Lâm Đồng kêu gọi đầu tư vào Khu Công nghiệp 2.000 tỷ đồng

Thứ Năm, 19/10/2023, 11:21

Tỉnh Lâm Đồng đang kêu gọi các nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực tài chính về xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật vào Khu Công nghiệp Phú Bình, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, cách TP Đà Lạt khoảng 45km về phía Tây Nam.

Mục tiêu dự án là đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp; Khu công nghiệp đa ngành kết hợp dịch vụ vận tải kho vận; Tập trung đầu tư xây dựng có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ đồng bộ, hiện đại, bố trí các loại hình sản xuất công nghiệp tiên tiến, ít ô nhiễm môi trường.

Các loại hình công nghiệp, gồm: ngành công nghiệp chế biến, sản xuất (khoảng 50%); ngành công nghiệp hỗ trợ (khoảng 30%); vận tải kho bãi (khoảng 20%). Diện tích đất sử dụng 246 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp hơn 170ha. Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 2.000 tỷ đồng.

Lâm Đồng kêu gọi đầu tư vào Khu Công nghiệp 2.000 tỷ đồng -0
Vị trí triển khai xây dựng Khu Công nghiệp Phú Bình, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng.

Dự án Khu Công nghiệp Phú Bình là công trình trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020 – 2025. Phía Đông giáp đất quy hoạch đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; phía Tây và Nam giáp sông Đa Nhim; phía Bắc giáp đường nhựa vào thác Pongour; cách quốc lộ 20 khoảng 3km và cách sân bay Liên Khương khoảng 10km.

Khu vực triển khai Khu Công nghiệp Phú Bình hiện nay là đất sản xuất nông nghiệp (địa hình bằng phẳng khoảng 180ha đất và triền đồi khoảng 66ha). Trong đó, đất trồng cây lâu năm khoảng 195,5ha (cây cà phê), đất trồng cây hàng năm khác khoảng 35ha (bắp, đậu…) và đất trồng lúa một vụ khoảng 15ha. Phần đất còn lại là đất ở khoảng 0,25ha của 7 hộ dân dân sinh sống. Hiện trang đất chưa bồi thường giải phóng mặt bằng.

Lâm Đồng là tỉnh Nam Tây Nguyên, có độ cao trung bình từ 800- 1.500m so với mặt nước biển; Phía Bắc, Tây Bắc giáp tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Đắk Nông. Phía Nam và Đông Nam giáp tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận. Phía Đông, Đông Nam giáp Ninh Thuận và Khánh Hoà. Phía Tây, Tây Nam giáp Bình Phước và Đồng Nai; với diện tích tự nhiên 9.773 km2. Địa hình chủ yếu là bình sơn nguyên, núi cao đồng thời cũng có những thung lũng nhỏ bằng phẳng đã tạo nên những yếu tố tự nhiên khác nhau về khí hậu, thổ nhưỡng, thực động vật…và những cảnh quan kỳ thú.

Lâm Đồng nằm trên 3 cao nguyên và là khu vực đầu nguồn của 7 hệ thống sông lớn. Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - là khu vực năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và là thị trường có nhiều tiềm năng. Toàn tỉnh có thể chia thành 3 vùng với 5 thế mạnh: phát triển cây công nghiệp dài ngày, lâm nghiệp, khoáng sản, du lịch - dịch vụ và chăn nuôi gia súc.

Lâm Đồng kêu gọi đầu tư vào Khu Công nghiệp 2.000 tỷ đồng -0
Quy hoạch phân khu Khu Công nghiệp Phú Bình.

Thành phố Đà lạt là trung tâm hành chính - kinh tế - xã hội của tỉnh, cách trung tâm kinh tế lớn của vùng và khu vực không xa. Cách cảng Cam Ranh 130km; Cảng Thị Vải, Cái Mép Bà Rịa Vũng Tàu 230km; Cảng Sài Gòn 300km. Lâm Đồng cách TP Hồ Chí Minh 300km, cách TP Nha Trang (Khánh Hòa) 140km, cách TP Đà Nẵng 700km, cách TP Biên Hòa (Đồng Nai) 220 km và cách TP Hà Nội 1.500km.

Lâm Đồng nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, biến thiên theo độ cao, trong năm có 2 mùa rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình từ 18-250C, thời tiết ôn hòa và mát mẻ quanh năm. Lượng mưa trung bình 2.618 mm/năm, độ ẩm tương đối trung bình cả năm là 83%, số giờ nắng trung bình cả năm là 1.827 – 3.689,3 giờ, thuận lợi cho phát triển du lịch nghĩ dưỡng và phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có nguồn gốc ôn đới. Đặc biệt, Lâm Đồng có khí hậu ôn đới ngay trong vùng khí hậu nhiệt đới điển hình và nằm không xa các trung tâm đô thị lớn và vùng đồng bằng đông dân.

Khắc Lịch
.
.