Thủ tướng Israel tới Mỹ tìm kiếm sự khởi động mới

Thứ Hai, 30/08/2021, 08:48

Thủ tướng Israel Naftali Bennett vừa kết thúc chuyến thăm chính thức 2 ngày tới Mỹ và gặp Tổng thống nước chủ nhà Joe Biden.

Chuyến công du này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Israel với Iran gia tăng, sau vụ tấn công nhằm vào một tàu thương mại của Israel tại vùng Vịnh hồi đầu tháng 8/2021 khiến 2 thủy thủ đoàn thiệt mạng, trong đó Israel và Mỹ cáo buộc Iran đứng sau vụ việc. Bên cạnh đó, Israel cũng đang phải đối phó với sự leo thang các hành động bạo lực ở khu vực biên giới phía nam với Dải Gaza.

Nội dung trọng tâm của chuyến thăm

Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp kéo dài 50 phút tại Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden cho biết hai bên nhất trí sẽ đưa ra thêm các biện pháp nhằm đảm bảo Iran không thể sở hữu vũ khí hạt nhân bằng cách cố gắng thúc đẩy qua các kênh ngoại giao. Nếu chiến lược ngoại giao trước tiên thất bại, sẽ xem xét “các lựa chọn khác” để đối phó với Tehran.

Tuyên bố trên của người đứng đầu Nhà Trắng cho thấy mục đích cốt lõi của chuyến thăm và làm việc của nhà lãnh đạo Israel về cơ bản đã đạt được. Tuy nhiên, vấn đề hạt nhân chỉ là một “gạch đầu dòng” liên quan đến Iran được đưa ra trong các cuộc thảo luận song phương giữa hai nhà lãnh đạo cũng như các cuộc làm việc ở cấp bộ máy giúp việc. Song song với đó là chính sách của Iran trong khu vực, vốn được cho là đang gây khó chịu cho các quốc gia láng giềng, trong đó có Israel.

Nội dung quan trọng thứ hai của chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Naftali Bennett là thiết lập mối quan hệ cá nhân với Tổng thống Joe Biden nhằm khẳng định rằng, chính phủ mới ở Israel vẫn duy trì được vị thế của Nhà nước Do Thái là một đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực. Khác với người tiền nhiệm Benjamin Netanyahu luôn được cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đón tại Nhà Trắng, ông Naftali Bennett chưa có mối quan hệ cá nhân gần gũi với đương kim Tổng thống Mỹ. Do đó, chuyến thăm này là cơ hội tốt để hai nhà lãnh đạo thiết lập sự “đồng điệu” trong một loạt vấn đề bất đồng giữa hai nước, đặc biệt liên quan đến Iran và chính sách đối với người Palestine.

Tại cuộc làm việc, ông Joe Biden đã gọi ông Naftali Bennett là “bạn” kèm lời khẳng định mối quan hệ Mỹ - Israel “vẫn đang rất tốt đẹp như vốn có”, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với mối quan hệ đang tiến triển tốt giữa Nhà nước Do Thái với một số quốc gia Hồi giáo Arab. Về phần mình, ông Thủ tướng Israel nhắc lại những nội dung đã được nhiều lần đề cập trong các cuộc tiếp xúc ngoại giao cấp cao giữa hai nước.

Sau khi khẳng định Mỹ vẫn là đồng minh thân cận nhất, ông nhắc lại Israel là một quốc gia nhỏ, xung quanh có nhiều kẻ thù, vì vậy việc duy trì một sức mạnh và ưu thế quân sự đồng thời ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân là một “yếu tố sống còn”. Tuy nhiên, Israel không đề nghị Mỹ trực tiếp giúp đỡ quân trong cuộc chiến chống lại các đối thủ, mà chỉ đề nghị hỗ trợ gián tiếp về tài chính và thiết bị quân sự. Israel sẽ tự giải quyết vấn đề riêng của mình.

Nội dung này được cho là khá mới trong các cuộc tiếp xúc cấp cao Mỹ-Israel, trong bối cảnh Mỹ đang chủ trương cắt giảm can thiệp và rút quân đồn trú ở nước ngoài, nhất là sau khi sa lầy và thất bại tại Afghanistan. Bên cạnh vấn đề Iran và Palestine, hai bên cũng thảo luận một số vấn đề hợp tác song phương khác, như cam kết tài trợ của Mỹ giúp Israel hoàn thiện hệ thống phòng thủ tên lửa “Vòm Sắt”, hợp tác trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và cơ chế miễn thị thực cho công dân của nhau.

myisrael.jpg -0
Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Naftali Bennett hội đàm tại Nhà Trắng. 

Thành công trên danh nghĩa

Giới quan sát đánh giá chuyến công du này đã đạt được các mục tiêu đối ngoại mà không tạo ra một sự thay đổi lớn cho các vấn đề an ninh khu vực, như vấn đề hạt nhân Iran hay cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Trong bối cảnh Chính phủ Israel mới được thành lập sau thời gian dài khủng hoảng chính trị, với thành phần gồm các đảng phái có nhiều bất đồng quan điểm, đây chỉ là chuyến thăm tạo tiền đề để tân Thủ tướng Israel xây dựng quan hệ cá nhân và chính trị với Tổng thống Biden và Mỹ - đối tác quan trọng nhất của Israel.

Qua chuyến thăm này, ông Naftali Bennett đã có được lời khẳng định từ phía Tổng thống Joe Biden về “mối quan hệ hữu nghị” giữa hai nước. Mục đích quan trọng nhất của chuyến thăm là thông điệp gửi tới Iran và các nước khác, nhấn mạnh rằng tân Thủ tướng Israel vẫn nhận được sự ủng hộ từ Nhà Trắng không kém những gì người tiền nhiệm Benjamin Netanyahu và chính phủ mới của Israel vẫn có vai trò không suy chuyển trong mối quan hệ song phương với Mỹ.

Về vấn đề Iran, trước chuyến thăm, Thủ tướng Naftali Bennett đã gấp rút xây dựng một kế hoạch mới trong vòng 2 tháng với mục tiêu “kiềm chế Iran trên cả 2 mặt trận: sở hữu vũ khí hạt nhân và mở rộng ảnh hưởng trong khu vực”, với hy vọng có thể thuyết phục Washington hợp tác. Tuy nhiên, vòng đàm phán hạt nhân thứ sáu tại Vienna (Austria) đã khép lại với một triển vọng mù mịt trước những khoảng cách khó bù lấp giữa yêu cầu và đòi hỏi của các bên. Có nhiều dấu hiệu cho thấy Iran hiện đã có quan điểm cứng rắn hơn trước và sẽ không quay trở lại bàn đàm phán nếu không được thỏa mãn điều kiện đặt ra, bao gồm yêu cầu Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp cấm vận khắc nghiệt. Đây là điều Israel vẫn luôn phản đối.

Ngoài ra, Iran đã có những bước tiến quan trọng về công nghệ hạt nhân trong 2 năm qua, giúp nước này tăng vị thế đàm phán rất nhiều, trong bối cảnh mối quan tâm của Mỹ không còn đặt nặng vào Trung Đông, cùng với sự hiện diện của Trung Quốc và Nga theo cách này hay cách khác trong khu vực, càng giúp Tehran củng cố vị thế là một cường quốc không dễ áp đặt. Vì vậy, chuyến thăm của ông Bennett sẽ khó lòng tạo ra một giải pháp trước mắt cho vấn đề hạt nhân Iran, ít nhất là tại vòng đàm phán mới dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 9 tới.

Trên thực tế, không chỉ các vấn đề Palestine và Iran, ngay cả Israel cũng không còn nằm trong danh sách ưu tiên trong chương trình nghị sự của Tổng thống Mỹ Biden, vốn đã chuyển trọng tâm sang cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng khí hậu. Hơn nữa, gần đây đã xuất hiện thêm vấn đề khiến Washington bận tâm sau khi lực lượng Taliban nắm quyền kiểm soát hoàn toàn tại Afghanistan, đẩy Mỹ vào tình thế thêm một lần thất bại khi đưa quân ra nước ngoài.

Trong khi đó, ở trong nước, chính phủ liên minh tại Israel vẫn chưa thoát khỏi hoàn toàn nguy cơ tan vỡ, sau khi đảng Raam của người Arab đe dọa sẽ rút khỏi liên minh nếu chính sách bao vây Dải Gaza không được nới lỏng. Sau cuộc xung đột giữa Quân đội Israel và phong trào vũ trang Hamas hồi tháng 5 vừa qua, hai bên đã nhất trí ngừng bắn nhưng các vụ Hamas thả bóng bay gây cháy và Israel không kích nhằm vào các mục tiêu ở Gaza vẫn liên tục xảy ra.

Về vấn đề Palestine, tại cuộc gặp song phương, Tổng thống Biden đã nhắc lại thông điệp Mỹ muốn “thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng cho người Israel và người Palestine”. Với việc nhấn vào chữ “và” với hàm ý tái khẳng định sự ủng hộ “giải pháp hai nhà nước”, dường như ông Biden đã dành sự lựa chọn cho nhà lãnh đạo Israel.

Với tư cách là một nhà chính trị cực hữu, ông Naftali Bennett đang đứng trước một vấn đề gai góc, xử lý chính sách của Israel đối với người Palestine ra sao để không khoét sâu thêm bất đồng với đối tác thân cận Mỹ. Xét những bối cảnh phức tạp nêu trên, chuyến công du của tân Thủ tướng Israel nếu được gọi là thành công thì cũng chỉ là một thành công trên danh nghĩa.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.