Nhóm VPE500 chưa hùng mạnh như kỳ vọng

Thứ Tư, 10/08/2022, 14:08

Sáng 10/8, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Viện Konrad Andenauer Stiftung Việt Nam tổ chức Hội thảo đánh giá 500 doanh nghiệp (DN) tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500).

Báo cáo 500 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam dựa trên 3 tiêu chí: Quy mô lao động, tổng tài sản và doanh thu thuần. Chỉ số sử dụng cho xếp hạng là trung bình cộng của thứ hạng trên 3 tiêu chí trên. Cách xếp hạng này khác với các xếp hạng của báo cáo hiện nay của Việt Nam (VNR500) hoặc Fortune500.

Theo kết quả, VPE500 DN tư nhân trong nước đang ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Trong số 668,5 nghìn DN (số liệu năm 2019), DN tư nhân là 647,6 nghìn DN, chiếm 96,88% tổng số, đóng góp 15,12 triệu tỷ đồng (57%) tổng doanh thu thuần và thu hút hơn 9 triệu lao động.

Đáng chú ý, chỉ riêng nhóm VPE500 (chiếm 0,089% tổng số DN) đã tạo việc làm cho 10,4% lao động, chiếm 13% tổng tài sản và tạo ra 15,8% doanh thu thuần. Theo đó, VPE500 có thể coi như lực lượng dẫn dắt, tạo ảnh hưởng trên thị trường và kết quả hoạt động của nhóm DN này có thể coi như hàn thử biểu của khu vực DN.

Cần khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư để cải tạo năng suất -0
Doanh nghiệp tư nhân trong nước đang ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trong nền kinh tế.

Mặc dù DN tư nhân ở Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, nhưng theo NCIF, nhóm VPE500 của Việt Nam chưa trở thành lực lượng hùng mạnh như kỳ vọng, chưa có nhiều DN tư nhân lớn đạt được tầm cỡ thế giới. Một số DN tư nhân lớn đã xuất hiện nhưng số lượng chưa nhiều và các thương hiệu Việt Nam vẫn có giá trị thấp hơn các thương hiệu của nhiều quốc gia Đông Nam Á. DN tư nhân quy mô nhỏ và vừa gặp nhiều trở ngại (cả khách quan và chủ quan) trong quá trình phát triển.

Trên cơ sở phân tích VPE500 và quan hệ với DN tư nhân trong nước nói chung, nhóm nghiên cứu cho rằng, cần thiết phải có những chính sách cụ thể hơn nữa để xây dựng được một lực lượng các DN tư nhân lớn, phát triển ổn định, chống chịu được các cú shock lớn từ bên ngoài, làm tăng hiệu quả của toàn nền kinh tế.

Theo đó, nhóm chuyên gia NCIF cho rằng, các chính sách trong thời gian tới cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng không chỉ tạo thuận lợi với DN trong gia nhập thị trường mà còn giúp DN sống sót và tăng trưởng. Đặc biệt cần khuyến khích các DN lớn đầu tư để cải tạo năng suất chuyển dần sang tăng trưởng theo chiều sâu.

Có chính sách kinh tế thúc đẩy liên kết DN, khuyến khích DN lớn, DN nhà nước, DN FDI liên doanh, liên kết với các DN nhà nước trong nước; đồng thời nâng cao năng lực DN tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Lưu Hiệp
.
.