Trung Đông lâm vào vòng xoáy bạo lực mới

Thứ Hai, 09/10/2023, 07:24

Dư luận quốc tế chấn động sau khi Phong trào Hồi giáo Hamas của người Palestine mở cuộc tấn công bất ngờ nhằm vào khu vực miền Trung và miền Nam của Israel. Đáp lại, Israel cũng thực hiện hàng loạt vụ tấn công nhằm vào Dải Gaza. Hơn 400 người cả Israel và Palestin thiệt mạng và gần 1.000 người khác bị thương. Cộng đồng quốc tế đã lên tiếng kêu gọi các bên liên quan ngừng leo thang, bình tĩnh, kiềm chế tối đa và bảo vệ dân thường.

Cuộc tấn công bất ngờ

Vào 6h30 phút ngày 7/10 (giờ địa phương - 3h30 phút giờ GMT), Lữ đoàn cảm tử Izz ad-Din al-Qassam Brigades, nhánh quân sự của Phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza, bắt đầu tấn công Israel bằng rocket được phóng đi từ nhiều địa điểm ở Dải Gaza.

Cùng ngày, một chỉ huy quân sự cấp cao của Hamas, ông Mohammad Deif, xuất hiện trên sóng truyền thanh tuyên bố bắt đầu Chiến dịch Cơn lũ Al-Aqsa (Operation Al-Aqsa Flood), nói đây là "trận chiến vĩ đại nhất nhằm chấm dứt sự chiếm đóng cuối cùng trên Trái đất". Ông Mohammad Deif kêu gọi người Palestine ở khắp mọi nơi chiến đấu, đồng thời cho biết thêm là đã có 5.000 quả rocket được Hamas phóng đi.

Trung Đông lâm vào vòng xoáy bạo lực mới -0
Khung cảnh đổ nát sau các vụ không kích của Israel tại Dải Gaza ngày 7/10.

Bên cạnh đó, hàng trăm tay súng Hamas còn thâm nhập vào các thị trấn của Israel giết chết ít nhất 250 người, làm hơn 1.500 người bị thương và trốn thoát cùng các con tin, trong đó có thể có hàng chục binh sĩ. Phó thủ lĩnh Phong trào Hồi giáo Hamas, ông Saleh al-Arouri, cho biết, họ nắm trong tay một số lượng lớn tù nhân Israel, trong số đó có các sĩ quan cấp cao, và sẽ sử dụng những người bị bắt làm đòn bẩy để buộc phía Israel thả những người Palestine bị giam giữ ở Israel và số tù nhân Israel đủ để giải thoát tất cả tù nhân Palestine.

Trong khi đó, truyền thông Israel xác nhận, ít nhất 100 người Israel thiệt mạng và hơn 900 người khác bị thương do cuộc tấn công tên lửa và các hoạt động xâm nhập do phiến quân Hamas thực hiện. Để đáp trả, Israel đã triển khai "Chiến dịch Những thanh kiếm sắt" (Operation Iron Swords). Cuối giờ sáng 7/10, máy bay chiến đấu của Isarel bắt đầu tấn công các địa điểm ở Gaza. Tờ The Times of Israel dẫn một nguồn tin quân sự cho biết các máy bay Israel đã thả hơn 16 tấn đạn dược xuống các vị trí của Phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza.

Ngoài ra, theo người phát ngôn Quân đội Israel, ông Richard Hecht, chiến sự trên mặt đất đang diễn ra ở một số khu vực xung quanh là người Palestine. Israel cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trên cả nước sau, đồng thời ra lệnh huy động tất cả các nhân viên cảnh sát tình nguyện và yêu cầu trang bị đầy đủ vũ khí cho tất cả lực lượng an ninh. Chiến dịch quân sự của Israel nhằm vào Dải Gaza đã khiến hơn 1.000 người thương vong.

Ngày 7/10 vì thế được coi là ngày bạo lực đẫm máu nhất trong 50 năm qua và điều trùng hợp là nó diễn ra đúng một ngày sau lễ kỷ niệm 50 năm bắt đầu cuộc Chiến tranh Tháng Mười năm 1973. Khi đó, quân đội Ai Cập và quân đội Syria đồng loạt tấn công Israel trong ngày lễ Yom Kippur, ngày lễ thiêng liêng của người Do Thái và các lực lượng Israel cũng mất cảnh giác trước đoàn xe tăng của Syria và Ai Cập. Và lần này, theo cựu lãnh đạo Hội đồng An ninh Quốc gia Israel, tướng nghỉ hưu Giora Eiland, những gì diễn ra trông khá giống với thời điểm xảy ra Chiến tranh Tháng Mười và "Israel đã hoàn toàn bị bất ngờ trước một cuộc tấn công được phối hợp rất tốt".

Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Israel, ông Eyal Hulata cũng cho rằng, cuộc tấn công của Phong trào Hồi giáo Hamas có sự phối hợp chặt chẽ và "thật không may là họ đã có thể gây bất ngờ về mặt chiến thuật cũng như gây ra thiệt hại nặng nề cho chúng tôi". Về phần mình, ông Jonathan Panikoff, cựu Phó quan chức tình báo quốc gia của Chính phủ Mỹ về Trung Đông, hiện đang làm việc tại tổ chức nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương, nhấn mạnh: "Đây là một thất bại tình báo, không thể nào khác được". Theo vị chuyên gia này, "đó là một thất bại về an ninh, làm suy yếu những gì được cho là cách tiếp cận mạnh mẽ và thành công đối với Gaza của Israel".

Tác động ban đầu

Ông Hani El Masri, nhà phân tích chính trị ở Ramallah cho biết, cuộc tấn công của Hamas sẽ làm phức tạp và trì hoãn các nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel. Ông nói: "Nó cũng sẽ củng cố những tiếng nói cho rằng không có giải pháp cho người Palestine thì sẽ không có giải pháp cho các vấn đề khác". Ba thập niên đàm phán liên tục do Mỹ làm trung gian đã không đạt được thỏa thuận hòa bình và thành lập một nhà nước Palestine độc lập, vốn từ lâu được coi là chìa khóa để chấm dứt bạo lực.

Thất bại đó đã gây ra sự bất mãn, đặc biệt là đối với người Palestine, khi Israel tiếp tục duy trì sự chiếm đóng quân sự ở Bờ Tây. Tình hình này từ lâu đã ảnh hưởng đến nỗ lực thiết lập quan hệ giữa Israel và các nước láng giềng Arab. Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước rằng, một thỏa thuận giữa nước này và Israel nên bao gồm việc "giảm bớt sự đau khổ của người Palestine" nhưng không nêu chi tiết.

Trong khi đó, cựu quan chức cấp cao về chính sách chống khủng bố tại Bộ An ninh Nội địa Mỹ Thomas Warrick cho biết, tình trạng bạo lực mới nhất sẽ không làm thay đổi "động lực chiến lược cơ bản" của một thỏa thuận trong tương lai.

Ông Thomas Warrick, hiện là thành viên cấp cao của Hội đồng Atlantic, nói: "Quá trình bình thường hóa đang được thúc đẩy bởi các yếu tố trong mối quan hệ giữa và giữa Mỹ, Israel, Saudi Arabia và các quốc gia khác có liên quan. Chắc chắn điều này sẽ khiến mọi thứ phải tạm dừng, nhưng trên thực tế, nó không làm thay đổi động lực chiến lược cơ bản". Về phần mình, Steven Cook, một thành viên cấp cao về Trung Đông và châu Phi tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), cũng cho rằng cuộc tấn công của Hamas sẽ không làm thay đổi "động lực cơ bản" đang diễn ra giữa Israel và Saudi Arabia.

Các cuộc xung đột trước đây giữa Israel và Hamas đã dẫn đến sự tàn phá trên diện rộng ở Gaza và số người thiệt mạng cao. Với một chính phủ cực hữu ở Israel, tình hình giờ đây càng trở nên bất ổn hơn. Các chuyên gia cho rằng, việc tạm dừng mở rộng các khu định cư của Israel là một trong những yêu cầu tối thiểu để xoa dịu người Palestine. Nhưng cơ cấu hiện tại của chính phủ Israel sẽ khiến yêu cầu đó trở nên khó chấp nhận. Các bộ trưởng trong chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã công khai nói rằng họ muốn theo đuổi việc sáp nhập hoàn toàn Bờ Tây.

"Nếu trước đây điều đó là khó khăn thì bây giờ điều đó gần như không thể thực hiện được bởi vì bất kỳ sự thỏa hiệp, bất kỳ động thái, bất cứ điều gì thỏa hiệp với người Palestine ngay bây giờ sẽ bị dòng chính thống coi là không thể chấp nhận được", ông Akiva Eldar, một nhà phân tích chính trị ở Israel, nhận định.

Theo vị chuyên gia, ngay cả những yêu cầu tối thiểu mà Saudi Arabia đang mong đợi, chẳng hạn như tạm dừng việc mở rộng các khu định cư, cũng là không thể. "Israel có thể tiến hành một chiến dịch lớn ở Gaza nhằm tiêu diệt Hamas. Điều này sẽ khó khăn nhưng vẫn có khả năng xảy ra", nhà phân tích Hani El Masri nói.

Nỗi lo nhân đôi

Sau khi Phong trào Hồi giáo Hamas tấn công Israel, nhóm Hezbollah ở Liban cũng tuyên bố tấn công ba địa điểm ở Israel, làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột khu vực rộng hơn. Hezbollah đã pháo kích một vị trí quân sự của Israel trong khu vực lãnh thổ tranh chấp gần biên giới với Liban, ở Cao nguyên Golan bị chiếm đóng. Họ cho biết trong một tuyên bố: "Các khu vực Radar, Zibdin và Ruwaisat Al-Alam đã bị oanh tạc bằng lượng lớn đạn pháo và tên lửa dẫn đường. Chúng tôi nhằm vào ba địa điểm mà Israel chiếm đóng trong khu vực Shebaa Farms ở Liban".

Shebaa Farms là một dải lãnh thổ tranh chấp hẹp ở khu vực giao giữa biên giới Liban - Syria và Cao nguyên Golan (lãnh thổ mà Israel đã chiếm đóng kể từ Chiến tranh Sáu ngày năm 1967). Khu vực này từng là điểm nóng xung đột giữa lực lượng Hezbollah và Israel trong nhiều thập niên. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết họ đã bắn vào các khu vực ở miền Nam Liban để đáp trả, sử dụng máy bay không người lái để tấn công các vị trí của Hezbollah trong khu vực xung quanh Shebaa Farms. Diễn biến giữa Israel và Hezbollah xảy ra sau khi lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ) ở biên giới Israel - Liban (UNIFIL)  điều chỉnh và tăng cường hiện diện trên khắp khu vực hoạt động vào ngày hôm trước.

Nhận định về sự tham gia của Hezbollah vào căng thẳng hiện nay giữa Israel và Hamas, phóng viên Ali Hashem của kênh Al Jazeera nói: "Hezbollah đang cố gắng truyền một thông điệp tới phía Israel - những người đang làm tình hình leo thang ở Gaza và có thể tiến hành một cuộc đổ bộ, có nghĩa là cuộc xung đột này sẽ có một chiều hướng mới. Hezbollah đã chọn Shebaa Farms để gửi thông điệp đến Israel…

Khu vực này bị Liban coi là lãnh thổ bị chiếm đóng, vì vậy Hezbollah không làm bất cứ điều gì trái chính sách của chính phủ Liban. Sẽ có một số lời chỉ trích Hezbollah từ các đối thủ chính trị trong nước nhưng Hezbollah đã chọn khu vực này để bày tỏ quan điểm mà không vượt quá giới hạn".

Trước diễn biến căng thẳng leo thang tại Dải Gaza, dư luận đã kêu gọi các bên chấm dứt bạo lực. Đặc phái viên LHQ tại Trung Đông Tor Wennesland đã gọi đây là tình huống "bên bờ vực nguy hiểm", kêu gọi các bên kiềm chế tối đa và bảo vệ dân thường. Các nước trong khu vực thì cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng của căng thẳng leo thang giữa Palestine và Israel, kêu gọi các bên kiềm chế tối đa, tránh làm cho dân thường tổn thương hơn nữa đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế đảm nhận trách nhiệm của mình và kích hoạt tiến trình hòa bình đáng tin cậy dẫn tới giải pháp hai nhà nước, nhằm đạt được an ninh và hòa bình trong khu vực cũng như bảo vệ dân thường. Một số quốc gia trong khu vực cho rằng, Israel là bên duy nhất phải chịu trách nhiệm về tình trạng leo thang đang diễn ra, do nước này tiếp tục vi phạm các quyền của người dân Palestine.

Trong khi đó, nhiều nước phương Tây đồng loạt lên tiếng lên án vụ tấn công bằng rocket từ Dải Gaza, đồng thời bày tỏ đoàn kết với Israel. Trong một tuyên bố, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông dứt khoát lên án cuộc tấn công của Hamas nhằm vào thường dân Israel và kiên quyết đứng về phía Chính phủ và người dân Israel. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock, Ngoại trưởng Anh James Cleverly, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đều đồng loạt chỉ trích hành động của phong trào Hamas, đồng thời bày tỏ tình đoàn kết với Israel. 

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.