Lòng trung thành trong bóng đá

Tiền là tất cả, là duy nhất?

Thứ Hai, 26/06/2017, 10:47
Vụ lùm xùm của sao mai Gianluigi Donnarumma tại AC Milan tiếp tục tạo ra cuộc tranh cãi không hồi kết về lòng trung thành của cầu thủ trong bóng đá hiện đại. Nhưng đã từ rất lâu rồi, bóng đá không còn là lý tưởng mang đậm màu sắc tín ngưỡng. Cuộc chơi đã bị chi phối và điều khiển bởi sức mạnh ma mị của những đồng euro biết nhảy múa.


Steven Gerrard, Francesco Totti, Alessandro Del Piero đều không phải những kỷ lục gia săn huy chương. Nhưng đổi lại, họ có được tình yêu và sự bao bọc của một cộng đồng rộng lớn. Totti đã nói, thành công lớn nhất trong cuộc đời của anh, là được phục vụ Roma trọn kiếp cầu thủ.

Những biểu tượng bóng đá như thế từng là ngọn đuốc soi lối dẫn đường cho các cầu thủ trẻ mới vào nghề. Nhưng khi mà tình yêu và những cái hôn lên logo áo đấu được định giá bằng tiền bạc qua những cuộc môi giới nước bọt, đấy là lúc giới túc cầu phải nghiêm túc nhìn lại bản chất của trò chơi 22 người và 1 quả bóng: Bóng đá – hoàn toàn không phải – thánh đường của tín đồ trung thành. Raheem Sterling, một tiền vệ ở đẳng cấp trung bình khá làm Man City tiêu tốn gần 50 triệu bảng. MBappe sau đúng nửa mùa giải thăng hoa có giá khởi điểm gần 70 triệu bảng. Hai trong nhiều ví dụ điển hình để định nghĩa và khái quát hóa toàn bộ đặc tính tiêu biểu của bóng đá.

Minos Raiola liên tiếp gây sức ép buộc Milan tạo điều kiện cho Donna ra đi

Sau năm 1970, khi giá trị cầu thủ đã lên tới con số triệu đô, người ta đã sớm mường tượng ra viễn cảnh này.

Bản chất của hợp đồng lao động

Trong quá trình tiến hóa của luật chuyển nhượng, tính pháp lý của các hợp đồng giao dịch có xu hướng bảo vệ cầu thủ/HLV hơn là CLB chủ quản. Nếu một cầu thủ ký hợp đồng 4 năm nhưng mới đá 1,5 mùa đã chấn thương dài hạn, CLB chịu toàn bộ trách nhiệm y tế giúp cầu thủ phục hồi.

Trong suốt thời gian này, lương vẫn chảy đều vào tài khoản. Ở chiều ngược lại, giả như cầu thủ đạt phong độ cao hoặc thi đấu vượt ngưỡng chỉ tiêu, sẽ có hai trường hợp xảy ra.

HLV Montella và CEO Fassone muốn chốt phương án nhân sự trước mùa bóng mới càng sớm càng tốt.

Một, anh ta yêu cầu tăng lương theo mức thu nhập được cho là xứng đáng với đóng góp. Hai, xin phép liên lạc với đội bóng khác. Trường hợp một chỉ ra, phần lớn cầu thủ thỏa ước nguyện. Ronaldo hễ khi nào hờn dỗi nói “buồn bực” là y như rằng ít lâu sau Perez duyệt tăng lương. Messi từng xích mích với HLV Enrique và để chiều lòng La Pulga, BLĐ Barca đồng ý nâng lương hòng giữ chân Messi.

Ở trường hợp hai, theo luật, CLB chủ quản đương nhiên là gạt ngay ý tưởng kia. Nhưng bóng đá là ngành công nghiệp đánh giá chỉ số thành công dựa trên biểu điểm kết quả.

Thử tưởng tượng giám đốc của một doanh nghiệp toàn cầu tuyên bố muốn nghỉ việc, hẳn tập thể ấy sẽ rơi vào lao đao ngay. Vả lại, ai có thể kiểm soát lịch sinh hoạt ngoài giờ tập luyện của cầu thủ. Họ có thể bí mật hẹn ăn tối hoặc liên lạc qua điện thoại vệ tinh đặc chủng.

Những vụ đi đêm đâu phải chuyện lạ trong giới bóng đá. Trong trường hợp xấu nhất, cứ cho là cầu thủ đó bị “đì đọt”, đẩy lên ghế dự bị thì hiếm có CLB nào dám sa thải.

Vì đơn giản, sa thải càng nhanh cũng đồng nghĩa số tiền đền bù càng lớn. Cầu thủ có thể không được ra sân, nhưng tiền nhận về vẫn đâu thiếu một xu! Ngày xưa, Bendtner từng kiên quyết không rời Arsenal để hưởng lương 60.000 bảng mỗi tuần.

Quyền lực của người đại diện

Sự can thiệp quá đà của người đại diện đang giết chết vẻ đẹp nguyên thủy của bóng đá. Mục tiêu duy nhất và tối thượng của người đại diện, là kiếm về hợp đồng có lợi nhất cho thân chủ của mình. Lời bao biện của giới cò bóng đá là vòng đời cầu thủ rất ngắn, trong khi sức khỏe và thời gian bỏ ra quá nhiều nên cần mức đãi ngộ vượt trội.

Do nắm bắt nhu cầu của khách hàng (ở đây là các CLB) nên người đại diện thường một lúc chào giá 3-4 CLB, cứ lấy giá này ở một CLB làm hệ quy chiếu cho CLB kia để tối ưu hóa quyền lợi. Nhưng sự nguy hiểm nhất của người đại diện, là sở hữu “tiếng nói” của người đại diện.

Họ làm thế, vì biết người đại diện là những gã có mạng lưới quan hệ rộng, có thể mang về bản hợp đồng hời cho mình. Thế nên, trong rất nhiều câu chuyện, người đại diện nói gì cũng có nghĩa là cầu thủ nghĩ thế. Mới nhất, Donnarumma đã ủy quyền toàn bộ công biệc cho Minos Raiola.

Nhưng chính những phát ngôn tai hại của Raiola đang nhấn chìm sự nghiệp tại Milano của thủ môn trẻ 18 tuổi. Raiola thay mặt Donnarumma đưa ra hàng loạt yêu sách khó chấp nhận cho giới chủ người Trung Quốc, đơn cử như điều khoản hạ phí giải phóng hợp đồng từ 150 triệu euro xuống… 10 triệu euro.

Chỉ đến khi sức chịu đựng của Donnarumma tới giới hạn, buộc gia đình thủ môn này vào cuộc, NHM mới biết chân tướng sự việc. Bản thân Donnarumma không hề lường trước việc Raiola đẩy sự việc đi quá xa như thế.

Bây giờ, anh ở lại cũng khó khi đã bị kinh đô thời trang quay lưng, nhưng ra đi cũng chẳng nổi vì Milan hét giá cao ngất trời. 11 CLB công khai bày tỏ sự quan tâm với Donnarumma, nhưng không ai trong số này trực tiếp xúc tiến thương thảo tính đến thời điểm đã nói.

Trách nhiệm của CLB

Yêu sách là lựa chọn của cầu thủ và người đại diện, nhưng quyết định là ở bản thân từng CLB. Họ có thể từ chối nâng lương, hoặc đưa ra nhiều yêu cầu hơn nữa cho đối tượng nếu muốn nhận về mức lương mong muốn.

Nhưng một khi đã sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của một cầu thủ tầm thường, thì các CLB buộc phải chấp nhận với nghịch cảnh hiện nay. Lỗi của CLB, là quá nuông chiều cầu thủ.

Thủ môn Donnarumma.

Để rồi  nhận lấy những cái giá do chính họ tạo ra. Mọi thứ luôn công bằng, nhất là trong môi trường kinh doanh đầy minh bạch như thương mại bóng đá. Mối quan hệ trong xã hội bóng đá ngày nay hoàn toàn là những động tác cho – nhận qua lại.

Trở lại câu chuyện của Milan, đội bóng sọc đỏ-đen đã có thể bán Donnarumma. Nhưng họ cũng muốn có lợi từ phi vụ này, và dù cho đó là nguyện vọng hoàn toàn chính đáng thì Milan vẫn phải chấp nhận rủi ro khi tham gia canh bạc.

Đây là năm đầu tiên Donnarumma có thể ký một hợp đồng chuyên nghiệp (vừa bước qua tuổi 18, đúng theo luật bóng đá Italia), Milan thì không muốn mất trắng công đào tạo và thậm chí là đã nghĩ tới những bội số nhảy múa trên sàn giao dịch nếu ở mùa giải sang năm, Donnarumma tiếp tục thể hiện phong độ xuất thần.

Những dự báo về thế giới bóng đá xoay quanh đồng tiền đã được nhìn nhận từ lâu. Không phải ngẫu nhiên, Premier League nằm trong top 100 doanh nghiệp ở Anh có chỉ số chứng khoán tích cực nhất trong 5 năm tài chính gần nhất. Lòng trung thành, rốt cuộc, cũng chi là một ý niệm hết sức mơ hồ và không có yếu tố chi phối tới quyết định đi - ở của cầu thủ.

Xét cho cùng, bóng đá là một nghề nghiệp, còn cầu thủ là người làm nghề. Thu nhập vẫn là quan tâm hàng đầu của bất kỳ ai dấn thân vào nghiệp quần đùi áo số.

Tất tần tật vụ Donnarumma

Ngày 25-5-2015, ở tuổi 16, Donnarumma trình làng trong trận thắng 2-1 trước  Sassuolo. 3 ngày sau, Donna giữ sạch lưới trận đấu với Chievo và tạo nên những ấn tượng đầu tiên.

Một năm sau, Abbiati tuyên bố giải nghệ, chính xác là ngày 15/5/2016. Tuy nhiên, Abbiati đã có một quyết định lạ lùng, là nhường lần ra sân cuối cùng cho Donnarumma – truyền nhân tương lai trong khung gỗ ở San Siro.

Raiola sớm nhận ra tiềm năng của thủ môn trẻ tuổi. Ông ta tuyên bố, Donna đáng giá 170 triệu euro. Tay môi giới khét tiếng này chơi chiêu, bằng những tuyên bố bóng gió về tham vọng của Milan.

Trong lúc này, Milan vẫn chưa dứt điểm vụ chuyển giao cho tập đoàn Trung Quốc. Raiola thì vẫn tỏ vẻ sốt ruột, liên tục thắc mắc về triển vọng phát triển của Milan liệu có phù hợp với tầm nhìn dài hạn của Donna không.

Tới tháng 3 năm nay, Raiola cho biết ông đã hết kiên nhẫn. Thân chủ của Raiola cần một môi trường đẳng cấp hơn.

Milan là tập thể giàu truyền thống. Họ không dễ dàng chấp nhận xuống nước, bởi tất cả đều hiểu Raiola đang cố “làm giá” Donna. Fassone, tân CEO của đội chia sẻ đã tới lúc ông đưa ra câu trả lời về kế hoạch xây dựng CLB cho HLV Montella. “Không thể ngồi chờ mãi thế này được”, Fassone tiết lộ. Milan đã âm thầm có những sự chuẩn bị phòng biến cố xảy ra.

Sau khi mùa giải khép lại, Raiola đẩy sự việc lên tột đỉnh căng thẳng. Theo lời của vị này, có 11 CLB đang quan tâm tới Donnarumma. “Nếu có đội hỏi mua, Donna sẵn sàng ra đi”, trích lời Raiola trên Sky Italia.

Cuối tuần trước, CEO Fassone thông báo, Donna sẽ không gia hạn hợp đồng với Milan vì Raiola cảm thấy bị tổn thương khi Milan chủ động bàn chuyện tương lai của Donna mà không thông qua người đại diện.

Thông tin này tạo ra làn sóng phẫn nộ trong dư luận. Nhưng trong buổi họp báo mới nhất, lại có tin (theo Republica) Donna sẽ ký mới hợp đồng với Milan vì không muốn bị CĐV quay lưng. Mức lương đồn đoán khoảng 5,2 triệu euro/mùa.

Đơn Ca
.
.