Nền kinh tế Trung Quốc phát triển ấn tượng trong năm 2023

Chủ Nhật, 31/12/2023, 08:44

Năm 2023 đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc. Sản lượng ngũ cốc tăng 1,3% so với năm ngoái, sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ đều ghi nhận các mức tăng trưởng vượt dự đoán… là những tín hiệu tích cực đến với nền kinh tế của quốc gia đông dân thứ 2 thế giới.

Những tín hiệu tích cực

Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 11/12 công bố số liệu cho thấy sản lượng ngũ cốc năm 2023 của nước này tăng 1,3% so với năm ngoái, đạt mức cao kỷ lục 695,41 triệu tấn. Trong đó, sản lượng ngô tại Trung Quốc năm nay tăng 4,2% so với năm ngoái, trong khi sản lượng gạo và lúa mỳ giảm lần lượt 0,9% và 0,8%. Đây là năm thứ chín liên tiếp Trung Quốc đạt sản lượng thu hoạch ngũ cốc vượt 650 triệu tấn, mặc dù nước này liên tiếp hứng chịu thiên tai trong thời gian thu hoạch tại các khu vực dọc sông Hoàng Hà và Hoài Hà, lũ lụt ở các khu vực phía Bắc và Đông Bắc, cũng như hạn hán ở các vùng phía Tây Bắc.

Nhằm khuyến khích nông dân trồng ngũ cốc, Chính phủ Trung Quốc đã tăng giá sàn thu mua gạo và lúa mỳ, đồng thời cải thiện chính sách trợ cấp cho nông dân trồng ngô và đậu nành năm 2023. Theo đó, trong năm 2023 nước này có tổng cộng 119 triệu hécta đất trồng ngũ cốc, tăng 0,5% so với năm 2022. Sản lượng ngũ cốc của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục đã đóng góp tích cực vào sự ổn định của thị trường ngũ cốc toàn cầu, đảm bảo an ninh lương thực thế giới.

Trước đó, sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ của Trung Quốc đều ghi nhận các mức tăng trưởng vượt dự đoán trong tháng 10. Số liệu của NBS cho thấy, sản lượng công nghiệp tăng 4,6% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 4,5% trong tháng 9 và dự đoán 4,4% mà giới phân tích đưa ra trong cuộc khảo sát của hãng tin Reuters. Đây cũng là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 4. Trong khi đó, doanh số bán lẻ của Trung Quốc tăng 7,6% trong tháng 10, cao hơn nhiều so với mức tăng 5,5% trong tháng 9 và là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 5.

Trước đó, giới phân tích dự đoán doanh số bán lẻ tăng 7% do cơ sở so sánh thấp của cùng kỳ năm 2022 dưới tác động của dịch COVID-19. Giới phân tích tỏ ra thận trọng trước số liệu khả quan nói trên, cho rằng lĩnh vực bất động sản vẫn là một mắt xích yếu của nền kinh tế. Bên cạnh đó, việc thiếu những cải cách lớn cũng là một cản trở đối với đà phục hồi bền vững trong dài hạn của kinh tế Trung Quốc.

8.jpg -0
Hàng hóa xuất nhập khẩu trên cảng Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, tháng 8/2023. Ảnh: AP.

Cũng trong tháng 10, số liệu của NBS cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở mức 5%, không đổi so với tháng 9. Sau khi tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ chạm mức cao kỷ lục 21,3% trong tháng 6, NBS dừng công bố hạng mục số liệu này từ tháng 7. Trung Quốc đã tăng cường những nỗ lực để vực dậy nền kinh tế sau đại dịch COVID-19, với một loạt các biện pháp hỗ trợ về mặt chính sách trong những tháng gần đây. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn dự đoán trong quý III. Giới phân tích nhìn chung dự đoán kinh tế nước này sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm mà chính phủ đặt ra là khoảng 5%.

Tuy nhiên, chiến lược gia cấp cao tại Trung Quốc của Ngân hàng ANZ Xing Zhaopeng nhận định rằng, vì tác động của các dịp lễ và hiệu ứng từ cơ sở so sánh thấp của năm 2022, nên các số liệu được so sánh với cùng kỳ năm ngoái nói trên không thể phản ánh được nhịp độ thực tế của nền kinh tế. Ông cho biết các số liệu so sánh với tháng trước đó cho thấy nền kinh tế đang giảm tốc hơn nữa, với nguy cơ giảm phát ngày càng cao.

Điểm đầu tư hấp dẫn đối với doanh nghiệp Trung Quốc

Việt Nam và Trung Quốc đã và đang là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của nhau. Trung Quốc nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Quan hệ đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc thời gian qua luôn phát triển theo hướng rất tích cực, đạt được nhiều thành quả ấn tượng. Ngoài tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước liên tục tăng, Việt Nam đang tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp của Trung Quốc.

Sau 15 năm Việt Nam – Trung Quốc thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, kim ngạch thương mại của hai nước không ngừng tăng trưởng. Nếu như năm 2008, kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên đạt 20,8 tỷ USD, đến năm 2022, con số này đạt trên 175,5 tỷ USD (tăng hơn 8 lần), trong đó tăng trưởng xuất khẩu cao hơn nhập khẩu, nhập siêu được thu hẹp. Trung Quốc đứng thứ 2 trong các thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Trung Quốc hiện là thị trường duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương (xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đảo chiều từ mức giảm 2,2% hồi đầu năm sang mức tăng 6,2% sau 11 tháng năm 2023) trong khi các thị trường lớn khác đều giảm. Kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này tiếp tục tăng.

Nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các thị trường. Tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2018 chiếm 27,6%, đến năm 2020 và 2021 đã tăng lên mức 32% và 33,1%, năm 2022 giảm nhẹ về mức 32,8%, nhưng 10 tháng năm 2023 đã tăng lên, đạt 33,5%. Theo số liệu thống kê mới nhất, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đã đạt 155,58 tỷ USD sau 11 tháng năm 2023. Nhập khẩu lớn hơn xuất khẩu, nên Trung Quốc chủ yếu ở vị thế xuất siêu lớn với Việt Nam. Ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, kim ngạch thương mại của Việt Nam – Trung Quốc không ngừng đạt tăng trưởng. Hai bên tăng cường mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm có thế mạnh của nhau. Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc tại Việt Nam đã có những tăng trưởng vượt bậc. Sau gần 15 năm, đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam đã tăng gần 10 bậc, hiện nay Trung Quốc đứng thứ 6 trong hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.

Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, nhất là đối với các dự án quy mô lớn, chất lượng cao, công nghệ hiện đại, tiêu biểu cho trình độ phát triển của Trung Quốc, mang lại lợi ích kinh tế và dân sinh. Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam đến cuối tháng 11/2023 có 4.203 dự án còn hiệu lực, với 27.224 triệu USD, đứng thứ 3 về số dự án và thứ 6 về số vốn đăng ký. Riêng từ đầu năm 2023 đến cuối tháng 11 có 632 dự án, với lượng vốn 3.806,5 triệu USD, đứng thứ nhất về số dự án, thứ 2 về lượng vốn đăng ký. Lượng vốn đăng ký bình quân 1 dự án đạt khoảng 6,5 triệu USD.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.