Nghị lực của những bà mẹ tha hương: Có những giấc mơ bị đánh cắp (kỳ 2)

Thứ Tư, 30/12/2015, 08:54
21h, bình thường bà Phan Thị Hà (59 tuổi, quê quán Cát Tường, Phù Cát, Bình Định) đã đẩy xe về phòng trọ. Nhưng hôm nay, bà cố nán lại bán thêm được mớ nào hay mớ nấy để vài ngày nữa còn về quê làm giỗ lần thứ 4 của đứa con trai áp út.

Bà Hà sinh đến 7 người con. Cày cuốc sáng đêm cũng không đủ cơm cho cái gia đình gần 10 người, mấy người cùng xã rủ bà Hà vào Nam buôn bán dạo. Những đồng tiền lẻ tích cóp từ mớ cam, quả chuối cộng thêm chồng bà ở quê làm ruộng, làm thuê… cũng nuôi được 7 đứa con khôn lớn, lần lượt đậu các trường đại học, cao đẳng, trung cấp.

Những người mẹ xa quê cố nén nỗi đau mất mát để mưu sinh tiếp tục lo cho những đứa con.

Hôm nhận được điện thoại của chồng báo tin thằng áp út đậu đại học, bà Hà mừng ra mặt. Cứ dăm bữa nửa tháng, con lại đón xe buýt đến gánh xe cam của mẹ xin tiền. Con báo vừa học vừa kiếm được việc làm thêm, bà Hà mừng lắm. Bữa sắp lãnh lương tháng đầu tiên, thằng áp út gọi điện kêu mẹ mặc đồ đẹp để nó đến đón đi chơi khu du lịch Suối Tiên cho biết, ở sài Gòn 13 năm rồi còn gì! Bà vui cả đêm không ngủ.

Vậy mà!... Trong đêm làm phục vụ quán nhậu về muộn, thằng con áp út của bà chở giúp ba người bạn về phòng trọ. Đến khu vực cầu Tham Lương (quận 12) thì bị tai nạn. Ba đứa chết tại chỗ, một đứa bị thương nặng. Bao nhiêu hy vọng của bà phút chốc tan biến.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thuý (49 tuổi, quê quán Quảng Ngãi) cũng để ba đứa con ở lại quê cho chồng chăm nom còn mình khăn gói vào thành phố bán tàu hũ lúc mới 26 tuổi. Rồi mơ ước cũng thành hiện thực, đứa con trai đầu đậu vào Trường Kinh tế khăn gói vào TP Hồ Chí Minh ở trọ cùng mẹ.

Được bên cạnh con, chị Thúy vui lắm, dù phải thức khuya hơn. Rồi 4 năm trôi qua thật nhanh, con trai chị cũng ra trường xin được việc làm ở một công ty lớn. Niềm vui con trưởng thành chưa được bao lâu thì nó bị tai nạn giao thông chết khi mới 22 tuổi đầu. Đau đớn tột cùng nhưng chị vẫn gắng gượng cùng chồng vượt qua để lo cho hai người con gái còn lại. Giờ, cả hai đứa con gái đã ra trường và đi làm. Nồi tàu hũ không còn nặng lắm, nhưng nỗi nhớ đứa con trai duy nhất vẫn còn nặng trĩu…

Có khi giấc mơ bỏ đi, cũng có khi chính những đứa con của họ đã “cướp” ước mơ của những bà mẹ. Ngồi khép mình bên xe trái cây dạo trên đường Chánh Hưng, quận 8, bà N. (hơn 60 tuổi, quê gốc Phú Yên) tiếp khách mua hàng bằng gương mặt buồn rười rượi Bà N cùng chồng và ba đứa con rời quê vào TP Hồ Chí Minh sinh sống đã mấy chục năm nay. Bà bán trái cây dạo, còn chồng chạy xe ôm tần tảo nuôi các con khôn lớn. Vì phải tối mặt lo cái ăn, con chữ cho các con mà vợ chồng bà không có thời gian chăm lo dạy bảo các con. Đứa con đầu của bà N. nghiện ma túy và nhiễm HIV chết. Vài năm sau, thằng út cũng nghiện và cũng qua đời vì sử dụng ma túy quá liều. Mới đây, đứa con trai giữa còn lại của bà N. cũng nghiện ngập rồi gây án và bị tòa kết tội.

Cửa tương lai khép lại, đôi khi lại xuất phát từ sự sẻ chia lo lắng. Một sáng giữa tháng 10-2014, bà Phượng đẩy hàng trái cây ra đường Trần Khắc Chân (chợ Sơn Kỳ, huyện Hóc Môn) đậu gần hàng trái cây của anh Nguyễn Văn Quý. Anh Quý nói bà Phượng để gọn hàng lại thì giữa hai xảy ra mâu thuẫn. Nguyễn Hoàng Phương, sinh năm 1986, con trai bà  đang  bán trái cây gần đó bênh mẹ, chụp con dao Thái Lan đâm anh Quý gây thương tích 54%, bị tòa xử 12 năm tù. Vất vả không  sờn, bà Phượng chỉ ân hận, vì mình mà con phải rơi vào cảnh tù tội.

Tương tự,  bà L.T.P. (quê Ninh Thuận), chồng mất, một mình bỏ quê vào TP Hồ Chí Minh buôn thúng bán bưng hàng chục năm trời, rất  hãnh diện vì đứa con trai duy nhất đậu đại học, công tác tại một cơ quan nhà nước. Đùng một cái, con trai bà bị bắt, bị kêu án vì hành vi “cưỡng đoạt tài sản -  nhắn tin đe dọa giết 4 nạn nhân ở quận 12, cưỡng đoạt 70 triệu đồng. Chứng kiến con trai đứng trước vành móng ngựa, bà P. chỉ còn biết nuốt nước mắt vào trong và tự trách  mình. 

Ở phố không quá khó kiếm tiền, nhưng ở phố lại có quá nhiều bất trắc. Cụ Nguyễn Thị Bắc (74 tuổi, quê quán Ninh Thuận) vẫn phải hằng ngày lặn lội cặm cụi xa xứ kiếm cơm. Chồng chết để lại cho cụ Bắc đứa con trai chưa tròn tuổi, cụ Bắc phải đi làm đủ thứ nghề. Rồi đứa con trai duy nhất của cụ Bắc cũng lớn lên, lập gia đình và sinh cho cụ Bắc ba người cháu nội.

Nhưng khi ba đứa cháu đang tuổi ăn, tuổi lớn thì đứa con trai duy nhất của cụ Bắc bệnh nặng qua đời. Thương con dâu trẻ người nhưng phải lặp lại số phận của mình, cụ Bắc buồn lắm, xót lắm. Cụ Bắc quyết vào thành phố kiếm việc phụ con dâu nuôi cháu. Những ngày đầu rời quê, cụ Bắc xin giúp việc nhà. Già cả chậm chạp, hay rơi bể đồ nên cụ bị cho nghỉ việc. Có chút vốn liếng dành dụm, cụ Bắc đi lấy vé số bán kiếm đồng lời để đắp đổi qua ngày.

Thấy người già cả còn lặn lội buôn bán, nhiều người thương mua giúp nên vé của cụ Bắc bao giờ cũng hết sớm. Ki cóp mong đến cuối tháng đủ gửi về nuôi cháu, bất ngờ cụ Bắc bị hai đối tượng khỏe mạnh cướp mất. Ngồi trong trụ sở Công an Thủ Đức, cụ Bắc run run kể: “Công an kêu lên nhìn mặt hai thằng cướp vé số, nhận diện thì đúng tụi nó rồi nhưng mà nó bị bắt, rồi bị giam, làm gì có tiền trả lại tôi hơn 200 tờ vé số. Cũng may ông chủ đại lý thương nên cho lấy vé số gối đầu, vậy mới có cái ăn mấy bữa nay cậu ạ!”.

Vũ Minh Đức
.
.