Sắp qua thời đem rác đi... chôn (!)

Thứ Bảy, 07/09/2019, 07:43
Trước hệ lụy với môi trường từ việc chôn lấp rác thải, TP HCM đặt mục tiêu sang năm 2020 sẽ giảm tỉ lệ chôn lấp xuống còn 50% và đến năm 2025 lượng rác thải đem chôn lấp của thành phố chỉ còn 20%.

Thực hiện mục tiêu này, thời gian gần đây thành phố đã quyết liệt trong việc hoàn thành các thủ tục pháp lý, cấp phép xây dựng cho các dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP HCM, lượng rác thải sinh hoạt của thành phố thải ra hàng ngày hiện đã ở mức hơn 9,2 ngàn tấn. Năm ngoái, thành phố thu gom, vận chuyển được hơn 3 triệu tấn rác thải và hơn 72% số rác được đem chôn lấp. 

Trong đó bãi rác Đa Phước thực hiện chôn lấp hơn 2 ngàn tấn/ngày; lượng rác đem chôn lấp tại Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Tây Bắc đạt khoảng 620 tấn/ngày. Số rác thải còn lại được đưa đi tái chế tại Công ty CP Vietstar với số lượng 1.400 tấn/ngày và tái chế tại Công ty CP Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa đạt hơn 1.200 tấn/ngày.

Thời gian qua, tuy các bãi chôn lấp rác thải được cho là hợp vệ sinh, song đã gây nhiều hệ lụy về mùi hôi, nước rỉ rác ra môi trường. Trong đó bãi rác Đa Phước liên tục gây mùi hôi cho các quận, huyện ở khu đô thị Nam Sài Gòn và nước rỉ rác tại đây cũng đã bắt đầu ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. 

Trước hệ lụy với môi trường từ việc chôn lấp rác thải, TP HCM đã đặt mục tiêu sang năm 2020 sẽ giảm tỉ lệ chôn lấp xuống còn 50% và đến năm 2025 lượng rác thải đem chôn lấp của thành phố chỉ còn 20%. Thực hiện mục tiêu này, thời gian gần đây thành phố đã quyết liệt trong việc hoàn thành các thủ tục pháp lý, cấp phép xây dựng cho các dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải.

Được thành phố cấp phép khởi công dự án nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ phân loại rác tự động để tái chế và đốt rác để phát điện với tổng vốn đầu tư khoảng 400 triệu USD vào ngày 28-8 vừa qua, ông Ngô Như Hùng Việt, Giám đốc Công ty CP Vietstar thông tin: Nhà máy xử lý rác thải của Vietstar đã được đưa vào vận hành từ năm 2010 với công suất 2 ngàn tấn rác/ngày; sản xuất được 7.500 tấn phân hữu cơ và 300 tấn nhựa PE/tháng tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, nay chủ đầu tư cải tiến hệ thống phân loại rác và tái chế mà không cần yêu cầu người dân phân loại tại nguồn. Với dự án mở rộng xử lý rác ngay tại khu vực diện tích 30ha có sẵn, Vietstar sẽ đầu tư toàn bộ hệ thống mới để tăng công suất xử lý từ 2.000 tấn rác hiện nay lên 6.000 tấn/ngày.

Vấn đề DN còn băn khoăn là có được thành phố chấp thuận “cắt” lượng rác thải đang đem đi chôn lấp hàng ngày để đưa rác về xử lý tại đây hay không. Theo ông Việt, công nghệ xử lý rác thải của Vietstar đã được Sở Khoa học - Công nghệ phê duyệt, quá trình xử lý hoàn toàn khép kín, từ lúc phân loại đến khi đốt rác phát điện nên không phát tán mùi hôi hoặc gây ô nhiễm không khí ra khu vực xung quanh.

Lãnh đạo TP HCM thị sát công nghệ đốt rác để phát điện đang được triển khai tại thành phố.

Tham gia đầu tư dự án đốt rác phát điện, ông Ngô Xuân Tiệc, Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa cũng cho hay, nhà máy xử lý và tái chế rác thải của Tâm Sinh Nghĩa đã bắt đầu hoạt động từ năm 2012 ở Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Tây Bắc với diện tích 20ha; công suất tiếp nhận, xử lý hiện nay là 1.300 tấn/ngày. 

Nếu như trước đây Tâm Sinh Nghĩa chỉ thực hiện tiếp nhận, phân loại để xử lý, sản xuất phân bón rồi đốt rác, xử lý tái chế chất dẻo và phần chất thải trơ còn lại đem chôn lấp… thì nay nay với công nghệ đốt rác phát điện của Đức, công suất xử lý của nhà máy sẽ được nâng lên 2 ngàn tấn/ngày. Công nghệ mới cũng cho phép Tâm Sinh Nghĩa kiểm soát triệt để mùi hôi, khép kín từ khâu tiếp nhận rác vào nhà máy đến nguồn khí xả thải. 

Với công suất này, nếu được cung cấp đủ lượng rác thải, nhà máy của Tâm Sinh Nghĩa sẽ sản xuất được 40MWh vả 400 tấn gạch/ngày. Đồng thời nguồn nước thải từ rác cũng sẽ được tái sử dụng toàn bộ.

Hưởng ứng chủ trương đốt rác phát điện của thành phố, thời gian gần đây một số DN cũng đã bày rỏ sự quan tâm đến việc đầu tư công nghệ xử lý rác thải hiện đại. Trong đó đáng chú ý còn có dự án điện rác Tasco ở huyện Củ Chi theo công nghệ của Hà Lan. 

Để biến rác thải thành phân hữu cơ ngay tại chỗ trong thời gian ngắn, nhiều hệ thống máy móc xử lý rác thải với công suất nhỏ phục vụ hộ gia đình và phục vụ xử lý rác cho tòa nhà, khu công nghiệp, DN, trường học, trung tâm thương mại… cũng đã được một số DN chào bán ra thị trường thành phố.

Với mong muốn góp phần xử lý triệt để hệ lụy từ các bãi chôn lấp rác thải, ngày 10-8 vừa qua, ông Nguyễn Công Hồng, Tổng Giám đốc Công ty TDH EcoLand đã có buổi tiếp xúc với lãnh đạo TP HCM để trình bày đề xuất biến các bãi chôn lấp rác thải đang đóng cửa và đang gây ô nhiễm thành các khu đô thị xanh. 

Cụ thể, ông Hồng đề xuất thành phố cho phép DN được bốc toàn bộ số rác chôn ở bãi rác Gò Cát và bãi rác Đông Thạnh lên để tái chế, tái sử dụng rồi xây dựng một khu đô thị xanh ngay trên các bãi rác này. 

Ông Hồng cho biết, cơ sở để DN đưa ra đề xuất này với thành phố dựa trên thực tế DN đã và đang xử lý thành công một bãi rác ở tỉnh Hải Dương với diện tích rộng 6,7ha; chứa hơn 1,2 triệu tấn rác và đã đóng cửa từ năm 2011. Theo ông Hồng, thời điểm DN nghiên cứu phương án xử lý bãi rác trên, khu vực xung quanh bãi rác đã ô nhiễm nặng, nước rỉ rác đã tràn ngập. 

Trong khi dó, việc vận chuyển số rác này sang nơi khác sẽ tiếp tục gây ô nhiễm nên bài toán đặt ra là DN chọn giải pháp cải tạo bãi rác tại chỗ; không làm phát sinh thêm ô nhiễm và cũng không làm phát sinh chi phí cho ngân sách. Quá trình biến bãi rác này thành khu đô thị, DN đã mời chuyên gia của Bộ TN&MTvà Bộ KH-CN đến giám sát việc xử lý và được đánh giá đạt các tiêu chuẩn về môi trường.

Nhắm đến việc cải tạo các bãi chôn lấp rác đang gây ô nhiểm ở TP HCM, ông Hồng khẳng định, DN sẽ thu gom và xử lý toàn bộ lượng nước rỉ rác đạt tiêu chuẩn, có thể dùng được. Trong vòng 2 năm, DN sẽ xử lý triệt để lượng rác ở bãi rác Gò Cát và 1 năm sau đó sẽ hình thành được khu đô thị xanh ngay chính bãi rác này. 

Theo ông Hồng, nếu sau khi xử lý xong bãi rác, thành phố quy hoạch làm công viên tại đó sẽ không tạo ra được nguồn lực cho phát triển thành phố và nguồn lực để tái đầu tư lại cho việc xử lý rác thải. Vì vậy, DN sẽ lập phương án, đề xuất giải pháp công nghệ xử lý rác cũng như đề xuất phương án đầu tư, cải tạo bãi rác thành khu đô thị xanh.

Trước đề xuất này cùa DN, Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng, khẳng định, sau khi cải tạo bãi rác sẽ hình thành một khu đất sạch. Việc đấu giá đất sẽ cho thu về khoản tiền lớn để chi trả lại số tiền DN đã chi phí cải tạo, xử lý bãi rác. 

Đồng tình với cách làm này, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan đề nghị các quận huyện cùng các sở ngành liên quan đề xuất hướng khai thác quỹ đất của các bãi rác sau khi xử lý. Trên cơ sở đó, UBND thành phố sẽ điều chỉnh quy hoạch tại các bãi rác để phục vụ phát triển đô thị.

Bày tỏ sự tin tưởng trước giải pháp này của DN, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân, cho rằng đề xuất của DN là khả thi. Ông đề nghị DN cùng tham gia với Sở TN&MT thành phố xây dựng các tiêu chí đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư xử lý các bãi rác đã chôn lấp. 

Giao trách nhiệm cho các sở ngành liên quan phải hoàn thành xây dựng tiêu chí phục vụ việc đấu thầu xử lý các bãi chôn lấp rác đang gây ô nhiễm trong vòng 3 tháng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các bên phải đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường; đảm bảo tính khả thi đối với nhà đầu tư và chi phí thấp nhất cho ngân sách. Đồng thời cho phép DN đề xuất giải pháp này được tham gia xử lý, cải tạo bãi rác; được đấu thầu thực hiện dự án phát triển đô thị tại các bãi rác sau xử lý.

Đ.Thắng
.
.