Giáo viên hợp đồng không đủ điều kiện xét tuyển đặc cách: Cần thấu tình đạt lý

Chủ Nhật, 29/09/2019, 07:28
Theo kết luận mới nhất của UBND TP Hà Nội, không có ai trong số gần 3.000 giáo viên hợp đồng lâu năm có đủ điều kiện để xét đặc cách. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, các giáo viên sẽ phải trải qua kỳ thi tuyển dụng viên chức của ngành Giáo dục bằng hai hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển mà không có bất kỳ ưu tiên nào.


Hà Nội cần sớm có giải pháp rõ ràng hơn

Thông báo kết luận mới nhất của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, qua rà soát của các quận, huyện, thị xã, không ai trong số 2.923 giáo viên của Hà Nội đủ điều kiện xét tuyển đặc biệt vào viên chức theo quy định tại khoản 7 điều 2 Nghị định 161/2018. 

Tất cả các giáo viên hợp đồng này không được xét tuyển đặc cách do không đủ điều kiện: “Người ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập”, theo quy định tại Nghị định 161/2018. 

Nhiều giáo viên hợp đồng mong lãnh đạo Hà Nội xem lại cơ chế xét tuyển.

Như vậy, số giáo viên trên sẽ phải trải qua kỳ tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục bằng 2 hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển như các ứng viên khác, dù trước đó đích thân Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã 2 lần cho biết sẽ xét tuyển số giáo viên hợp đồng này nếu họ đáp ứng đủ 3 tiêu chí: có hợp đồng từ 5 năm trở lên, có đủ sức khỏe và có chuyên môn phù hợp với vị trí cần tuyển dụng.

Vì sao Hà Nội có sự bất nhất trong việc thi tuyển hay xét tuyển này? Đây là câu hỏi vẫn còn chờ lãnh đạo TP trả lời sớm. Bởi nhìn lại thông báo kết luận do Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu ký thì lãnh đạo Hà Nội chỉ đạo phải tuyển dụng theo Nghị định 161. 

Nếu như vậy thì ngay từ đầu thành phố không cần đến mấy tháng để “rà soát” cũng rõ ngay là không giáo viên nào được xét tuyển đặc cách. Theo một chuyên gia trong ngành Nội vụ, các địa phương có thẩm quyền trong việc tuyển dụng viên chức và không nhất thiết phải áp dụng Nghị định 161. Một số địa phương khác đã linh hoạt để giải quyết vấn đề giáo viên hợp đồng đã tồn tại từ lâu. Bộ Nội vụ cũng đã 1 lần có văn bản trả lời Hà Nội về vấn đề này.

Đánh đồng giáo viên lâu năm và sinh viên mới ra trường là không phù hợp

Thông báo của UBND TP Hà Nội đã khiến nhiều giáo viên hợp đồng hụt hẫng. Cô Bùi Thu Hằng, giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội) bày tỏ: “Khi nghe lãnh đạo thành phố hứa sẽ có cơ chế xét tuyển đặc biệt đối với giáo viên hợp đồng lâu năm, chúng tôi đã ôm hy vọng. Phải chăng việc thành phố đưa ra thông tin sẽ xem xét đặc cách rồi lại thông báo không ai đủ điều kiện cũng chỉ là biện pháp để hoãn binh, tránh phản ứng kéo dài của hàng nghìn giáo viên hợp đồng”.

Chia sẻ với phóng viên về vấn đề này, PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: Việc TP Hà Nội yêu cầu các giáo viên đã có hàng chục năm công tác ra thi viên chức với các kỹ năng mà trước đó họ chưa được đào tạo sâu như ngoại ngữ, tin học là không hợp lý, không xét tới yếu tố đặc thù trong tuyển dụng. 

“Tôi cũng không hiểu vì sao, Chính phủ đã cho phép các địa phương được xét tuyển bằng cơ chế đặc thù với giáo viên hợp đồng lâu năm mà TP Hà Nội lại không làm”- PGS Trần Xuân Nhĩ đặt câu hỏi. 

Cũng theo đề xuất của PGS Trần Xuân Nhĩ, với các giáo viên hợp đồng lâu năm, đã có nhiều cống hiến cho địa phương cần có chính sách tuyển dụng phù hợp, “thấu tình đạt lý” bởi phía sau các giáo viên hợp đồng là cả một gia đình. 

“Quận, huyện nào đã nhận giáo viên hợp đồng làm việc thì phải có trách nhiệm đảm bảo quyền lợi cho họ. Trong trường hợp không được xét tuyển đặc cách, cũng nên ưu tiên bằng cách xem xét cộng điểm cho những giáo viên đã có nhiều năm công tác, thành tích giảng dạy để đảm bảo nhân văn, công bằng”- PGS Trần Xuân Nhĩ nêu quan điểm.

 TS Vũ Minh Đức, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng cho rằng: Việc thành phố đánh đồng cả hai đối tượng giáo viên hợp đồng lâu năm với sinh viên mới ra trường trong thi tuyển như hiện nay là không phù hợp. “Đối với sinh viên mới ra trường, thành phố vẫn cho thi tuyển theo tinh thần của Nghị định mới. 

Riêng đối với giáo viên hợp đồng lâu năm đã cống hiến cả tuổi trẻ cho ngành Giáo dục địa phương, cần rà soát lại để có hình thức thi hoặc xét tuyển phù hợp bởi hai đối tượng này không cùng trên một mặt bằng, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ và công nghệ thông tin. Trong đó, nên tập trung ưu tiên đối với các giáo viên có chất lượng tốt, giáo viên công tác lâu năm và có hoàn cảnh khó khăn” - ông Đức nói.

Ông Đức cũng cho biết, việc một số quận, huyện để giáo viên thuộc diện hợp đồng tới 20 năm là không đúng với quy định của pháp luật, là chưa làm tròn trách nhiệm đối với giáo viên hợp đồng tại địa phương mình. 

Do vậy, việc xét đặc cách đối với các giáo viên có thời gian công tác từ 15 đến 20 năm là giải pháp phù hợp. Riêng đối với giáo viên có thời gian công tác trên dưới 10 năm, nếu vẫn phải thi tuyển thì cũng nên có những ưu tiên nhất định như cộng điểm cho giáo viên theo thâm niên công tác, miễn thi môn ngoại ngữ, tin học đối với một số giáo viên đã lớn tuổi. 

Đặc biệt, đối với các giáo viên hợp đồng không trúng tuyển trong đợt thi viên chức, cần tiếp tục bố trí họ vào các vị trí công tác khác đang còn thiếu, tiếp tục bồi dưỡng để họ yên tâm công tác và cống hiến.

Cũng theo ông Đức, giải pháp về lâu dài cần tính tới là kiến nghị Chính phủ khi thực hiện Luật Viên chức cần tính tới đặc thù của nghề giáo, không nên áp dụng chung giống như hợp đồng lao động thông thường vì đánh đồng là bất cập. 

Cùng với đó, nên thống nhất về một đầu mối theo hướng nhân lực ngành Giáo dục phải do ngành Giáo dục quản lý, tuyển dụng, tránh tình trạng tréo ngoe như hiện nay là ngành Giáo dục chịu trách nhiệm về chất lượng, về chương trình đào tạo nhưng một trong những yếu tố quyết định chất lượng là tuyển dụng giáo viên lại do ngành Nội vụ thực hiện.

Nhóm Phóng viên
.
.