được cảm hóa, từ lêu lổng, chơi bời đến chuyển biến chăm lo học tập. Thậm chí, có không ít em có hành vi bất hợp tác đã nhận ra và xem thầy như là người cha, người anh gần gũi. Chuyện em N. là ví dụ điển hình. Sau khi bị thầy Sơn phê bình trong giờ sinh hoạt đầu tuần, N. ra mặt thách thức, bỏ học, hăm doạ thầy… Thầy Sơn đã tìm đến gia đình N. nhẹ nhàng xin lỗi bố mẹ N. về phương pháp phê bình N. trước hoàn cảnh, không gian chưa phù hợp.

Một cử chỉ thật với mục đích kéo N. trở lại môi trường học tập, làm cho không khí buổi gặp gỡ hôm ấy trở nên thân thiện hơn. Không ngờ sau lần gặp ấy, bố mẹ N. gửi gắm N. cho thầy Sơn. Từ đó, N. trở lại lớp học với những thay đổi trong phong cách sinh hoạt, học tập làm cho bạn bè ngỡ ngàng niềm vui... Ngoài N., thầy Sơn còn mất nhiều công sức tiếp cận, cảm hóa những học sinh cá biệt khác, để làm cho môi trường giáo dục của Trường THPT Gia Hội ngày càng thân thiện hơn…

Không chỉ vậy, với những học trò nghèo học hành chăm chỉ, thầy Sơn đã nghĩ đến việc viết bài phản ảnh về hoàn cảnh khó khăn của các em lên các báo, đài TW và địa phương để kêu gọi cộng đồng, những tấm lòng hảo tâm sẻ chia, giúp đỡ các em vượt khó trong học tập. Kết quả việc làm này của thầy Sơn đã mang lại nhiều suất học bổng - niềm vui cho học trò nghèo, bệnh tật, bất hạnh…

Như trường hợp em Ngô Thị Thanh, không may mắn bị bệnh u diệp thể ác tính. Ở trong căn nhà tình thương, bố mất sớm, Thanh vừa đi học vừa chăm sóc mẹ và dì bị bệnh tâm thần. Vượt qua số phận, Thanh nỗ lực học giỏi, là học sinh tiêu biểu của trường. Bài viết của thầy Sơn về em Thanh đăng lên báo địa phương đã được bạn đọc đón nhận, các nhà hảo tâm gửi giúp em trên 31 triệu đồng…

Thầy Sơn bày tỏ, cụ thân sinh của thầy là một nhà giáo có uy tín ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nối nghiệp bố, thầy luôn tâm niệm rèn luyện, học tập làm tròn trách nhiệm với cả tấm lòng của một nhà giáo chân chính. “Trách nhiệm của người thầy hết sức cao cả. Không chỉ giỏi về chuyên môn, mà còn là người cha thứ hai dạy dỗ các em trở thành người có ích cho xã hội. Trong tình hình hiện nay, điều đáng quan tâm là chú trọng giáo dục các em đạo làm người…”.

Chiến Hữu
.
.