Một năm khởi sắc của điện ảnh Việt

Thứ Ba, 29/12/2015, 14:00
Năm 2015, doanh thu phòng chiếu bội thu với nhiều phim lên tới gần 80 tỷ đồng sau một thời gian ngắn ra rạp. Phim Việt dần khẳng định được vị thế của mình với "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Yêu", "Em là bà nội của anh", "Trúng số", "Đập cánh giữa không trung"...

Nhiều bộ phim được đón nhận

Bộ phim ra rạp vào tháng 10 - một thời điểm không trùng với bất cứ dịp lễ nào trong năm nhưng vẫn gây sốt phòng vé với doanh thu 70 tỷ đồng sau một tháng. Sau ngày đầu công chiếu (2/10) cộng với hai ngày chiếu sớm trước đó, bộ phim của đạo diễn Victor Vũ thu hút 110.000 lượt xem ngoài rạp. Trong một tuần đầu, khán giả thường xuyên phải xếp hàng mua vé và xếp hàng vào rạp trước 30 phút. Tại Liên hoan phim Việt Nam 2015, "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" giành giải thưởng Bông Sen Vàng đúng như dự đoán của khán giả và giới chuyên môn.

Lý giải về việc phim được đón nhận nồng nhiệt, đại diện nhà sản xuất và đơn vị phát hành cho rằng "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" thành công khi chạm được đến cảm xúc khán giả.

"Trong đoạn video ngắn ghi lại những phản ứng của khán giả tại rạp, có người đã rơm rớm nước mắt, có người thổn thức và bật khóc khi bất chợt gặp lại hình ảnh chính mình của ngày xưa. Bên cạnh đó cũng có những tiếng cười sảng khoái trước các tình huống đáng yêu, ngô nghê của những đứa trẻ", đại diện phát hành cho biết. Theo lời một đạo diễn hình ảnh, "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" còn ấn tượng bởi những góc quay đẹp.

Bộ phim được đạo diễn kiêm biên kịch Việt Linh chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Phim lấy bối cảnh làng quê Nam Trung bộ những năm cuối 1980, xoay quanh mối quan hệ của hai anh em Thiều (Thịnh Vinh) - Tường (Trọng Khang) với Mận (Thanh Mỹ).

Trong khung cảnh là một ngôi làng nhỏ với những mối quan hệ khá phức tạp giữa người với người, người với vật, người với ma, người với sự đói kém, nhân tai, thiên tai, đạo diễn Victor Vũ kể lại một câu chuyện với mạch phim nhẹ nhàng. Anh cũng chú ý giữ trọn vẹn tinh thần trong sáng trong tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

"Em là bà nội của anh" ra rạp tuần đầu của tháng 12. Phim được chuyển thể từ kịch bản Hàn Quốc, kể về cuộc phiêu lưu ngược dòng thời gian trở lại tuổi 20 của bà Đại (NSƯT Minh Đức, diễn viên Miu Lê). Trong hình hài một cô gái, bà Đại có cơ hội sống lại trọn vẹn tuổi thanh xuân của mình, làm những điều mà trước đây bà ao ước nhưng không dám. Sự không ăn khớp giữa hình hài một cô gái 20 với tâm hồn của bà già 70 khiến nhân vật chính gặp nhiều tình huống dở khóc, dở cười trong cuộc sống.

Nhà sản xuất cho biết trong tuần đầu công chiếu, phim đạt doanh thu 16,5 tỷ đồng, được hơn 150.000 khán giả đón nhận.

Poster phim "Em là bà nội của anh".

Bộ phim của Phan Gia Nhật Linh thành công nhờ các yếu tố: dàn diễn đẹp, diễn xuất đồng đều, cảnh quay đẹp, âm nhạc hay. Các ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được xử lý tinh tế trong nhiều cảnh phim, mang lại sự hòa trộn về cảm xúc lắng đọng mà vẫn trẻ trung, tươi mới. Khán giả cảm nhận được phong cách retro hay vintage (gợi nhắc về thời quá khứ) được xử lý hài hòa cùng gam màu của đời sống hiện đại.

Diễn xuất của Miu Lê, Thu Trang, Ngô Kiến Huy hay NSƯT Thành Nam khiến khán giả khóc cười với nhân vật và các tình huống. Bộ phim cũng để lại dư âm ngọt ngào sâu lắng về sự trân quý những giá trị gia đình giữa nhịp sống xô bồ thời hiện đại.

"Đập cánh giữa không trung" - bộ phim được coi là thành công tiêu biểu của dòng phim độc lập. Kinh phí thấp do tự huy động nhưng đạo diễn Vũ Hoành Điệp dũng cảm khai thác đến cùng một chủ đề được coi là gai góc. Đó là tình yêu, tình dục và nỗi cô đơn tuổi vị thành niên qua câu chuyện của một cô gái trẻ mang bầu.

Một chàng trai chuyển giới, một cô gái trẻ yêu và khao khát đầy bản năng, những người trẻ với khát vọng lớn lao trên nền những khu nhà trọ ổ chuột ẩm thấp và u tối. Bộ phim chạm đến chiều sâu cảm xúc của khán giả khi đào sâu những lẩn khuất, khát khao thật sự của người trẻ đằng sau vẻ nổi loạn và quậy phá. Qua đó phản ánh một thời đại đầy biến động mà những con người nhỏ nhoi bất lực trước khát vọng của mình.

Sau khi giành giải "Phim hay nhất" của Liên đoàn các nhà phê bình phim châu Âu và Địa Trung Hải (FEDEORA) tại Tuần phê bình phim quốc tế Venice tháng 9/2014, "Đập cánh giữa không trung" về Việt Nam để ra mắt khán giả chuộng dòng phim độc lập. Ra rạp Việt cuối tháng 1, phim của nữ đạo diễn kiêm nhà sản xuất Nguyễn Hoàng Điệp được người hâm mộ đón nhận rộng rãi. 

"Trúng số" là bộ phim dựa trên câu chuyện có thật năm 2011, xoay quanh cuộc sống thường ngày của một nhóm người lao động lam lũ ở miền Nam. Mọi việc trở nên đảo lộn khi một người đàn ông vừa mãn hạn tù trúng vé số độc đắc. Không có cảnh anh em, cha mẹ, họ hàng, con cái tan đàn xẻ nghé vì tranh giành của cải như nhiều phim Việt khác. Các nhân vật trong phim đều ứng xử nhân văn khi tự dưng có trong tay một số tiền khổng lồ. Phim kết thúc nhẹ nhàng để lại dư âm ngọt ngào như một câu chuyện cổ tích thời hiện đại với diễn xuất của Dustin Nguyễn, Ninh Dương Lan Ngọc, Chí Tài và Thu Trang.

Tạo được cơn sốt nhỏ với công chúng, phim có ngân sách 7 tỷ thu về 27 tỷ đồng. Hồi tháng 10, phim cũng được lựa chọn là đại diện Việt Nam tham dự vòng sơ tuyển Oscar "Phim nói tiếng nước ngoài" nhưng không vào danh sách rút gọn.

Một phim khác là "Lật mặt" của đạo diễn Lý Hải ra rạp hồi tháng 5 hấp dẫn người xem bởi các cảnh hành động ly kỳ pha lẫn tình huống hài hước. Đằng sau đó là bài học sâu lắng về lòng nhân ái của con người trong bất cứ hoàn cảnh khốc liệt nào.

Câu chuyện của "Lật mặt" xoay quanh cuộc đời nhân vật chính tên Khải. Với khát vọng đổi đời, Khải (Lý Hải đóng) cùng bạn thân là Thắng (Tiết Cương) tham gia vào nhóm tìm đá quý. Từ một thanh niên nghèo bỗng sở hữu một khối tài sản lớn, Khải bị truy đuổi gắt gao bởi những kẻ có dã tâm cướp của. Anh cũng đồng thời phải trốn chạy Công an vì bị nghi gây ra cái chết cho Thắng. Hành trình chạy trốn của Khải có sự đồng hành của Toàn (Trường Giang) - một anh xe ôm tỉnh lẻ khù khờ và ngốc nghếch. Sự nhiệt tình quá mức của Toàn đẩy cả hai vào nhiều tình huống dở khóc, dở cười.

Sau khi ra rạp, bộ phim nhận được nhiều lời khen của giới chuyên môn và khán giả. Với tác phẩm điện ảnh thứ hai này, Lý Hải trong vai trò nhà sản xuất - đạo diễn - diễn viên đã thu về 25 tỷ đồng sau một tuần ra rạp. Theo tiết lộ của đạo diễn, sau hơn một tháng công chiếu, phim thu được 70 tỷ đồng, gấp bảy lần số vốn đầu tư ban đầu.

Hiệu ứng tích cực từ dàn diễn viên

Đầu tiên phải kể đến phim "Quý tử bất đắc dĩ". Bộ phim ra mắt vào tháng hai trùng với dịp Tết Nguyên đán 2015. Câu chuyện xoay quanh cuộc tìm kiếm đưa con trai bị thất lạc của bà Hai Mùi (Việt Hương) - chủ sở hữu một tiệm bánh canh nổi tiếng trong vùng. Tin tức về sự giàu có chóng vánh của bà đã lọt đến tai một số người xấu với những tính toán vật chất. Không hẹn mà gặp, họ trở thành những quý tử bất đắc dĩ đến nhận mẹ.

Với linh cảm của một người mẹ, bà Hai Mùi cùng ông Minh (Hoài Linh) bàn bạc một kế hoạch "truy tìm thân phận thật sự" nhằm tìm lại đứa con chính hiệu. Cho đến lúc cậu con trai nhận ra người mẹ thất lạc năm xưa cũng là lúc bà Hai Mùi rơi vào tình thế nguy hiểm đến tính mạng.

Poster phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh".

Ra rạp trùng thời điểm với "Trúng số" - bộ phim nhận được nhiều lời khen của giới chuyên môn về nội dung, cách kể chuyện và thông điệp nhân văn nhưng "Quý tử bất đắc dĩ" vẫn dẫn đầu về doanh thu phòng vé. Theo thông tin từ nhà sản xuất, sau 10 ngày ra rạp, bộ phim thu hút khoảng 300 nghìn lượt khán giả, đạt doanh thu gần 30 tỷ đồng. Doanh thu cuối cùng của phim trong mùa chiếu Tết là 44 tỷ đồng, cao nhất so với bốn phim ra rạp cùng thời điểm là "Ngày nảy ngày nay", "Trúng số", "Hợp đồng bắt ma" và "Siêu nhân X".

Sức hút của "Quý tử bất đắc dĩ" đến từ danh tiếng của danh hài Hoài Linh cùng con trai Hoài Lâm trong vai trò nhân vật chính. Dàn diễn viên bao quanh đều là những tên tuổi "đình đám" của làng hài như Việt Hương, Trấn Thành, Tấn Beo. Khi nhà sản xuất công bố doanh thu cuối cùng, đạo diễn Lê Hoàng cho biết anh không lấy làm ngạc nhiên. "Phim có Hoài Linh là chắc thắng", đạo diễn khẳng định.

"Yêu" là dự án phim về đề tài đồng tính nữ hiếm hoi của điện ảnh Việt Nam ra mắt vào tháng 11. Tác phẩm được lấy cảm hứng từ phim tuổi mới lớn "The Love of Siam" của Thái Lan. Phim là tác phẩm đầu tay của đạo diễn Việt Max - người đi lên từ nghề đạo diễn video ca nhạc.

Theo công bố của nhà phát hành, tác phẩm thu về 12 tỷ đồng sau ba ngày ra mắt. Doanh thu ngày đầu của phim đạt năm tỷ đồng, trong đó một suất chiếu đặc biệt của bộ phim bán được một tỷ đồng tiền vé. Những suất chiếu của phim trong các hệ thống rạp toàn quốc khá dày và thu hút người xem. Đây là thành công đáng kể với phim tâm lý lãng mạn, gắn nhãn 16+ (phim có cảnh hôn của hai cô gái).

Dù phân làm hai luồng dư luận khen - chê, giới chuyên môn cũng như khán giả đều thừa nhận phim Yêu chạm đến cảm xúc người xem nhờ những khoảnh khắc đẹp diễn tả tình yêu đồng giới, tình bạn bè cũng như tình cảm gia đình. Phim có sức hút còn nhờ sự xuất hiện của Chi Pu - Gil Lê. Cả hai dính tin đồn hẹn hò hơn một năm trước khi bộ phim ra mắt.

Bộ phim "Chàng trai năm ấy" lấy cảm hứng từ số phận của ca sĩ quá cố - Wanbi Tuấn Anh, phim dõi theo những ngày cuối đời của một ngôi sao trẻ mắc bệnh ung thư. Sơn Tùng M-TP đóng vai nam chính. Ngoài câu chuyện gây xúc động về cái chết trẻ thương tâm của một tài năng, phim vẽ ra thế giới của những người làm hậu trường showbiz.

Dù phim không có điểm nhấn nhưng sức hút của Sơn Tùng M-TP trong vai nam chính cùng dàn diễn viên đẹp trai - xinh gái như Hứa Vĩ Văn, Phạm Quỳnh Anh… khiến "Chàng trai năm ấy" thu về 70 tỷ đồng khi ra rạp hồi tháng 1. Diễn xuất tự nhiên của Sơn Tùng M-TP giúp ca sĩ đoạt giải "Diễn viên triển vọng" ở Cánh Diều 2015. "Chàng trai năm ấy" sau đó được mời tham dự một số liên hoan phim ở khu vực Đông Nam Á. 

Minh Châu
.
.