Một bước ngoặt trong cuộc khủng hoảng

Thứ Tư, 23/02/2022, 07:12

Giới chuyên gia phân tích chính trị đã dùng những từ ngữ này để miêu tả việc Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh công nhận nền độc lập đối với hai nước Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR) ở miền Đông Ukraine vào rạng sáng 22/2 (giờ Việt Nam). Ông đồng thời ký thỏa thuận hợp tác với lãnh đạo các khu vực này.

Quyết định của người đứng đầu Điện Kremlin được đưa ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa quân đội Ukraine và hai nước cộng hòa tự đang leo thang căng thẳng. Kể từ hôm 18/2, DPR và LPR đã báo cáo các cuộc pháo kích dữ dội và các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng từ các lực lượng Kiev. Lãnh đạo hai nước cộng hòa tự xưng cáo buộc sự leo thang này giống như màn dạo đầu cho cuộc tấn công tổng lực của quân đội Ukraine.

Trong tuyên bố đưa ra ngay sau tuyên bố của Tổng thống Nga, Quốc hội DPR và LPR đã thông báo quyết định phê chuẩn “Hiệp ước hữu nghị và hợp tác với Liên bang Nga” với sự đồng thuận tuyệt đối. Người dân của hai khu vực này đã tổ chức bắn pháo hoa ăn mừng trên đường phố, vẫy cờ Nga và bày tỏ ủng hộ động thái của Moscow.

Các hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Nga và DPR và LPR hiện vẫn đang là dự thảo, nhưng đã được Duma Quốc gia Nga công bố. Nội dung chi tiết cho thấy các văn bản bao gồm cả phòng vệ tập thể trước sự gây hấn từ bên ngoài và quyền sử dụng cơ sở hạ tầng quân sự của nhau. Đáng chú ý trong văn bản này là Chương 5, trong đó, cho phép các bên liên quan có quyền “xây dựng, sử dụng và cải thiện các cơ sở hạ tầng quân sự, các căn cứ và các thực thể khác trên lãnh thổ”.

Chương 6 nêu rõ việc các bên liên quan sẽ không “tham gia bất cứ khối nào hoặc liên minh nào có thể nhắm trực tiếp vào bên còn lại” và sẽ không cho phép lãnh thổ của mình được sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào bên còn lại. Chương 11 nói về việc đi lại tự do của công dân giữa các bên tham gia hiệp ước, quy định nghĩa vụ của Nga và các nước cộng hòa trong việc “phát triển và thực hiện một bộ giải pháp được nhất trí nhằm kiểm soát cơ chế ra, vào lãnh thổ của người dân 3 nước”.

Chương 11 cũng nêu trách nhiệm của các bên liên quan trong việc bảo vệ “bản sắc dân tộc, ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo của các dân tộc thiểu số trên lãnh thổ của mình và tạo điều kiện để bảo tồn và phát triển” những bản sắc này đồng thời đảm bảo các quyền của cá nhân và tập thể thiểu số.

Theo Sputnik, Chương 3 của thỏa thuận hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa Nga và LPR có nêu: “Việc bảo vệ đường biên giới của Cộng hòa Nhân dân Lugansk sẽ được tiến hành chung giữa các bên liên quan dựa trên lợi ích an ninh của các bên, cũng như vì hòa bình và ổn định”. Nội dung tương tự cũng được nêu trong dự thảo thỏa thuận giữa Nga với DPR.

Một bước ngoặt trong cuộc khủng hoảng -0
Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì cuộc họp Hội đồng an ninh tại Điện Kremlin để xem xét việc công nhận độc lập cho DPR và LPR. Ảnh: Kremlin.

Ngay sau tuyên bố công nhận độc lập, Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh cho Bộ Quốc phòng cử lực lượng tới DPR và LPR để gìn giữ hòa bình, song chưa rõ quân số và thời điểm triển khai. Các quan chức Mỹ lo ngại đây có thể là lực lượng tiên phong cho cuộc tấn công toàn diện nhằm vào Ukraine mà nước này đã dự đoán trong những ngày qua. Tại cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), Đại sứ Mỹ Linda Thomas-Greenfield nhận định, việc quân đội Nga được cử đến miền Đông Ukraine trên danh nghĩa “lực lượng gìn giữ hòa bình” là điều “vô nghĩa”, đồng thời cáo buộc đây là “nỗ lực tạo cớ tấn công Ukraine”.

Các quan chức Mỹ cho biết lực lượng Nga đã “hiện diện tại khu vực” từ năm 2014. Trong khi đó, ngay khi Tổng thống Vladimir Putin đưa ra thông báo, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tham vấn với các nhà lãnh đạo Pháp và Đức, đồng thời nhanh chóng ban hành gói trừng phạt tài chính và thương mại với DPR và LPR. Tuy nhiên, ông không áp dụng làn sóng trừng phạt mạnh mẽ nhằm vào nền kinh tế Nga như đã tuyên bố nếu Nga tấn công Ukraine.

Thậm chí, Nhà Trắng ngày 22/2 đã nhấn mạnh rằng sẽ không có cuộc gặp ngoại giao nào giữa Tổng thống Mỹ và Tổng thống Nga hay giữa các ngoại trưởng với nhau nếu Moscow tiếp tục các hành động quân sự ở Ukraine. Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định, Moscow sẵn sàng đối thoại với Washington bởi quyết định công nhận độc lập của DPT và LPR không ảnh hưởng đến thái độ sẵn sàng đối thoại.

“Thậm chí trong những thời điểm khó khăn nhất, chúng tôi vẫn khẳng định rằng chúng tôi sẵn sàng cho tiến trình đàm phán. Đến nay, lập trường này vẫn như vậy”, bà khẳng định khi được hỏi quyết định trên có ảnh hưởng đến kế hoạch cho cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hay không. “Chúng tôi luôn ưu tiên giải pháp ngoại giao”, bà cho hay.

Trong một diễn biến liên quan, HĐBA LHQ sáng 22/2 đã tiến hành phiên họp khẩn cấp về vấn đề Ukraine. Phát biểu tại cuộc họp, đại diện thường trực của Ấn Độ tại LHQ, ông TS Tirumurti nhấn mạnh căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine là vấn đề rất đáng quan ngại, cho rằng ưu tiên trước mắt là xoa dịu cuộc khủng hoảng này. Quan chức này cũng cho rằng, rằng cần dành thời gian cho các sáng kiến mà các bên gần đây cam kết thực hiện nhằm hạ nhiệt căng thẳng. Trong bối cảnh này, Ấn Độ hoan nghênh các nỗ lực mạnh mẽ đang diễn ra, kể cả thông qua Nhóm liên lạc ba bên và theo định dạng Normandy.

Ông TS Tirumurti hối thúc các bên nỗ lực hơn nữa để giải quyết mâu thuẫn. Trong khi đó, một thông báo mới đây của Ủy ban châu Âu cho biết Liên minh châu Âu (EU) đang điều phối việc cung cấp viện trợ nhân đạo và thiết bị thiết yếu cho Ukraine để hỗ trợ dân thường thông qua cơ chế bảo vệ dân sự của EU.

Theo Ủy ban châu Âu, mới đây, 5 quốc gia thành viên EU là Pháp, Slovenia, Romania, Ireland và Áo đã cung cấp khoản viện trợ thiết yếu cho Ukraine theo đề nghị của Kiev. Cao ủy châu Âu về Quản lý khủng hoảng Janez Lenari cho biết đây là khoản viện trợ ban đầu và dự kiến trong những ngày tới sẽ có hỗ trợ từ các nước thành viên khác trong EU.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.