Bình Phước báo động tình trạng bán điều non

Thứ Sáu, 09/04/2021, 07:50
Ngày 8/4, thông tin từ UBND tỉnh Bình Phước cho biết, qua 3 năm thực hiện Chỉ thị số 07 của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố đất, bán đất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), kết quả điều tra, xác minh cho thấy thực trạng này đang diễn biến phức tạp.

Năm 2017 toàn tỉnh chỉ có 482 hộ bán điều non với diện tích hơn 680ha và số tiền gần 29 tỉ đồng, đến nay tăng lên 663 hộ với diện tích hơn 1.160ha và số tiền hơn 37 tỉ đồng. Thời gian bán điều non bình quân từ 3-8 năm, ngắn nhất là 1 năm và dài nhất là 28 năm. Năm 2017, toàn tỉnh chỉ có 201 hộ cầm cố, thế chấp đất sản xuất với số tiền gần 12 tỉ đồng, thì đến nay tăng lên 281 hộ, với số tiền gần 33 tỉ đồng. Ngoài ra, số hộ vay tiền lãi suất cao năm 2017 là 128 hộ, với số tiền nợ hơn 7,7 tỉ đồng thì đến nay tăng lên 186 hộ, với số tiền nợ hơn 28 tỉ đồng.

Ông Lý Trọng Nhân - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Phước cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng bán điều non, cầm cố đất những năm gần đây do tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng DTTS còn chậm so với mặt bằng chung của tỉnh. Bên cạnh đó, do nhận thức của một bộ phận đồng bào DTTS còn đơn giản và hạn chế, cuộc sống còn khó khăn nhưng đi vay nợ để mua sắm, làm nhà đẹp, mua xe, tổ chức cưới hỏi linh đình... sau đó không có tiền để trả nợ buộc phải cầm cố đất, vườn để trừ nợ.

Những năm qua, nhiều diện tích vườn điều của người dân ở tỉnh Bình Phước đã bị bán non.

Mặt khác, việc quản lý đất đai còn buông lỏng ở cơ sở; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chưa được thường xuyên và sâu sát. Việc tiếp thu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, phụ thuộc chủ yếu vào điều kiện khí hậu, thời tiết tự nhiên nên năng suất, hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích không cao…

Để ngăn chặn tình trạng này trong vùng đồng bào DTTS, ông Lý Trọng Nhân cho biết, giải pháp hữu hiệu nhất là tuyên truyền về hình thức, thủ đoạn của các đối tượng cho vay nặng lãi, môi giới đất, bán đất, bán điều non để đồng bào DTTS nâng cao nhận thức. Trong đó, cần phát huy vai trò hạt nhân của đội ngũ già làng, người có uy tín trong đồng bào DTTS trong công tác thông tin, tuyên truyền giáo dục pháp luật đối với cộng đồng người DTTS trên địa bàn nơi già làng, người có uy tín sinh sống.

Đồng thời, các cơ quan chức năng và UBND các cấp rà soát, kiểm tra và kiên quyết xử lý vi phạm về lĩnh vực quản lý đất đai. Mặt khác, cơ quan chức năng sớm thực hiện điều tra truy tố, khởi tố xét xử công khai vụ án và đối tượng cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự để răn đe các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người DTTS để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. “Tuy nhiên, giải pháp mang tính dài hơi, bền vững và giảm thiểu đến mức thấp nhất tình trạng trên là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho từng hộ DTTS” – ông Nhân nhấn mạnh.

Đức Trí
.
.