Dành chỉ tiêu xét tuyển học bạ phải rất chú ý, cẩn trọng

Thứ Sáu, 08/05/2020, 16:04

Ngày 8/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) đã tổ chức hội nghị tuyển sinh toàn quốc theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm nay, nhiều trường đại học (ĐH) sẽ tuyển sinh dựa vào kết quả học bạ, nhưng quá trình chuyển đổi chất lượng, điểm học bạ giữa các vùng miền rất khác nhau, có những vùng học bạ rất “long lanh” nhưng chưa chắc chất lượng đã cao. Do đó, những trường dành chỉ tiêu xét tuyển học bạ phải rất chú ý, cẩn trọng. Bộ sẽ tiến hành đối sánh điểm thi tốt nghiệp với học bạ, để thấy chất lượng thực với chất lượng đánh giá của địa phương.



Có chế tài chặt chẽ xử lý gian lận thi cử

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD & ĐT) cho biết: Công tác tuyển sinh 2020 có thể kéo dài đến 28/2/2021. Bộ GD&ĐT sẽ tiếp nhận đề án tuyển sinh và phục vụ công tác hậu kiểm. Về tổ hợp xét tuyển, năm nay sẽ quy định: Các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo. 3 bài thi/môn thi: có ít nhất một trong hai bài thi Toán, Ngữ văn. 

Không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi (hoặc môn thi) để xét tuyển cho một ngành (những tổ hợp chỉ thay đổi các ngoại ngữ khác nhau cũng được coi là một tổ hợp). Về thi năng khiếu, sẽ thi 3 bài thi (hoặc môn thi), trong đó, có ít nhất một bài thi/môn thi Toán hoặc Ngữ văn kết hợp với kết quả thi năng khiếu để xét tuyển. Tùy yêu cầu của ngành đào tạo, các trường có thể quy định bài thi/môn thi chính được nhân hệ số khi xét tuyển.

Các đại biểu tại Bộ GD & ĐT thảo luận phương án tuyển sinh

Về xử lý vi phạm trong tuyển sinh, theo bà Nguyễn Thu Thủy, quy định chế tài xử lý chặt chẽ đối với các trường vi phạm, đối với cán bộ, công chức, người lao động và thí sinh vi phạm, đặc biệt là thí sinh gian lận, liên quan đến gian lận trong thi, tuyển sinh…, để nâng cao tính tuân thủ pháp luật trong điều kiện thực hiện tự chủ đại học. Hiệu trưởng hoặc Chủ tịch hội đồng và những người liên quan bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Điều 71 của Luật Giáo dục đại học nếu có vi phạm…

Hội nghị tuyển sinh đã lấy ý kiến thảo luận từ các trường đại học. Theo đó, nhìn chung các trường đều đồng thuận với Quy chế tuyển sinh 2020 được Bộ GD & ĐT ban hành sáng 8/5 với nhiều điểm mới. Các trường đều mong muốn, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được “phân hóa” tốt, để các trường đại học yên tâm về chất lượng, dùng kết quả đó để xét tuyển. ĐH Thái Nguyên đề xuất, đề thi tốt nghiệp ngoài việc xét tốt nghiệp, cần phân hóa sâu hơn nữa, mức 5 - 6,5 điểm để tốt nghiệp, nhưng đề phải đề phân hóa mạnh để các trường ĐH chọn được thí sinh giỏi.

Đề nghị tăng cường thêm thanh tra ủy quyền từ trường đại học

GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay, các trường đều quan tâm đến đề thi; Bộ đã ban hành đề thi tốt nghiệp mẫu – đây là điểm tích cực. “Năm nay dịch bệnh COVID – 19 xảy ra bất ngờ, kỳ thi được giao cho các địa phương, có người băn khoăn, nhưng tôi nghĩ địa phương sẽ thêm trách nhiệm, không nên lo lắng. Bên cạnh đó, chúng ta còn có khâu thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, sinh viên vào học sẽ được “hậu kiểm”, nếu không đạt chất lượng sẽ phải về. Do đó, cần phải có niềm tin, cộng đồng trách nhiệm”, GS Minh bày tỏ.

Ngoài việc đề xuất Bộ GD & ĐT hỗ trợ lọc thí sinh ảo (trong đó ĐH Bách khoa Hà Nội sẵn sàng tham gia và hỗ trợ nhóm các trường ĐH miền Bắc xét tuyển chung và lọc hồ sơ ảo), đại diện nhiều trường còn đề nghị Bộ GD & ĐT tăng cường khâu thanh tra giám sát kỳ thi. Lãnh đạo ĐH Thái Nguyên - nơi có 7 trường ĐH thành viên cho biết, ĐH Thái Nguyên sẽ lấy kết quả của kỳ thi tốt nghiệp để xét tuyển. Do đó “đề nghị Bộ GD & ĐT tăng cường thêm thanh tra ủy quyền đến từ các trường ĐH giám sát kỳ thì vì nguồn lực thanh tra của Bộ sẽ không đủ, để tăng niềm tin của xã hội vào một kỳ thi nghiêm túc”.  Chung quan điểm này, GS. Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho rằng, năm 2019, coi thi và chấm thi làm tốt, năm nay giao cho địa phương tổ chức thì phải tăng cường giám sát, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

* Xem xét rất kỹ để đưa ra các tổ hợp xét tuyển phù hợp

          PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nêu quan điểm, phải định vị đúng bản chất của kỳ thi, do đó, hãy xem đây là một kỳ thi đánh giá trên diện rộng, để xem có đạt chuẩn kiến thức kỹ năng hay không. Do đó, Bộ GD & ĐT đã có nhiều giải pháp cho kỳ thi như: Công bố đề thi tham khảo trong ngày 7/5 và đã nhận được phản ứng tích cực từ dư luận. Đề thi tốt nghiệp chính thức sẽ bám sát đề tham khảo, nằm trong khuôn khổ chương trình lớp 12, những nội dung tinh giản chắc chắn sẽ không đưa vào nên học sinh yên tâm. Tuy nhiên, “đề thi sẽ vẫn có độ phân hóa để hỗ trợ phần lớn các trường đại học trong tuyển sinh. 

Mấu chốt sẽ đạt nếu chúng ta tổ chức kỳ thi nghiêm túc – đây sẽ là chìa khóa cuối cùng. Các trường đại học phải đóng góp cùng hệ thống chính trị, sẵn sàng tham gia vào kỳ thi này dù số lượng cán bộ tham gia ít, nhưng một đồng chí sẽ gánh trách nhiệm cho các đồng chí còn lại”, PGS.TS Mai Văn Trinh nói và cho biết, để giảm tải và giảm nguy cơ tiêu cực thì quá trình sàng lọc mang ý nghĩa lớn – đây là vấn đề căn cơ, cốt lõi. Công tác tuyển sinh phải đi theo tinh thần tự chủ. Bộ GD&ĐT sẽ cung cấp đề thi để đánh giá mức độ đạt chuẩn.

Bộ GD & ĐT cho biết, sẽ cố gắng giữ ổn định kỳ thi để thí sinh yên tâm ôn luyện

Chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay, cần phải thống nhất nhận thức để hành động tổ chức tốt tuyển sinh năm nay. Các nhà trường cần biến cơ hội thành hành động để tư vấn và cung cấp nguồn nhân lực, thể hiện ngay trong mùa tuyển sinh này, trước hết bằng việc dự báo ngành nghề để học sinh biết được sau 4 năm học họ sẽ ra trường như thế nào. Tuyển sinh rất quan trọng nhưng chỉ là một khâu, nếu chúng ta chỉ đề cập đến tuyển sinh hay đầu điểm, tổ hợp…chưa phải là đủ, mà quan trọng là tư vấn, hỗ trợ cho giáo dục đại học phát triển. 

Về tuyển sinh riêng, Bộ trưởng lưu ý, tự chủ là nhiệm vụ, là cơ hội cho các trường ĐH nhưng không phải muốn làm gì thì làm mà phải theo quy định, đảm bảo khách quan, minh bạch, công bằng, bình đẳng giữa các trường. Thi phải có chuẩn, có ngân hàng câu hỏi, điều kiện tổ chức thi công khai minh bạch, có cơ chế giám sát. “Nhiều người nhận thức về kỳ thi có vẻ đơn giản nhưng thực tế không đơn giản và dễ dàng như vậy. Ngay cả những nước như Mỹ, để có được trung tâm khảo thí độc lập cũng phải mất vài chục năm, chúng ta cũng tiến tới có các trung tâm khảo thí độc lập, tuy nhiên, phải có lộ trình, phải từng bước. 

Còn việc phỏng vấn hay kiểm tra khảo sát thêm như thi năng khiếu để đánh giá thí sinh là quyền của nhà trường, Bộ rất khuyến khích. Mặc dù tự chủ nhưng các trường phải xem xét rất kỹ để đưa ra các tổ hợp xét tuyển phù hợp, không thể đưa ra những tổ hợp lạ gây xôn xao cho xã hội rồi lại rút lại”, Bộ trưởng nêu quan điểm…  


Thu Phương
.
.