Ăn Tết nơi Đất Mũi Cà Mau

Thứ Sáu, 09/02/2024, 08:20

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, chúng tôi có chuyến tác nghiệp ở Ngọc Hiển, huyện cực Nam Tổ quốc. Tiếp chúng tôi, ông Tư Trực (Nguyễn Công Trực, ngụ xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) rót ly trà rồi bước đến vách tường xé tờ lịch, tặc lưỡi: “Chà. Chỉ còn ít ngày nữa là Tết rồi đó mấy đứa à”.

Ở tuổi ngoài 80, ông Tư Trực chia sẻ: “Ai nói già không ham Tết, chớ bác thì năm nào cũng vậy, hễ gió chướng chín ngọn thì trong lòng thấy khoan khoái, thơi thới. Những lúc Tết sắp về, ngó đâu ở quê hương mình cũng đẹp; cây đước, cây mắm, dòng sông, mặt người ai nấy đều tươi tắn, rạng rỡ. Ông bà mình dạy rồi, Tết là ăn Tết, là vui Tết, còn những thứ bộn bề thì tạm gác lại, vậy đó”.

Ăn Tết nơi Đất Mũi Cà Mau -0
Những năm gần đây, nhiều khách du lịch trên mọi miền Tổ quốc chọn Đất Mũi để vui Xuân, đón Tết.

Cái thuở đường về xứ này chưa có đường giao thông trên bộ (chưa xa lắm, vì đến năm 2015, cầu Năm Căn mới xoá thế đò giang cách trở của Ngọc Hiển), chúng tôi thường bâng khuâng thả dòng suy nghĩ trên những chuyến tàu đò dập dềnh sóng nước, qua những doi vịnh đã thành ký ức, niềm thương nhớ của bao người Cà Mau như: Kinh xáng Đội Cường, chợ Chà Là, chợ Cái Keo, chợ Cả Nẩy, xuôi dòng Cửa Lớn về tận Mũi Cà Mau. Cũng từ những dòng sông, phù sa lấn đất, thêm rừng, mở mang bờ cõi. Người Cà Mau cũng theo đó mà hồn hậu, thuỷ chung như chồi mắm, rễ đước, sống chết gìn giữ, dựng xây nên hình hài, vóc dáng quê hương. Mấy trăm năm mở đất, lớp lớp tiền nhân đã chọn cho mình tâm thế không phải làm chủ, mà là hài hoà máu thịt với thiên nhiên Cà Mau. Xứ biển, rừng Cà Mau giàu có, trù phú đã nuôi nấng, chở che, bao bọc những bước chân người đầu tiên về đây với 2 nghề khởi thuỷ: “Nhất phá sơn lâm, nhị đâm hà bá”. Thiên nhiên ưu đãi, cái ăn, cái mặc, cái ở không quá bận tâm, vậy nên người Cà Mau luôn hào sảng, phóng khoáng, có thể là xuề xoà, nhưng đạo lý, nhân nghĩa, bộc trực và đặc biệt là hiếu khách. Về Cà Mau, du khách đừng ngạc nhiên khi một gia chủ nào đó đón chào mình như người ruột rà thân thiết. Vì vậy mà nhiều người muốn về Cà Mau, một lần, nhiều lần và không ít người xứ xa chọn Cà Mau để gắn bó trọn đời mình.

Những năm xưa cũ, mùa Tết, những bến sông chợ bừng lên một không khí tươi vui, rộn rã. Từ khắp các ngả sông, người dân đi chợ sắm Tết bằng xuồng, ghe, vỏ lãi tấp nập như mở hội. Nói như lời ông Tư Trực: “Tết mà! Giàu cũng như nghèo, ai cũng muốn chuẩn bị cho 3 ngày Tết đủ đầy, sung túc!”. Ngày 23 tháng Chạp, nhà nhà tiễn đưa ông Táo về trời. Từ thời điểm này, người ta đếm ngược là lối “hăm mấy Tết”. Rồi đến ngày cuối cùng của năm âm lịch (29 hoặc 30 Tết tuỳ từng năm) lại làm lễ rước ông bà về ăn Tết. Đêm giao thừa, những ước vọng năm mới theo khói hương của mâm cúng tất niên rì rầm, vang vọng nhà nhà. Tết là thời điểm tưởng nhớ, tri ân công lao của tổ tiên, của tiền nhân;  là thời điểm người đi đâu cũng muốn quay về gia đình, về nguồn cội.

Ăn Tết nơi Đất Mũi Cà Mau -0
Công an xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) tuần tra bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân vui xuân, đón Tết.

Món ngon ngày Tết của Cà Mau vừa có điểm chung, vừa mang nét phóng khoáng riêng có của từng vùng. Như bên rừng tràm, vùng ngọt, ngoài những thứ như dưa cải tùa xại, thịt heo kho, bánh tét thì có thêm mấy con cá lóc nướng trui, rổ rau đồng non mướt. Phía bên rừng đước, đãi khách có thêm đĩa tôm khô, bánh phồng tôm, ba khía muối và các loại thuỷ, hải sản lúc nào cũng sẵn.

Những mùa Tết gần đây, dòng người về với Mũi Cà Mau đón Tết, vui Tết, trải nghiệm Tết ở chóp đất thiêng liêng cực Nam Tổ quốc ngày càng đông. Chú Nguyễn Văn Nhuần (ngụ ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) chủ homestay du lịch tự hào chia sẻ về quê hương: “Mùa Tết là mùa du lịch. Từ khi Đất Mũi mở mang phát triển du lịch, Tết của bà con xứ mình cũng thêm phần rộn rã”. Bà con Đất Mũi làm du lịch cũng có khác hơn: “Mình ăn Tết, khách du lịch cũng ăn Tết, nên thứ nhất là giá cả phải giữ nguyên như thường. Thêm cái nữa, mình mời khách cùng chung vui không khí vui xuân, đón Tết, cùng ăn Tết với gia đình, với người dân Đất Mũi luôn”. Những người bạn của chúng tôi, từng trải nghiệm Tết du lịch ở Đất Mũi thì gửi lại cảm xúc thắm thiết: “Đi du lịch dịp Tết mà được ăn Tết cùng bà con luôn, được đãi đằng, tiếp đón quá nhiệt tình. Không chỉ vậy, có cả quà gửi về “ăn lấy thảo” của bà con nữa, thiệt là say cảnh, say tình, về rồi còn lưu luyến mãi”.

Trung tá Huỳnh Thanh Trung, Trưởng Công an xã Đất Mũi chia sẻ: “Anh em trực Tết được bà con rất quan tâm, gửi quà ăn Tết. Tình cảm của bà con Đất Mũi như thế nên chúng tôi động viên phải làm thật tốt nhiệm vụ của mình, bảo đảm an toàn, an ninh cho bà con và du khách khi đến với Đất Mũi”. Lực lượng Công an đã trở thành điểm tựa vững chắc cho bà con vừa vui Xuân đón Tết, vừa phấn chấn cho mùa du lịch sôi nổi, bội thu. Có du khách đến Mũi Cà Mau rất nhiều lần từng thổ lộ rằng: “Ở Đất Mũi an toàn, thân thiện. Chưa bao giờ thấy, nghe ai đó nói mất an ninh trật tự, hay các loại tội phạm như: móc túi, cướp giật hoặc chèo kéo, chặt chém khách”.

Ăn Tết nơi Đất Mũi Cà Mau -0
Mâm cơm ngày Tết ở Đất Mũi chủ yếu là sản vật địa phương.

Mũi Cà Mau bây giờ không chỉ là lựa chọn để du lịch thuần tuý của nhiều người, nhất là dịp Tết, dòng người đến Đất Mũi trong tâm thế của người hành hương để trở về, tìm về với nơi chốn thiêng liêng. Ở nơi biển, trời, đất đai cương thổ của đất nước gặp nhau, ai ai cũng dâng trào trong lòng niềm tự hào về nước Việt Nam. Ở Mũi Cà Mau, khách về để tưởng nhớ, tri ân Quốc tổ Lạc Long Quân, Quốc mẫu Âu Cơ đã sinh ra trăm trứng, là nguồn cội chung của dân tộc. Ở đây, biểu tượng Cột cờ Hà Nội như nối gần thêm trái tim Thủ đô với Mũi Cà Mau – Mũi tàu Tổ quốc. Người về hít đầy lồng ngực trong veo, xanh vời vợi của rừng đước bao la, của hạt phù sa phía bãi bồi nhẫn nại lắng mình mở đất. Người về để cảm, để thấm thêm câu hát: “Về Cà Mau, thấy đất trời thêm rộng lớn”.

Năm 2023, Cà Mau có nhiều niềm vui lớn. Nay mai thôi, đường cao tốc sẽ nối mọi miền Tổ quốc về với Mũi Cà Mau. Ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau thông tin: “Đầu năm 2023, Khu du lịch Mũi Cà Mau được sắp xếp lại, trực thuộc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Từ diện tích gần 160ha, không gian quản lý, khai thác du lịch của Mũi Cà Mau lên đến 42.000ha”. Nhưng không chỉ du lịch, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau còn mang trên vai trọng trách của việc gìn giữ, bảo vệ, phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn của Cà Mau, của đất nước và của thế giới. Là người mang nặng tình yêu với Đất Mũi, ông Dũng tâm huyết: “Giữ được rừng, giữ được biển, giúp bà con địa phương làm ăn phát triển và phát triển bền vững, từ đó người dân chung sức bảo vệ, gìn giữ được hồn cốt, phong vị, bản sắc và hệ sinh thái đặc trưng của Mũi Cà Mau, đó mới chính là những điều lớn lao, lâu dài nhất”.

Mùa Tết năm nay, bà con vùng Mũi Cà Mau ăn Tết lớn. Nói như lời của bác Tư Trực: “Quê hương, đất nước mình phát triển thấy rõ, nói cho rành rọt là người dân ăn Tết năm sau lớn hơn Tết năm trước. Ăn Tết mà phấn khởi vậy thì năm sau, năm sau nữa sẽ tiếp tục tấn tới, tiến bộ hơn, nhà nhà, người người sung túc, khá giàu hơn”. Bên mâm cơm đãi khách, ông Tư Trực còn bồi hồi tự hào về quê hương Ngọc Hiển: “Ở xứ này, thời kháng chiến, người dân đói ăn trái mắm, khát thì cất từng lon nước ngọt uống, chớ không một ai phản bội cách mạng”. Trong cái nắng gió thênh thang của đất trời Mũi Cà Mau gọi Tết, bàn thờ Tổ quốc được trang hoàng tươm tất với cặp dưa đỏ, với chùm đèn màu nghiêm cẩn tôn lên hình ảnh lộng lẫy, thiêng liêng của chân dung Bác Hồ, của màu cờ Tổ quốc. Tết về thật rồi ở Mũi Cà Mau.

V. Đức – P. Nguyên
.
.