Bóng đá Việt Nam còn nhiều điều phải học hỏi

Thứ Tư, 14/08/2019, 17:58
Francisco Lopez từng là Giám đốc tài chính cho Barcelona từ năm 2003-2008. Ông từng giữ nhiều vị trí quản lý tài chính cho các tập đoàn lớn trước khi trở thành giám đốc kinh doanh toàn cầu cho City Football Group (công ty điều hành Man City, New York City, Melbourne City, Girona, Yokohama F.Marinos, Atletico Torque, Shichuan Jiuniu).


Năm 2018, Francisco Lopez rời vị trí của mình ở City Football Group để trở thành một chuyên viên tư vấn tài chính tự do. Ông đi vòng quanh thế giới để chia sẻ những kinh nghiệm của mình về việc xây dựng và phát triển những mô hình CLB bóng đá. 

Năm 2015, lần đầu tiên Lopez đến Việt Nam tham quan cơ sở vật chất và điều kiện tổ chức của một số đội bóng tại V.League. Ông là người có tiếng nói quan trọng trong việc đưa Man City sang Việt Nam du đấu năm 2015. 

Đầu tháng 8-2019, Francisco Lopez vừa trở lại Việt Nam. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ngắn về góc nhìn của Lopez về bóng đá Việt Nam và sự khác biệt so với mô hình tổ chức các CLB hàng đầu châu Âu với những đội bóng đang thi đấu ở V.League.

Tự "đãi cát tìm vàng"

PV: Là một người có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý, điều hành hoạt động của các đội bóng lớn, ông có nhận xét gì về mô hình vận hành các CLB tại V.League hiện nay?

Francisco Lopez: Tôi biết bóng đá Việt Nam đã chuyên nghiệp hóa từ nhiều năm nay, nhưng thành thật mà nói, các bạn còn một khoảng cách xa so với những đội bóng lớn tại châu Âu. Tất nhiên, điều tôi muốn nói đến không phải là trình độ mà là mô hình quản lý. 

Các CLB lớn nhất trên thế giới bây giờ đều hoạt động theo mô hình của một công ty, nghĩa là có ban lãnh đạo và các phòng ban với chức năng rõ ràng. Họ làm những công việc cụ thể được phân công và chịu trách nhiệm trước người đứng đầu.

Tôi thấy các giám đốc điều hành ở Việt Nam làm quá nhiều việc. Họ xắn tay vào mọi lĩnh vực, mọi vấn đề liên quan như marketing, sắp xếp lịch, chuyện ăn ở di chuyển rồi cả tuyển mộ cầu thủ. Dĩ nhiên họ có ê kíp của mình, nhưng tôi thấy dấu ấn của những người giúp việc cho giám đốc khá mờ nhạt.

Bạn chắc không lạ gì Uli Hoeness, người được xem là “đại tổng quản” của Bayern, nhưng ông ấy chủ yếu là người đưa ra quyết định thôi. Dưới Uli là một đội ngũ rất nhiều chuyên gia tham vấn và ông ấy luôn có được những gợi ý thiết thực nhất trước khi “chốt” một việc nào đó. Đó là cách quản lý, vận hành một đội bóng chuyên nghiệp. Tất cả phải nằm trong một guồng quay và khi có vấn đề phát sinh, người điều hành sẽ biết ngay nó nằm ở mắt xích nào để đưa ra cách giải quyết phù hợp nhất.

Francisco Lopez.

PV: Ông có thể đi sâu vào một vấn đề để cho thấy sự khác biệt của các đội bóng tại V.League so với các CLB hàng đầu tại châu Âu mà ông từng biết hoặc làm việc?

Francisco Lopez: Ví dụ như chuyện tuyển mộ cầu thủ. Tôi thấy nhiều cầu thủ nước ngoài tự đến Việt Nam hoặc thông qua một trung gian để xin thử việc tại các CLB. Họ được tạo điều kiện thể hiện năng lực bản thân trong vài tuần, nếu thể hiện tốt sẽ được ký hợp đồng. 

Cách làm này rất hiếm khi xảy ra ở bóng đá châu Âu. Lấy gì để đảm bảo một cầu thủ có thể cho thấy hết tiềm năng trong vòng vài tuần, nhất là khi anh ta phải làm quen với môi trường mới, múi giờ khác biệt và cả phong cách bóng đá hoàn toàn lạ lẫm?

Tất cả các đội bóng lớn tại châu Âu đều có một đội ngũ tuyển trạch viên ở khắp nơi trên thế giới. Nhưng bạn đừng nhầm “khắp nơi” là ở đâu cũng có nhé. Ở trình độ hàng đầu, các đội bóng sẽ bố trí các tuyển trạnh viên ở những quốc gia có nền bóng đá trình độ tương đương. 

Còn nếu tìm “ngọc thô”, họ sẽ lựa chọn những nơi mà cơ hội tìm ra một tài năng lớn nhất, ví dụ như Brazil, Argentina, Pháp hay Hà Lan. Nói nôm na, các đội bóng thích “đãi cát tìm vàng” hơn là chờ “vàng” tự rơi vào túi hay thông qua một tay trung gian nào đó. Khi một cái tên nào đó được nhắc đến trên báo giới, có nghĩa là các tuyển trạch viên phải nắm rõ tất cả các thông số cá nhân của họ rồi.

Hệ thống tuyển trạch viên của các đội bóng lớn hoạt động rất chi tiết và phục vụ mong muốn của HLV. Ví dụ Pep Guardiola bảo ông ta cần một cầu thủ chạy cánh trẻ tuổi, cầm bóng tốt và thích xâm nhập vòng cấm… thì các tuyển trạch viên sẽ lên ngay vài phương án để Pep lựa chọn. Ông ấy đến trực tiếp thẩm định chất lượng họ hay không thì tùy.

Các đội bóng Việt Nam chưa có được hệ thống tuyển trạch như vậy. Tôi tự hỏi vì sao các CLB tại V.League không chủ động tìm nguồn ngoại binh từ những nền bóng đá tương đồng về trình độ ở ngay bên cạnh như Thái Lan, Malaysia, Indonesia,… Cách tuyển chọn ngoại binh như hiện tại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và khó làm cho nền bóng đá phát triển ổn định.

Xã hội hóa bóng đá có thể đem lại lợi ích khổng lồ

PV: Duy trì một hệ thống tuyển trạch viên sẽ khiến các đội bóng phải chi ra rất nhiều tiền, trong khi các đội bóng tại V.League phần lớn đều gặp khó khăn về mặt tài chính. Họ phụ thuộc phần lớn vào các nhà đầu tư, trong khi khoản thu trực tiếp từ bóng đá như bản quyền truyền hình hay kinh doanh thương hiệu chưa thực sự phát triển.

Francisco Lopez: Tôi rất hiểu điều đó. Ở Việt Nam, mọi thứ mới ở điểm bắt đầu. Các đội bóng chưa thể trở thành một thương hiệu vững mạnh tầm cỡ như Barcelona, Real Madrid hay M.U. Thậm chí việc làm thế nào để nhận diện thương hiệu cũng là bài toán khó.

Các nhà đầu tư cần nhìn ra lợi thế của mình để chi tiền cho các CLB. Tôi lấy ví dụ ở Nhật Bản, các tập đoàn lớn đặt quảng cáo áo đấu với các CLB dựa vào lượng rating các trận đấu tại J.League trên tivi. Họ thậm chí chẳng cần quan tâm lượng CĐV đến sân là bao nhiêu. Một trận đấu được phát sóng trên tivi sẽ giúp thương hiệu của họ gắn trên áo đấu của các cầu thủ, được nhận diện tốt hơn bất cứ một chiến lược truyền thông, quảng cáo nào.

Bóng đá ở Việt Nam chưa làm được như vậy. Các đội bóng hầu hết đều chưa khai thác thương hiệu của mình một cách tối đa. Chính vì thế phần lợi nhuận thu lại từ bóng đá không được như mong muốn. Tôi biết rằng sự thành công của đội tuyển quốc gia Việt Nam mấy năm gần đây đã lôi kéo lại khán giả tới sân theo dõi giải vô địch quốc gia. Nhưng như thế vẫn là chưa đủ, bài toán kinh tế đặt ra là phải xây dựng song song sự phát triển về mặt chuyên môn với phát triển về mặt tài chính.

Các đội bóng phải tự kiếm ra tiền để xoay vòng với chi phí bỏ ra thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào ví tiền của các ông chủ, đó mới là chiến lược phát triển dài hạn.

Các đội bóng Việt Nam có thể học hỏi theo mô hình của Barcelona?

PV: Từng là CFO Barcelona dưới thời Laporta, ông có thể nói thêm về mô hình xây dựng đội bóng của Barcelona, liệu có gì để bóng đá Việt Nam có thể học tập?

Francisco Lopez: Tại La Liga có bốn đội bóng thuộc về cộng đồng và được tổ chức bởi cộng đồng là Barcelona Real Madrid, Osasuna và Athletic Bilbao. Các đội bóng này thuộc quyền sở hữu của hàng ngàn các hội viên (socios). Chủ tịch đội bóng sẽ do các hội viên bầu ra và có thể bị phế truất nếu như không nhận được sự tín nhiệm.

Họ ban đầu chỉ đại diện cho một cộng đồng nhỏ, như Barcelona đại diện cho xứ Catalunya. Nhưng họ đã phát triển vượt bậc khi khái quát tính riêng biệt của cộng đồng trở thành giá trị biểu tượng của đội bóng. Khi đội bóng trở thành một niềm tự hào của cộng đồng thì nguồn lực mà họ nhận được về cả vật chất lẫn tinh thần là không gì có thể đo đếm được.

Tôi cho rằng mỗi một người sinh ra đều có sẵn niềm tự hào về bản thân và gốc gác của mình. Các đội bóng của Việt Nam bây giờ đều gắn với tên thành phố của họ. Đó là điểm thuận lợi nếu muốn phát triển theo mô hình xây dựng một đội bóng cộng đồng. Nhưng họ phải tìm ra được cái riêng biệt để khái quát thành một hệ giá trị chung mang tính biểu tượng và bền vững. Nếu khai thác được nguồn lực từ xã hội, tôi tin chắc rằng các đội bóng Việt Nam sẽ nhanh chóng có được tầm vóc lớn hơn bây giờ rất nhiều. 

Đơn Ca
.
.