Cách để doanh nghiệp xuất khẩu né “siêu lừa”

Thứ Sáu, 01/12/2023, 06:54

Tranh chấp và gian lận thương mại hiện đang là một vấn đề tồn tại trong giao dịch thương mại quốc tế mà các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) của Việt Nam luôn phải tính đến, trong bối cảnh thương mại quốc tế nhiều biến động, rủi ro.

Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống các cơ quan thương vụ tại nước ngoài với chủ đề “Phòng tránh lừa đảo trong thương mại quốc tế”, ngày 30/11, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Hoàng Minh Chiến cho biết, nhiều DN XK đã phải đối diện với tình trạng bị lừa gạt, chịu thiệt hại về tài sản, hàng hóa khi chủ quan và thiếu hiểu biết về đối tác trong giao dịch thương mại quốc tế. Hình thức lừa đảo và tranh chấp mà DN thường phải đối mặt là do không có điều kiện kiểm tra kỹ lưỡng về đối tác, lựa chọn phương thức thanh toán chưa phù hợp, có thể từ những gài cắm đầy tính toán từ đối tác trong hợp đồng mà DN Việt Nam vốn chưa có nhiều kinh nghiệm.

Theo Bộ Công Thương, dù nhiều ngành hàng XK của Việt Nam đứng hàng đầu thế giới nhưng đa phần các DN Việt Nam lại là DN nhỏ và vừa, rất thiếu kinh nghiệm về tranh chấp thương mại quốc tế. Không ít DN XK của Việt Nam bị "sập bẫy" gian lận thương mại, lừa đảo hoặc “vướng vấn đề về pháp lý” trong thời gian gần đây. Hơn nữa, DN Việt đã quá tin tưởng vào người môi giới.

Hiện nay, nhiều hợp đồng do người môi giới soạn thảo rất đơn giản, thiếu nhiều điều khoản quan trọng nhưng DN vẫn chấp nhận. Đáng e ngại hơn, DN cũng đã bỏ qua khâu kiểm tra đối tác trong khi đây là một yêu cầu bắt buộc khi giao dịch với đối tác mới. Vì thế, DN không nhận biết được những dấu hiệu rủi ro.

Cách để doanh nghiệp xuất khẩu né “siêu lừa” -0
Ảnh minh họa.

“Tình trạng lừa đảo qua mạng không chỉ diễn ra ở khu vực Trung Đông, Châu Phi mà ngày càng phổ biến và diễn ra ngay cả tại các thị trường lớn, có uy tín, mức độ rủi ro thấp như Mỹ, châu Âu (Hà Lan, Italia, Na Uy...)”, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu thông tin.

Theo bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương vụ Việt Nam tại Canada, số lượng các vụ lừa đảo DN Việt Nam có liên quan đến Canada đang gia tăng nhanh chóng. Theo bà Quỳnh, dù đã cảnh báo các DN, tuy nhiên là số lượng các vụ việc vẫn không giảm. Trung bình mỗi tháng Thương vụ ghi nhận khoảng 10 vụ việc lừa đảo, liên quan đến một số chứng chỉ không có thật. Tình trạng lừa đảo trong thương mại gia tăng liên quan đến Canada, theo bà Quỳnh là do thị trường toàn cầu khó khăn, các đơn hàng sụt giảm. Vì vậy, DN tìm kiếm các đơn hàng, khi nhận được các đơn hàng từ phía nước ngoài thì DN có xu hướng chủ quan. Vì thế DN có những sơ hở trong tiếp cận và soạn thảo hợp đồng.

Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam thông tin lại vụ việc lừa đảo 74 container điều năm 2022 tại thị trường Italia và khẳng định thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo hết sức tinh vi, có nghiên cứu tâm lý rất kỹ.

Trước tình hình trên, Thương vụ cảnh báo và khuyến cáo DN cần chú ý xem xét kỹ các điều khoản hợp đồng về điều kiện giao nhận hàng, hình thức thanh toán và bổ sung điều khoản xử lý các phát sinh như trường hợp hàng hóa phải lưu tại cảng dài ngày do vấn đề chậm thanh toán từ phía đối tác nhằm giảm thiểu rủi ro khi thực hiện hợp đồng; Hạn chế việc ký hợp đồng thông qua môi giới. Trường hợp ký hợp đồng với bên môi giới, cần làm rõ trách nhiệm của môi giới trong việc thu hồi đủ tiền hàng hoặc các điều kiện để thanh toán tiền hoa hồng. Các hợp đồng cần có điều khoản thanh toán trước ít nhất 30% giá trị theo thông lệ tại địa bàn. Đặc biệt, khi có bất cứ yêu cầu thay đổi từ nhà nhập khẩu, DN cần kiểm tra, xác thực lại thông tin người gửi và yêu cầu đối tác gửi văn bản chính thức để có cơ sở giải quyết khi xảy ra tranh chấp.

Lưu Hiệp
.
.