Trước kỷ nguyên hợp tác mới

Chủ Nhật, 22/10/2023, 06:30

Hội nghị cấp cao giữa Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) đã diễn ra hôm 20/10, tại Thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, dưới sự đồng chủ trì của Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và Tổng thống Indonesia Joko Widodo - quốc gia giữ cương vị Chủ tịch ASEAN năm nay. Mặc dù mối quan hệ được thiết lập từ năm 1990 nhưng đây là lần đầu tiên các lãnh đạo cấp cao của các nước thành viên ASEAN và GCC chính thức gặp nhau.

Mối quan hệ giữa hai khu vực ASEAN và Trung Đông trong thời gian qua phát triển khá khiêm tốn, dù đó là mối quan hệ ổn định và tốt đẹp. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tất cả sáu thành viên GCC (gồm: Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain, Saudi Arabia, Oman, Qatar và Kuwait) đều ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC). Đó là cơ sở thuận lợi để thúc đẩy mối quan hệ giữa hai cơ chế khu vực này.

plenary-scaled.jpg -0
Quang cảnh hội nghị.

Ở góc độ khác, hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, cạnh tranh giữa các siêu cường ngày một mạnh mẽ và rõ rệt hơn. Điều này đặt ra những thách thức đối với nhiều quốc gia nhỏ, song cũng là đòi hỏi cấp thiết để làm sâu sắc thêm hợp tác giữa các khối khu vực. Đông Nam Á và Vùng Vịnh đều là hai vị trí địa chiến lược, là điểm đến hợp tác của các cường quốc. Vì thế, sự kết nối giữa hai bên không chỉ nhằm tăng cường sự hợp tác vì lợi ích chung mà còn là cơ hội học hỏi lẫn nhau trong nỗ lực điều chỉnh và hài hòa mối quan hệ với các nước lớn, giảm thiểu tác động bất lợi của cạnh tranh địa chính trị... Một số chuyên gia khác cho rằng, có rất nhiều tiềm năng để ASEAN và GCC thúc đẩy hợp tác hơn nữa về thương mại, năng lượng, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, hay việc hai bên cùng phát triển các tiêu chuẩn chung đối với thực phẩm Halal đáp ứng các quy định của Hồi giáo. Trong khi đó, ASEAN cũng cần hợp tác với GCC để ổn định thị trường dầu mỏ vốn có nhiều biến động, thu hút nguồn vốn đầu tư… Do đó, một hội nghị cấp cao là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Phát biểu tại sự kiện lịch sử này, Tổng thống Joko Widodo nhấn mạnh, với GDP đạt hơn 5.000 tỷ USD và dân số hơn 700 triệu người, ASEAN và GCC có những nguồn lực to lớn để đóng vai trò chiến lược và tích cực trong một thế giới phân cực. Ông nêu rõ: “Chúng ta cần tối đa hóa tiềm năng kinh tế thông qua đầu tư, thương mại cân bằng và cởi mở với khuôn khổ thương mại ASEAN-GCC và thông qua phát triển công nghiệp, các sản phẩm và du lịch Halal”. Lãnh đạo nước Chủ tịch ASEAN năm 2023 kêu gọi tăng cường quan hệ đối tác cùng có lợi giữa các nước thành viên ASEAN và GCC nhằm hỗ trợ an ninh lương thực và an ninh năng lượng thông qua hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp và lương thực, tiêu chuẩn hàng hóa nông nghiệp và các chương trình chuyển đổi năng lượng. Ông khẳng định: “Trong bối cảnh tình hình toàn cầu ngày càng bất ổn, tôi nhấn mạnh cam kết của ASEAN trong việc bảo vệ người lao động nhập cư và tôi kêu gọi sự hỗ trợ của các nước GCC”. Tổng thống Indonesia đánh giá việc tất cả các nước thành viên GCC tham gia TAC như một cam kết của các nước Vùng Vịnh đối với hòa bình ở Đông Nam Á và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim nhấn mạnh, Hội nghị Cấp cao ASEAN-GCC lần thứ nhất cho thấy mối quan hệ giữa hai khu vực đang đứng trước một kỷ nguyên hợp tác mới. Theo ông, những thách thức do môi trường địa chính trị hiện nay đòi hỏi các quốc gia ASEAN và Trung Đông phải làm mới quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai khu vực.

Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải chuyển đổi mối quan hệ ASEAN-GCC để tối đa hóa tiềm năng kinh tế của mỗi bên. Đề làm được việc này, nhà lãnh đạo Malaysia đã đề xuất Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA) giữa ASEAN và GCC – một hiệp định thương mại tự do đầu tiên giữa ASEAN và Trung Đông. Đây được đánh giá là một thỏa thuận có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng tiến bộ, toàn diện và bền vững, đặc biệt khi các khu vực đang phục hồi sau đại dịch COVID-19 và đối mặt với những bất ổn địa chính trị.

Về phần mình, để tăng cường mối quan hệ giữa khu vực tư nhân cũng như thúc đẩy an ninh lương thực và năng lượng, tại sự kiện lịch sử này, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã đề xuất tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư thông qua các hiệp định thương mại tự do Thái Lan-GCC và ASEAN-GCC, cũng như thành lập diễn đàn doanh nghiệp ASEAN-GCC. Ông cũng kêu gọi hợp tác nhiều hơn về tính bền vững, tài chính xanh và chuyển đổi năng lượng theo hướng phát thải ròng bằng 0.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, hợp tác giữa ASEAN và GCC sẽ chỉ mang lại lợi ích cho cả hai bên, từ chính trị, kinh tế, thậm chí là an ninh; đồng thời cũng nâng cao vị thế của 2 khối khu vực trên trường quốc tế. Động lực thúc đẩy sự hợp tác dựa trên nhu cầu và chính sách thúc đẩy đa dạng hóa mối quan hệ và đa dạng hóa nền kinh tế của GCC nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc vào phương Tây, độc lập về chính sách, mở rộng nền kinh tế vượt ra ngoài lĩnh vực dầu mỏ, trong khi ASEAN là một trong những thị trường mới tiềm năng, năng động mà GCC cần hướng tới. Tăng cường quan hệ với ASEAN, vị thế khu vực Trung Đông của GCC cũng sẽ được nâng cao khi đây cũng là khu vực mà đối thủ Iran hay cường quốc khu vực Thổ Nhĩ Kỳ đang thúc đẩy hợp tác.

Ngược lại, tăng cường hợp tác với GCC, tiếng nói của ASEAN cũng sẽ trở nên mạnh mẽ hơn trong nhiều vấn đề quốc tế quan trọng. Bên cạnh đó, đối với một số quốc gia ASEAN, nhân bối cảnh hiện nay, các nước nên tranh thủ thu hút đầu tư từ các nước GCC nhờ quỹ dầu mỏ dư thừa của các nước thành viên. Một thỏa thuận hợp tác về dầu mỏ để duy trì ổn định thị trường năng lượng cũng là điều một số thành viên ASEAN hướng tới, trong bối cảnh giá xăng, dầu đang leo cao và không ổn định. ASEAN cũng có thể cần GCC hỗ trợ trong việc chuyển hướng phát triển năng lượng sạch – lĩnh vực mà GCC cũng đang rất thành công… Do đó, hai bên cần thúc đẩy sự hợp tác hơn nữa trong thời gian tới để tương xứng với thế mạnh và tiềm năng của cả hai bên.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những chuyển động nhanh chóng, phức tạp, thì việc mở rộng quan hệ với các nước, các tổ chức khu vực trên thế giới không chỉ là mục tiêu của ASEAN. Với chủ trương đối ngoại ôn hòa, đẩy mạnh chính sách hướng Đông, các nước Vùng Vịnh cũng đang tìm kiếm thị trường mới, trong đó, Đông Nam Á được xem là khu vực tiềm năng giúp họ đa dạng hóa nền kinh tế, không chỉ tập trung vào lĩnh vực dầu mỏ. Hội nghị cấp cao ASEAN - GCC lần này sẽ là cột mốc giúp hai bên thiết lập những khuôn khổ hợp tác mới, thực chất và hiệu quả hơn.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.