Nhiều kỳ vọng quan hệ ASEAN - EU trong năm 2024

Thứ Tư, 03/01/2024, 07:30

Quan hệ đối tác chiến lược giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Âu (EU) là minh chứng khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ “đối tác trong liên kết” giữa hai tổ chức khu vực thành công nhất trên thế giới trong tăng cường hợp tác đa phương, thúc đẩy thương mại tự do trên cơ sở chia sẻ các giá trị và lợi ích chung. Tuy vậy, mối quan hệ này có thể sẽ ít nhiều chịu ảnh hưởng từ hai cuộc bầu cử quan trọng dự kiến diễn ra trong năm nay.

Sau 47 năm kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác đối thoại (năm 1977), quan hệ ASEAN – EU đã phát triển năng động, mở rộng bao trùm trên tất cả các lĩnh vực, như chính trị, quốc phòng - an ninh, kinh tế - thương mại, văn hóa, xã hội và hợp tác phát triển. Và việc hai bên nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược năm 2020 đã khẳng định sự đồng thuận của hai bên trong thúc đẩy hợp tác trên cơ sở chia sẻ các giá trị, nguyên tắc và lợi ích chung, đề cao hợp tác đa phương, thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật lệ nhằm đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và thế giới. Cả ASEAN và EU đều có chung mục đích hướng tới chủ nghĩa đa phương hiệu quả, không chỉ trong thương mại và kinh doanh, mà còn trong tất cả các lĩnh vực, từ biến đổi khí hậu đến an ninh hàng hải.

Nhiều kỳ vọng quan hệ ASEAN - EU trong năm 2024 -0
ASEAN – EU đều coi trọng và đánh giá cao vai trò của nhau trên trường quốc tế.

Việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - EU còn được xem là “bước đi lịch sử” bởi, trong bối cảnh địa - chính trị thế giới với xu hướng bất ổn ngày càng gia tăng và chủ nghĩa đa phương đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay, mối quan hệ này sẽ hình thành một liên kết bền chặt hơn. Các kết quả mà hai bên đạt được sẽ bảo vệ những giá trị chung, thể hiện sự phản đối trật tự thế giới mà “sức mạnh làm nên luật lệ”.

Bên cạnh đó, nâng cấp mối quan hệ cũng tạo cơ hội để cả ASEAN và EU tham gia nhiều hơn vào việc giám sát, định hình và đẩy mạnh hợp tác về thương mại, quốc phòng - an ninh và phát triển bền vững của khu vực. Cấp độ quan hệ đối tác chiến lược tạo nền tảng vững chắc để ASEAN và EU xây dựng mối quan hệ sâu sắc hơn. Ngoài ra, việc này cho thấy hai bên đều coi trọng và đánh giá cao vai trò của nhau trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, mối quan hệ của hai bên có thể sẽ ít nhiều chịu sự ảnh hưởng từ hai cuộc bầu cử quan trọng dự kiến sẽ diễn ra trong năm nay. Đầu tiên là cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội Indonesia diễn ra vào tháng 2/2024. Các lá phiếu của khoảng 200 triệu cử tri nước này sẽ có ảnh hưởng khắp khu vực. Chuyên gia về quan hệ quốc tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại Đại học Vienna (Austria) Alfred Gerstl nhận định, Indonesia được coi là quốc gia hàng đầu ở Đông Nam Á, do đó kết quả của cuộc bầu cử ở quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới sẽ được theo dõi chặt chẽ. Theo hầu hết các cuộc thăm dò ý kiến, người dẫn đầu là Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto.

Chuyên gia Alfred Gerstl cho rằng, nếu đắc cử, ông Prabowo Subianto sẽ “nhấn mạnh hơn vào việc tăng cường khả năng phòng thủ của Indonesia và có thể sẽ tuân theo cương lĩnh chính sách đối ngoại tự do và tích cực truyền thống”. Tuy nhiên, một số người cho rằng, ông thậm chí còn quyết đoán hơn Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo về các quy định liên quan đến nạn phá rừng và môi trường của EU.

Phát biểu vào tháng 11/2023 tại một diễn đàn do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Jakarta tổ chức, nhấn mạnh Indonesia “không thực sự cần châu Âu nữa”, ông Prabowo Subianto nêu rõ: “Chúng tôi mở cửa thị trường cho các bạn, nhưng các bạn không cho phép chúng tôi bán dầu cọ và giờ chúng tôi gặp vấn đề khi cố gắng bán cà phê, trà, ca cao”.

Phát biểu này của ông nhắm tới việc, từ tháng 12/2024, các quy định của EU sẽ cấm nhập khẩu nhiều loại hàng hóa, bao gồm dầu cọ, gỗ và cao su, trừ khi các công ty có thể chứng minh rằng, họ không gây ra nạn phá rừng, một yêu cầu mà một số chính phủ Đông Nam Á cho rằng là quá nặng nề đối với các doanh nghiệp nhỏ của họ. Indonesia, Malaysia và Thái Lan là ba nước xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới, đồng thời là các nhà xuất khẩu lớn các sản phẩm khác có thể bị cấm theo luật của EU sắp tới.

Trước đó, hồi năm 2021, Indonesia và Malaysia - chiếm khoảng 85% sản lượng dầu cọ toàn cầu - đã đưa ra các vụ kiện chống lại EU tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Hai quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi này cũng đã kịch liệt phản đối cuộc tấn công quân sự đang diễn ra của Israel ở Dải Gaza và đã nhiều lần chỉ trích các nước phương Tây vì “tiêu chuẩn kép” của họ liên quan đến cuộc xung đột Israel - Hamas và Nga - Ukraine.

Cuộc bầu cử đáng chú ý thứ hai là cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP), dự kiến được tổ chức vào đầu tháng 6/2024. Kết quả của cuộc bầu cử này được đánh giá sẽ gây ra những thay đổi có thể xảy ra ở cấp cao nhất của Ủy ban châu Âu (EC) và Hội đồng châu Âu. Hiện tại, vẫn chưa rõ liệu Chủ tịch EC Ursula von der Leyen có tái tranh cử hay không. Sự liên tục trong cơ quan điều hành của EU sẽ tăng cường sự liên tục trong cam kết của EU với các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết, sự gia tăng của phe cực hữu trong các cuộc bầu cử có thể làm gián đoạn chương trình nghị sự về chính sách đối ngoại của EU. Mặc dù vậy, EU vẫn sẽ tiếp tục đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) với Indonesia và Thái Lan vốn đang tiến triển vào năm 2023.

Người phát ngôn của EU Peter Stano cho biết, khả năng Quốc hội Thái Lan sẽ phê chuẩn Thỏa thuận hợp tác và đối tác EU-Thái Lan vào năm 2024, cho phép nhiều cơ chế có hiệu lực. Một số chuyên gia cũng cho rằng, các cuộc đàm phán thương mại chính thức của EU với Malaysia và Philippines có thể bắt đầu vào năm tới khi chính phủ của cả hai nước trong năm nay đều bày tỏ tham vọng thúc đẩy các cuộc thảo luận.

Vào ngày 2/2 tới sẽ diễn ra Hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao EU-ASEAN tại Brussels (Bỉ) và làm dịu căng thẳng về tình hình ở Gaza sẽ là vấn đề trọng tâm trong chương trình nghị sự. Đây cũng sẽ là “điểm nhấn trong năm” đối với mối quan hệ châu Âu - Đông Nam Á. Người phát ngôn Peter Stano lưu ý: “Chúng tôi mong muốn thông qua một tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác chiến lược và bảo vệ chủ nghĩa đa phương trước tình trạng bất ổn toàn cầu gia tăng”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.