Người giúp nông dân 'bắt mạch' vụ mùa

Thứ Tư, 11/03/2015, 08:40
Hàng chục năm gắn bó với đồng ruộng, ông đã giúp người nông dân dự báo mùa vụ chính xác tới 80-90%. Ông là kỹ sư canh nông Nguyễn Văn Diêu, hiện đã nghỉ hưu và sống tại thôn Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng (Quảng Trị).

Mở đầu câu chuyện, ông Diêu bảo tôi: Trong sản xuất nông nghiệp, ngoài các yếu tố quan trọng như giống, phân bón, tưới tiêu, biện pháp thâm canh... để tăng năng suất cây trồng thì cách bố trí cơ cấu mùa vụ hợp lý luôn có tính quyết định đến năng suất cây trồng.

Mùa vụ được bố trí hợp lý đối với từng loại cây trồng sẽ là chìa kha quyết định thành bại của mùa vụ đó.

Ông cha ta từ xa xưa đã từng nói “Nhất thì - nhì thục”, hoặc “Làm ruộng phải thì - đi buôn phải chuyến”, với mục đích nhắc nhở người đời sau phải chú ý đặt mùa vụ lên hàng đầu và muốn xác định được mùa vụ đúng thì trước hết người nông dân phải hiểu đúng, hiểu tường tận điều kiện khí hậu, thời tiết tại địa phương mình để có thể khéo léo bố trí mùa vụ hợp lý, nhằm tránh khó khăn, khắc nghiệt của thời tiết mà giành vụ mùa bội thu.

Bên cạnh đó, hầu hết các loại cây trồng đều phụ thuộc vào nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm... để sinh trưởng, phát triển. Chính từ sự phụ thuộc đó nên khi cây trồng bước vào thời kỳ “phát dục” mà gặp thời tiết bất lợi thì sẽ bị thất thu hoặc giảm năng suất.

Có lẽ thấy được tầm quan trọng của việc bố trí cơ cấu mùa vụ nên ông cha ta đã đúc rút kinh nghiệm bằng nhiều câu ca dao, tục ngữ dễ nhớ, dễ thuộc để truyền khẩu lại cho con cháu đời sau học hỏi.

Ông Diêu (giữa) luận giải cơ cấu vụ mùa qua ca dao, tục ngữ, sách cổ và kinh nghiệm dân gian.

Khi nói về cuốn sách nhỏ dự định in tặng bà con nông dân, ông Diêu nói rằng, cuốn sách là tập hợp tất cả những kiến thức mà ông sưu tầm, theo dõi để kiểm chứng qua từng vụ mùa trong suốt  40 qua (từ năm 1975 đến nay).

Như đối với vụ hè - thu hằng năm, sách của Lê Quý Đôn có nhiều câu rất hay như “Đông chí thiên trình vô nhật sắc/ Lai niên hạ vũ cốc phong đăng”, có thể hiểu là ngày Đông chí mà bầu trời không có ánh sáng thì vụ hè - thu năm sau được mùa về ngũ cốc.

“Gặp ngày Đông chí thuận tình khó coi/ Trời tạnh mà không mặt trời/ Thái bình thiên hạ nơi nơi thỏa lòng”; rồi “Thanh minh tiết nhược phùng phong nam chí/ Bát thập nguyệt nông gia đại bội thu”, có nghĩa là ngày Thanh minh mà gió nam nhẹ cả buổi sáng thì vụ hè - thu mưa thuận gió hòa; nếu ngày Thanh minh có gió mùa Đông Bắc và mưa phùn thì lũ lụt sẽ đến sớm (lụt diễn ra trong tháng 9 dương lịch), vì thế cần phải bố trí gieo cấy vụ hè - thu càng sớm càng tốt.

Hay đối với Quảng Trị, căn cứ vào vụ đông - xuân hằng năm, cứ lấy cây lúa làm chuẩn, theo kinh nghiệm dân gian thì khung an toàn nhất trong vụ là khoảng thời gian giữa tiết Thanh minh và Cốc vũ (từ tháng 4-5/5 dương lịch), điều đó được đúc kết bằng câu: “Lúa trổ Thanh minh thì vinh cả xã/ Lúa trổ Cốc vũ no đủ mọi nhà/ Lúa trổ Lập hạ buồn bã xóm thôn”.

Hoặc như câu “Làm mùa tháng 5/ Xem trăng rằm tháng 8/ Trăng sáng được ruộng sâu/ Trăng lu được ruộng cạn”.

Câu trên có nghĩa nếu trăng rằm tháng 8 mà sáng vằng vặc thì vụ đông - xuân (thu hoạch vào tháng 5 của năm sau) ít mưa nên ruộng sâu dễ làm, được mùa (ngược lại, ruộng cạn thiếu nước cần chủ động bố trí nguồn nước tưới), nhưng nếu trăng mờ thì vụ đông - xuân năm đó mưa nhiều nên ruộng cạn dễ làm vì đủ nước (ruộng sâu phải chủ động việc tiêu úng)…

Bây giờ tuổi cao, sức yếu, không thể lội ruộng cấy cày với bà con nông dân, nhưng thỉnh thoảng ông Diêu lại ra cánh đồng làng để ngồi nói chuyện mùa vụ với họ.

Ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị cho hay: “Trước khi vào vụ đông - xuân hay hè - thu hằng năm, các cán bộ chuyên trách nông nghiệp của Sở và Phòng Nông nghiệp các huyện, cũng như rất nhiều chủ nhiệm HTX nông nghiệp trong tỉnh gọi điện thoại hỏi thăm sức khỏe của ông Diêu và hỏi thời gian xuống giống, cũng như thời tiết trong năm.

Lâu nay, ông Diêu luôn được coi là người dày dạn kinh nghiệm nhất trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Quảng Trị. Nay đã nghỉ hưu nhưng ông ấy vẫn rất nhiệt tình giúp đỡ bà con nông dân”.

Phan Thanh Bình
.
.