Nhiều sai sót tại Công ty Bò sữa TP Hồ Chí Minh

Thứ Năm, 31/12/2020, 07:22
Theo kết luận của Thanh tra TP Hồ Chí Minh, hiệu quả sản xuất kinh doanh năm 2018 của Công ty Bò sữa thành phố đạt thấp, lợi nhuận chủ yếu từ tiền lãi gửi ngân hàng, ngành sản xuất kinh doanh chính (chăn nuôi, trồng trọt) đều thua lỗ.


Về quản lý đất đai, Công ty Bò sữa thành phố được Nhà nước giao quản lý, sử dụng số lượng diện tích đất hơn 3.392,7ha, chủ yếu là đất sản xuất nông nghiệp (chiếm trên 99%), trải rộng trên nhiều xã nên công tác quản lý sử dụng gặp nhiều khó khăn, chưa phát huy lợi thế, hiệu quả sử dụng đất.

Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018 đạt thấp, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 12,8% kế hoạch. Chi phí quản lý doanh nghiệp so với doanh thu chiếm tỷ trọng lớn 15,37% (trên 8,6 tỷ đồng), nếu loại trừ lợi nhuận từ lãi tiền gửi ngân hàng 15,4 tỷ đồng thì ngành chăn nuôi thua lỗ 21,5 tỷ đồng.

Hiệu quả sản xuất kinh doanh năm 2018 của Công ty Bò sữa đạt thấp.

Việc Công ty Bò sữa thành phố triển khai thực hiện Dự án “Chăn nuôi bò giống, bò thịt” tại xã Đà Loan, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng là thực hiện theo chương trình hợp tác phát triển kinh tế giữa TP Hồ Chí Minh và tỉnh Lâm Đồng. Dự án sử dụng 236,987ha đất theo hình thức trả tiền thuê đất hàng năm. Tính đến ngày 30/6/2016, dự án đã đầu tư số tiền 28,718 tỷ đồng nhưng không mang lại hiệu quả, lỗ lũy kế đến năm 2015 là trên 11 tỷ đồng.

Trong quá trình thực hiện dự án, Công ty Bò sữa thành phố chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính chuyển mục đích sử dụng 2.838m² đất nông nghiệp sang đất chuyên dùng và xin phép thiết kế xây dựng mà tiến hành xây dựng văn phòng làm việc, chuồng trại, nhà kho trên đất là vi phạm pháp luật đất đai 2003. Khi chuyển nhượng dự án và chuyển đàn bò về lại thành phố (năm 2016), Công ty Bò sữa và Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn không báo cáo UBND thành phố.

Theo quy định của Luật Đất đai 2013, Công ty Bò sữa sử dụng đất sản xuất nông nghiệp theo hình thức đất thuê trả tiền thuê hằng năm nên không có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà chỉ được bán tài sản hợp pháp trên đất (chuồng trại, văn phòng làm việc) hoặc chuyển nhượng dự án (chi phí thực tế đã đầu tư trên đất còn lại) trong khi giá trị dự án theo thẩm định là 58,631 tỷ đồng đã tính cả giá trị đất và tài sản trên đất. So với giá trị đầu tư còn lại thì giá trị chuyển nhượng cao hơn 35,63 tỷ đồng (59,246 - 23,716). So với giá trị thẩm định thì giá trị chuyển nhượng dự án cao hơn 615,775 triệu đồng (59,246 tỷ đồng - 58,631 tỷ đồng).

Kết luận thanh tra đề nghị cần phải kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng, phụ trách dự án của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn; Chủ tịch Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, Giám đốc, Kế toán trưởng, phụ trách dự án và cả nhân liên quan của Công ty Bò sữa thành phố thời kỳ có liên quan.

Đối với việc góp vốn thực hiện Dự án trồng cao su tại Lào: Năm 2006, Lực lượng Thanh niên xung phong, Công ty Cao su Phú Riềng, Công ty Cao su Phước Hòa, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, Công ty Bò sữa thành phố, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn và Quỹ Đầu tư và Phát triển Đô thị (là các đơn vị 100% vốn Nhà nước) tham gia thành lập Công ty cổ phần Cao su thành phố để thực hiện Dự án trồng 10.000ha cao su tại Lào.

Theo báo cáo của Công ty cổ phần Cao su thành phố, dự án thực hiện không theo phương án đề ra.Các đơn vị trực thuộc UBND thành phố đã góp 225,7 tỷ đồng/312,9 tỷ đồng, chiếm 72,13% chi phí đầu tư cho dự án, nhưng chưa mang lại hiệu quả. Lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2018 hơn 12 tỷ đồng, dự án hiện gặp nhiều khó khăn.

Nguyễn Cảnh
.
.