Đồng bào Pa Cô ở Tà Long mong lắm một cây cầu

Thứ Ba, 28/02/2023, 08:07

Nhiều hộ dân là đồng bào dân tộc Pa Cô ở các bản Trại Cá, Pa Hy, xã Tà Long, huyện Đakrông (Quảng Trị) hằng ngày phải dùng săm xe ôtô bơm đầy hơi vượt sông Đakrông để sang bên kia làm nương rẫy. Mong ước có một cây cầu bắc qua dòng sông này đã trở thành ước nguyện thúc bách hàng chục năm qua của nhiều người.

5h sáng, bản Pa Hy vẫn còn chìm trong biển sương mù dày đặc nhưng anh Hồ Huy (47 tuổi) đã trở dậy. Bên bếp củi đượm hồng giữa căn nhà, vợ anh là chị Hồ Thị Thẻo (23 tuổi) đã lúi húi chuẩn bị cơm cho chồng đi làm rẫy. Anh Huy âu yếm nhìn vợ, cho nắm cơm vào bao tải rồi đi ra phía sau nhà để lấy chiếc săm xe ôtô đã bơm đầy hơi cùng 3 tấm ván dài, sau đó men theo con đường bê tông để đi xuống bến sông Đakrông. Trên đường đi, anh nói với tôi rằng, gia đình anh trồng được gần 2ha tràm hoa vàng khoảng 3 năm tuổi bên kia sông. Đến mùa phát thực bì, anh phải dậy từ sớm để vượt sông sang rẫy trồng cây cho đến tối mịt mới quay về bản cũng trên chiếc săm xe ôtô này.

“Hiện tại, các công trình thủy điện trên sông Đakrông đang tích nước nên mặt nước sông thu hẹp, việc qua lại của người dân bản Pa Hy đỡ vất vả, nguy hiểm hơn. Song, đến mùa mưa lũ, mặt nước sông trở nên rộng mênh mông, cuồn cuộn chảy đục ngầu, lúc ấy người dân bản Pa Hy cũng như các bản làng khác của xã Tà Long không ai dám vượt sông để làm nương rẫy”, anh Huy cho biết và chia sẻ thêm, đời sống của người dân bản ở đây còn nghèo, không phải ai cũng có tiền mua sắm thuyền để vượt sông, phần lớn phải vượt sông bằng săm xe ôtô. Tuy nhiên, vào mùa mưa, nước dâng cao thì đành phải ngồi nhà.

Đồng bào Pa Cô ở Tà Long mong lắm một cây cầu -0
Dòng sông Đakrông,

Tôi để ý, anh Huy cho săm xe ôtô bơm đầy hơi xuống nước, sau đó gác 2 tấm ván dài lên chiếc săm rồi nhẹ nhàng ngồi lên. Khi đã ngồi vững, anh liền dùng thanh ván còn lại làm mái chèo để từ từ vượt sông. Phải mất hơn 20 phút anh Huy mới chèo chống được qua bờ bên kia.

Trời dần sáng, ở bến sông này có đông người vượt sông hơn, trong đó có khá nhiều phụ nữ. Và, khi bà con chuẩn bị ngồi lên những chiếc săm xe ôtô để vượt sông, thì cũng là lúc các Công an viên của thôn có mặt để dặn dò bà con phải cẩn thận, nhất là phải mặc áo phao cứu sinh để đề phòng bất trắc, đảm bảo an toàn tính mạng. Ông Hồ Văn Thương, Phó Trưởng thôn Pa Hy cho biết, bản có 70 hộ dân với 191 nhân khẩu (đều đồng bào dân tộc Pa Cô) thì có đến 90 % số hộ có nương rẫy ở bên kia sông. Không có cầu dân sinh bắc qua sông nên bao nhiêu năm nay người dân bản Pa Hy muốn làm nương rẫy chỉ còn cách vượt sông bằng săm xe ôtô. Nhà nào có điều kiện thì mua sắm thuyền loại nhỏ để sang sông nhưng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ông Lê Đại Lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông chia sẻ, trên địa bàn không chỉ có địa phương Tà Long cần cầu dân sinh bắc qua sông Đakrông để đi lại thuận lợi, an toàn và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ở các bản Trại Cá, Pa Hy của xã này với số dân nhiều hơn so với những điểm dân cư khác, nước sông chảy qua đây rất… hỗn, nhất là vào mùa mưa lũ, nên mong muốn của chính quyền, người dân địa phương là rất chính đáng và cấp bách.

“Do nguồn kinh phí đầu tư công của huyện còn nhiều hạn hẹp, khó khăn nên chưa thể đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng nói chung, cầu bắc qua sông Đakrông đoạn qua Trại Cá, Pa Hy nói riêng để phục vụ đi lại, phát triển cho người dân. Do đó, bên cạnh những nỗ lực của chính quyền địa phương, việc xây cầu ở đây rất cần sự giúp đỡ, đóng góp của các cá nhân, tổ chức hảo tâm trong và ngoài tỉnh”, ông Lợi chia sẻ mong muốn.

Thanh Bình
.
.