Còn nhiều băn khoăn về năng lực của người thầy

Thứ Năm, 05/11/2015, 18:36
Ngày 5/11, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Một số vấn đề trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể-Từ tầm nhìn đến hiện thực”.


Tại Hội thảo, các chuyên gia cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) của chúng ta đã trải qua nhiều lần cải cách nhưng vẫn chưa tạo ra được một sự thay đổi đáng kể nào trong chất lượng giáo dục. Những cải cách tạm gọi là “nửa vời” này đã làm giảm lòng tin của xã hội đối với những nỗ lực đổi mới. Do vậy, việc đổi mới chương trình lần này nếu thực hiện được sẽ thay đổi tận gốc rễ tình trạng học nhồi nhét kiến thức và thái độ học để thi và để lấy bằng.

Năng lực của người thầy có đáp ứng được chương trình mới?

Theo TS Phạm Thị Ly, Giám đốc chương trình nghiên cứu-Viện Đào tạo quốc tế, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, những khác biệt của chương trình GDPT mới so với chương trình hiện hành là rất lớn và điều này thực hiện được sẽ tạo ra những chuyển biến về chất.

Trước hết, đó là việc chuyển từ một nền giáo dục cung cấp kiến thức thành một nền giáo dục nhằm vào phát triển năng lực người học. Thêm vào đó, những phẩm chất và năng lực học sinh cần đạt được đã được xác định trên cơ sở cân nhắc điều kiện thực tế của Việt Nam và nhu cầu xây dựng con người công dân trong một xã hội toàn cầu. Đặc biệt, chương trình GDPT mới coi trọng trải nghiệm của học sinh, thay cho lối tiếp thu thầy giảng-trò chép.

Các đại biểu tham gia Hội thảo một số vấn đề trong chương trình GDPT tổng thể tại Hà Nội ngày 5/11.

Tuy nhiên, điều khiến TS Phạm Thị Ly cảm thấy băn khoăn là năng lực và phẩm chất của người thầy hiện nay liệu có đáp ứng được với những yêu cầu của chương trình mới?

Tài liệu của Bộ GD&ĐT nhận định, đội ngũ giáo viên phổ thông gần 100% đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo. Song, trên thực tế chuẩn ở đây mới chỉ là chuẩn bằng cấp bởi chúng ta chưa có cơ sở nào để đánh giá chất lượng GDPT, trong đó có chất lượng của người thầy.

Đào tạo và tái huấn luyện đội ngũ giáo viên để họ am hiểu cách tiếp cận giáo dục mới và thực thi tinh thần ấy là quan trọng nhưng bên cạnh đó cũng phải hết sức quan tâm đến động lực làm việc của người thầy bằng cách cải thiện thu nhập cho giáo viên để họ có thể toàn tâm, toàn ý cho công việc của mình”- TS. Ly nhấn mạnh.

Chú trọng hơn nữa năng lực hội nhập quốc tế của học sinh

Đóng góp ý kiến vào dự thảo chương trình GDPT tổng thể, nhiều đại biểu cho rằng: Chương trình GDPT mới dường như vẫn chưa coi trọng đúng mức năng lực hội nhập quốc tế của học sinh, một yêu cầu hết sức cấp bách trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay. Trong đó, chìa khóa giúp học sinh hội nhập quốc tế chính là ngoại ngữ.

TS Nguyễn Quang Thạch, người sáng lập chương trình “Sách hóa nông thôn” tại Việt Nam cho rằng: Việc dạy và học ngoại ngữ của chúng ta hiện nay đang “có vấn đề” khi mà có tới hàng vạn sinh viên tốt nghiệp đại học không nói được tiếng Anh, hàng ngàn học sinh thi tốt nghiệp THPT bị điểm liệt môn Ngoại ngữ, thậm chí nhiều giáo viên dạy Ngoại ngữ ở nông thôn dạy được học sinh nhưng lại không giao tiếp được với người nước ngoài...

Chương trình GDPT và sách giáo khoa mới được kỳ vọng sẽ thay đổi cách dạy và học một chiều, bị động hiện nay.      

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ phận Thường trực đổi mới chương trình, Bộ GD&ĐT cho biết: Bên cạnh đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa, Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành song song 2 đề án khác là ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đổi mới việc dạy và học Ngoại ngữ. Trong đó, vấn đề thay đổi cách dạy và học Ngoại ngữ trong nhà trường nhằm nâng cao năng lực hội nhập quốc tế cho học sinh sẽ được đề cập cụ thể, chi tiết trong đề án này.

Huyền Thanh
.
.